'Sát thủ' quanh ta

Tại nhiều thành phố lớn trên thế giới như London (Anh), ô nhiễm không khí đang là 'sát thủ' hàng ngày bào mòn sức khỏe của người dân, thậm chí gây tử vong. Để nhận diện và loại bỏ 'sát thủ vô hình' này, đòi hỏi sự chung tay của cộng đồng cũng như cá nhân mỗi người.

Tại nhiều thành phố lớn trên thế giới như London (Anh), ô nhiễm không khí đang là “sát thủ” hàng ngày bào mòn sức khỏe của người dân, thậm chí gây tử vong. Để nhận diện và loại bỏ “sát thủ vô hình” này, đòi hỏi sự chung tay của cộng đồng cũng như cá nhân mỗi người.

_______________

1. Trong văn phòng nhỏ ở quận Catford, đông nam Thủ đô London (Anh), bà Rosamund Kissi - Debrah đang dẫn dắt chiến dịch đưa vấn đề ô nhiễm không khí vào trọng tâm chương trình nghị sự của chính quyền. Trong nhiều năm qua, ô nhiễm không khí do khói bụi từ các phương tiện cơ giới… đã được coi là “sát thủ vô hình” cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người dân Anh. Tuy nhiên, con số người chết thường trừu tượng và danh tính các nạn nhân thường không được công bố. Giờ đây, lần đầu tiên trong lịch sử, những người tham gia chiến dịch đã nêu đích danh nạn nhân mà họ cho là thiệt mạng bởi ô nhiễm không khí, đó là Ella Roberta Kissi-Debrah, con gái bà Rosamund.

Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ô nhiễm không khí đã gây ra cái chết của hơn 6 triệu người mỗi năm vì các lý do như ung thư phổi, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não…Trong số này, hơn 1,7 triệu nạn nhân là trẻ em dưới 5 tuổi. Trên thế giới, trung bình 10 người thì có 9 người đang hít thở không khí chứa hàm lượng chất gây ô nhiễm cao.

Năm 2013, khi mới 9 tuổi, Ella tử vong sau một cơn suyễn cấp. Trước đó, Ella mắc hen suyễn nặng, có những cơn ho kịch phát gây u ám ý thức tạm thời, thậm chí ngất xỉu. Đây là biểu hiện chứng bệnh hô hấp mà các lái xe tải đường dài lâu năm thường mắc phải. Khi Ella còn sống, bà Rosamund đã thử tìm nguyên nhân mắc bệnh của Ella. Theo bà Rosamund, trong ba năm cuối đời, Ella phải nhập viện nhiều lần do phổi bị tổn thương vì hít khói bụi ô nhiễm. Hàng ngày, Ella đến trường trên con đường đông đúc South Circular Road ở khu Lewisham, đông nam London. Bà Rosamund hồi tưởng: “Khi Ella lần đầu ốm, tôi chỉ cho cháu đến viện uống thuốc kháng sinh thông thường và nghĩ vài ngày nữa mọi thứ sẽ ổn. Tuy nhiên, Ella ho ngày càng nặng như ho gà”. Mặc dù được chữa trị đặc biệt tại bệnh viện Great Ormond Street – một trong những bệnh viện dành cho trẻ em tốt nhất thế giới, song Ella vẫn không khỏi bệnh.

Năm 2014, một cuộc điều tra ban đầu về cái chết của Ella đã được tiến hành. Với sự trợ giúp của nữ luật sư Jocelyn Cockburn – một người cũng mắc hen suyễn, bà Rosamund tiếp tục đi tìm bằng chứng mới để khẳng định cái chết của Ella có mối liên hệ rõ ràng với ô nhiễm không khí. Nghiên cứu bệnh án của Ella, giáo sư miễn dịch học Stephen Holgate thuộc Đại học Southampton cho biết : “Nếu cấp độ ô nhiễm không khí ở mức cho phép thì có thể Ella đã không chết”.

Luật sư Joycelyn yêu cầu cơ quan chức năng Anh mở cuộc điều tra chính thức và đề nghị này đã nhận được sự ủng hộ của thị trưởng London Sadiq Khan. Tuy nhiên, luật sư Joycelyn cho rằng con đường tìm công lý cho Ella rất gian nan, bởi mọi người vẫn lưỡng lự khi liên hệ ảnh hưởng của ô nhiễm không khí tới một cá nhân cụ thể. Luật sư Joycelyn tuyên bố: “Chúng tôi muốn cuộc điều tra được mở rộng nhiều nhất có thể. Điều quan trọng là xác định liệu các hoạt động công nghiệp, giao thông ở địa phương có liên quan đến cái chết của Ella hay không? Bài học để tránh ảnh hưởng sức khỏe con người trong tương lai là gì?”.

Tháng 9/2017, ông Sadiq Khan đã kích hoạt cảnh báo ô nhiễm không khí nghiêm trọng sau khi mức độ ô nhiễm tại khu vực thủ đô dày đặc hơn do lượng khí thải độc hại bao trùm toàn châu Âu. Theo đó, lực lượng chức năng thành phố đã triển khai việc lắp đặt các biển cảnh báo về tình trạng ô nhiễm tại khu vực công cộng, giúp nâng cao nhận thức của người dân về nguy cơ đe dọa sức khỏe do không khí ô nhiễm. Người già, trẻ nhỏ, những người có vấn đề về phổi và tim mạch được khuyến cáo hạn chế các hoạt động ngoài trời.

Tờ The Guardian (Anh) cho biết câu chuyện cá nhân Ella nay đã trở thành vấn đề “nóng” liên quan tới việc quản lý môi trường của chính quyền. London và nhiều thành phố khác của Anh bị cáo buộc phá vỡ quy định của EU về giới hạn an toàn lượng nitrogen dioxide (NO2) trong không khí. NO2 là một trong những chất gây ô nhiễm không khí, có mùi hắc và gây sương mù. Các nguồn chính tạo ra NO2 là xe cơ giới chạy động cơ diesel và các nhà máy điện. Các tác động tiêu cực của NO2 đến sức khỏe con người gồm: gia tăng tỷ lệ mắc bệnh hen suyễn, làm tăng nguy cơ tử vong vì bệnh phổi, tăng tần suất nhập viện do bệnh về phổi. Ngoài ra, các thành phố của Anh còn bị cho là thiếu biện pháp kiểm soát cấp độ an toàn bụi siêu vi PM 2.5 và PM 10. Bụi siêu vi chủ yếu sinh ra từ động cơ các phương tiện cơ giới chạy bằng diesel và xăng, cũng như từ sự tiếp xúc giữa các lốp xe với mặt đường. Bụi siêu vi không nhìn thấy bằng mắt thường song có thể gây chết chóc. Bụi siêu vi thâm nhập phổi và hệ tim mạch có thể gây đột quỵ, bệnh tim mạch, hen suyễn, ung thư phổi, nhiễm trùng đường hô hấp… Bụi PM2.5 xâm nhập cơ thể có thể khiến người đang bị bệnh tim mạch hoặc phổi tử vong sớm. Theo tờ Finncial Times, từ năm 2010, London đã có mức ô nhiễm không khí vượt mức cho phép với nồng độ NO2 ở mức đặc biệt nguy hiểm. Ô nhiễm không khí ở London ngang với Bắc Kinh (Trung Quốc), New Delhi (Ấn Độ) và tệ hơn nhiều so với các thành phố phát triển khác như New York (Mỹ) hoặc Madrid (Tây Ban Nha). Ủy ban về ảnh hưởng ô nhiễm không khí của Anh (COMEAP) ước tính NO2 và bụi siêu vi là tác nhân gây ra khoảng 28.000 – 36.000 trường hợp chết trẻ tại “xứ sở sương mù” mỗi năm. Nếu con số này đúng, N02 và bụi siêu vi trở thành những “sát thủ” có mức độ đáng sợ chỉ sau khói thuốc lá. Bà Sarah MacFadyen – người đứng đầu bộ phận chính sách của “Hiệp hội Phổi Anh quốc” – lo ngại: “Đó là cuộc khủng hoảng về sức khỏe. Trong khi có thể trông thấy nước bẩn, thực phẩm bẩn, mọi người thường ít đề cập về tác hại của ô nhiễm không khí từ khí thải xe cộ bởi nó vô hình”.

2. Kể từ khi lên làm thị trưởng London vào năm 2016, ông Sadiq Khan – bản thân mắc hen suyễn và cũng có con bị hen suyễn – đã nỗ lực tìm cách giảm ô nhiễm không khí cho thành phố. Do phần lớn người nghèo sống trên đường phố nên thị trưởng Sadiq coi ô nhiễm không khí không chỉ là vấn đề môi trường mà còn là vấn đề y tế và công bằng xã hội. Tháng 9/2017, ông Sadiq Khan đã kích hoạt cảnh báo ô nhiễm không khí nghiêm trọng sau khi mức độ ô nhiễm tại khu vực thủ đô dày đặc hơn do lượng khí thải độc hại bao trùm toàn châu Âu. Theo đó, lực lượng chức năng thành phố đã triển khai việc lắp đặt các biển cảnh báo về tình trạng ô nhiễm tại khu vực công cộng, giúp nâng cao nhận thức của người dân về nguy cơ đe dọa sức khỏe do không khí ô nhiễm. Người già, trẻ nhỏ, những người có vấn đề về phổi và tim mạch được khuyến cáo hạn chế các hoạt động ngoài trời.

Tháng 10/2017, nhằm giảm nguồn khí độc hại thải ra môi trường, London bắt đầu thu phí “T-charge” có giá 18 USD/ngày (khoảng 420.000 đồng) đối với các loại xe chạy bằng động cơ diesel hoặc xăng được đăng ký lưu hành từ trước năm 2006 và không đáp ứng tiêu chuẩn “Euro 4” theo quy định của châu Âu năm 2005 về khí thải phương tiện giao thông. Tháng 11/2017, thị trưởng Sadiq Khan phát động kế hoạch tạo ra “Vùng khí thải cực thấp” (ULEZ) đầu tiên trên thế giới ở trung tâm London vào năm 2019. Theo đó, chính quyền khuyến khích người dân đi bộ, đi xe đạp hoặc sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Ông Sadiq tuyên bố : “Chúng tôi không thể tiếp tục hít thở thứ không khí độc hại tới mức nhiều trẻ em đang lớn lên với các vấn đề về hô hấp và phổi”.

Trước đây, chính quyền Anh từng khuyến khích các lái xe chuyển sang sử dụng ô tô chạy bằng diesel với niềm tin rằng động cơ này ít phát ra khí CO2 gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, thực tế xe động cơ diesel lại thải ra khí N02 nhiều hơn xe chạy bằng xăng. Nghiên cứu của Trung tâm Y tế công cộng Lancet cho thấy, các phương tiện chạy dầu diesel gây ô nhiễm không khí đã ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe trẻ em ở London, nhất là làm gia tăng các bệnh về phổi ở trẻ. Trước thực tế này, chính quyền đã đặt mục tiêu ngưng bán các loại xe chạy bằng diesel và xăng vào năm 2040.

Đảng Xanh tại Anh cũng coi việc giảm ô nhiễm không khí là trọng tâm chính sách của mình, đồng thời hy vọng vụ việc của Ella là nhân tố có thể làm thay đổi cách tiếp cận của chính quyền đối với vấn đề bảo vệ môi trường. Bà Caroline Russell, người phát ngôn lĩnh vực giao thông của Đảng Xanh, nói: “Cần xem lại cách phát triển hệ thống giao thông của nước Anh để mọi người có thể tiếp cận các phương tiện đi lại tiết kiệm, thân thiện môi trường, không phụ thuộc vào ô tô”.

Trước đây, chính quyền Anh từng khuyến khích các lái xe chuyển sang sử dụng ô tô chạy bằng diesel với niềm tin rằng động cơ này ít phát ra khí CO2 gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, thực tế xe động cơ diesel lại thải ra khí N02 nhiều hơn xe chạy bằng xăng. Nghiên cứu của Trung tâm Y tế công cộng Lancet cho thấy, các phương tiện chạy dầu diesel gây ô nhiễm không khí đã ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe trẻ em ở London, nhất là làm gia tăng các bệnh về phổi ở trẻ. Trước thực tế này, chính quyền đã đặt mục tiêu ngưng bán các loại xe chạy bằng diesel và xăng vào năm 2040.

Trở ngại cho chiến dịch giảm ô nhiễm không khí là việc phần lớn lái xe chưa nhận thức hết được việc chiếc ô tô hiện tại của họ đang gây ô nhiễm ra sao. Do vậy, nhiều nhà môi trường cho rằng cần tăng cường hướng dẫn người dân về các loại phương tiện giao thông đảm bảo môi trường, đồng thời phù hợp nhất với khả năng tài chính của họ.

Giáo sư Frank Kelly – Chủ tịch Ủy ban COMEAP – đánh giá: “ Sự vô hình dần trở nên hữu hình nhờ những hành động mạnh mẽ nhằm thu hút sự chú ý của công chúng và các chính trị gia về vấn đề ô nhiễm không khí tại nước Anh. Tuy nhiên, thách thức ở chỗ cần để người dân nhận thức ngày càng sâu sắc rằng đây là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của họ và con cái họ. Họ là một phần của vấn đề bởi chính họ góp phần vào tình trạng ô nhiễm môi trường trong các thành phố lớn”.

Theo ông Kelly, chưa có giấy chứng tử nào ghi “chết vì ô nhiễm không khí”. Do vậy, sẽ là một bước tiến lớn trong cuộc chiến bảo vệ môi trường nếu cái chết của Ella Roberta Kissi-Debrah được chứng minh có mối liên hệ với tình trạng ô nhiễm không khí ở London.

Thiết kế: Mẫn San

Võ Duy

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/special-today/sat-thu-quanh-ta-133910.html