'Sát thủ lang thang' đáng sợ nhất của Mỹ

Hệ thống điện tử tinh vi, hỏa lực mạnh, MQ-9 Reaper là cỗ máy gieo rắc sự chết chóc ở bất kỳ nơi đâu mà nó được triển khai hoạt động.

Việc thí điểm vũ trang cho MQ-1 Predator đã chứng minh được tính ứng dụng thực tiễn rất cao. Kích thước nhỏ gọn, khó phát hiện, không thương vong, khả năng thâm nhập sâu vào bên trong các căn cứ của đối phương. Predator trở thành công cụ hữu ích cho những vụ tấn công bí mật.

Sau sự kiện 11/9, nhu cầu về máy bay không người lái (UAV) có khả năng tấn công tăng mạnh để đáp ứng chiến dịch chống khủng bố toàn cầu của Mỹ. Lầu Năm Góc cùng nhà sản xuất phát triển phiên bản mới của Predator tinh vi, khả năng mang tải trọng vũ khí nhiều và đa dạng hơn. Ban đầu chương trình được gọi là Predator B, về sau được chỉ định MQ-9 Reaper (Thần chết).

Hệ thống điện tử tinh vi

Theo Airfore Technology, về cơ bản, MQ-9 được phát triển trên cơ sở của MQ-1 với nhiều thay đổi trong thiết kế khí động học. Cánh đuôi hình chữ V hướng lên trên, song vẫn giữ lại cánh đuôi ổn định phía dưới. Cánh chính rộng và dài hơn được thiết kế lên phía trên lưng máy bay thay vì phía dưới bụng như phiên bản MQ-1.

Hệ thống cảm biến trên Reaper được nâng cấp về mọi mặt mang lại hiệu suất hoạt động tối ưu hơn. MQ-9 được trang bị trạm cảm biến tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu đa nhiệm AN/DAS-1 MTS-B cung cấp khả năng giám sát bất kể ngày đêm với độ phân giải cao.

Radar khẩu độ tổng hợp AN/APY-8 Lynx, cung cấp khả năng giám sát mặt đất trên một khu vực rộng lớn. Radar này có khả năng bao phủ khu vực rộng 25 km2 mỗi phút khi bay ở tốc độ 126 km/h. Nếu MQ-9 bay ở độ cao 15,3 km, radar cung cấp khả năng giám sát một khu vực rộng tới 60 km2.

MQ-9 Reaper - sát thủ không người lái đáng sợ nhất thế giới. Ảnh: USAF

MQ-9 Reaper - sát thủ không người lái đáng sợ nhất thế giới. Ảnh: USAF

Một trong những tính năng nổi trội của radar AN/APY-8 Lynx có khả năng quét chi tiết một khu vực có diện tích 300 x 170 m để hiển thị các đối tượng mục tiêu cỡ 10 cm ở cự ly tới 40 km. Tính năng này cho phép người điều khiển nhận dạng, phân loại các đối tượng và đưa ra biện pháp xử lý phù hợp.

MQ-9 được trang bị 4 điểm treo vũ khí dưới cánh có khả năng mang tên lửa không đối đất AGM-114 Hellfire, bom thông minh GBU-12 Paveway II, GBU-38 JDAM. Ngoài ra, Reaper có thể mang tên lửa không đối không AIM-92 Stinger để tự vệ. Tổng tải trọng vũ khí khoảng 1,5 tấn.

Reaper được trang bị một động cơ turboprop TPE-331-10T Honeywell, công suất 950 mã lực, tốc độ tối đa 482 km/h, tốc độ hành trình 313 km/h, trần bay tối đa 15,3 km, thời gian hoạt động liên tục 24-36 giờ.

Cỗ máy gieo rắc chết chóc

MQ-9 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 2/2001, mẫu thử nghiệm được chuyển giao cho Không quân Mỹ vào năm 2002. Năm 2006, Không quân Mỹ chích thức đặt tên cho Predator-B là MQ-9 Reaper.

MQ-9 chính thức được đưa vào phục vụ trong Không quân Mỹ từ năm 2007. Tháng 9/2007 Reaper được triển khai hoạt động tại căn cứ Không quân Mỹ ở Balad, Iraq. MQ-9 bắn tên lửa Hellfire đầu tiên vào quân nổi dậy trong khu vực Deh Rawood, vùng miền núi Oruzgan, Afghanistan ngày 28/10/2007.

Ngày 4/2/2008, MQ-9 ném quả bom trúng một chiếc xe bán tải của lực lượng phiến quân gần khu vực Kandahar, Afghanistan. Trong tháng 3/2008, MQ-9 đã thực hiện tổng cộng 16 phi vụ không kích mục tiêu bằng bom và tên lửa. Tính đến tháng 3/2009 có tới 28 chiếc MQ-9 đang hoạt động tại căn cứ Balad, Iraq.

Tháng 10/2015, Lầu Năm Góc cho biết, UAV MQ-9 đã không kích tiêu diệt Mohammed Emwazi (kẻ có biệt danh John Thánh chiến) thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Al-Raqqah, Syria.

Reaper có chiều dài 11 m, sải cánh 20 m, cao 3,8 m, trọng lượng rỗng 2,2 tấn, trọng lượng cất cánh tối đa 4,7 tấn. Ảnh: USAF

Các hệ thống cảm biến tinh vi, trang bị vũ khí mạnh cho phép MQ-9 hoạt động hiệu quả với chiến thuật “truy tìm - tiêu diệt”. Hệ thống truyền thông chiến thuật L-3 đảm bảo cho MQ-9 hoàn thành mọi nhiệm vụ. Hiệu suất tác chiến của Reaper vượt trội so với Predator nên tần suất sử dụng “Thần chết” trong các phi vụ săn lùng khủng bố ngày càng nhiều hơn.

MQ-9 và MQ-1 xuất hiện ở bất kỳ nơi đâu có bóng dáng của “chủ nghĩa khủng bố”. Ngoài khu vực hoạt động chính là Iraq, Afghanistan và Pakistan, Mỹ còn xây dựng một trung tâm điều hành ở căn cứ Lemonier, Djibouti để thực hiện các phi vụ không kích bí mật ở Yemen. Bên cạnh đó, Không quân Mỹ còn thiết lập 2 căn cứ khác ở Ethiopia và quần đảo Seychelles.

Vấn đề khiến dư luận quan tâm là các chiến dịch sử dụng UAV của Cơ quan Tình báo trung ương (CIA) và Lầu Năm Góc chưa bao giờ được công bố một cách rõ ràng. Theo Aviation Week, mặc dù có nhiều thông tin rò rỉ ra bên ngoài về cách thức và nơi CIA tiến hành các cuộc tấn công bằng UAV, nhiều chi tiết vẫn còn rất mờ mịt.

Quy trình tấn công bằng UAV được thực hiện như sau, các tình báo viên của CIA và các tổ chức khác sẽ cung cấp thông tin, địa điểm về các phần tử nghi là khủng bố. Sau khi mục tiêu được xác định, UAV sẽ được phóng lên để tiêu diệt chúng. Thông tin về mục tiêu có thể được cung cấp trước cho người điều khiển UAV, hoặc trong quá trình bay trinh sát, đối tượng khả nghi được phát hiện và chuyển thông tin cho UAV để tiêu diệt.

Tuy nhiên, quá trình sàng lọc, kiểm duyệt tính chính xác của thông tin luôn là một ẩn số. CIA và Lầu Năm Góc luôn khẳng định rằng, thông tin tình báo của họ là chính xác, các sự cố chỉ là tai nạn ngoài ý muốn.

Khi UAV MQ-9 và MQ-1 được sử dụng nhiều hơn cho nhiệm vụ săn lùng khủng bố thì tần suất các vụ tấn công nhầm cũng gia tăng theo. Báo cáo về các vụ tấn công nhầm vào thường dân liên tục xuất hiện trên các phương tiện truyền thông.

Tháng 5/2012, Wall Street Journal đưa tin, một UAV của Mỹ đã tấn công nhầm vào đoàn xe của thường dân Thổ Nhĩ Kỳ khiến 34 người thiệt mạng. Vụ việc dẫn đến cuộc biểu tình lớn của người dân Thổ Nhĩ Kỳ cũng như bê bối ngoại giao lớn giữa Ankara với Washington.

Theo New America Foundation, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Washington thường xuyên theo dõi các vụ tấn công bằng UAV ở Pakistan cho biết, trong năm 2010, Mỹ đã thực hiện 122 phi vụ không kích bằng UAV, số người thiệt mạng ước tính 209-328 người.

Tại châu Phi, các cuộc không kích của UAV không chỉ nhắm vào các phần tử khủng bố mà cả những tổ chức có thể gây nguy hiểm cho chính quyền sở tại, đặc biệt là Yemen. Điều đó khiến ranh giới giữa chống khủng bố và mưu đồ chính trị trở nên mơ hồ hơn.

MQ-9 hay MQ-1 là những công cụ đắc lực, hiệu quả của chúng là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, mục đích sử dụng của chúng đang trở thành vấn đề gây tranh cãi.

Quốc Việt

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/sat-thu-lang-thang-dang-so-nhat-cua-my-post649126.html