Sau 1 năm chịu cấm vận, lợi nhuận ròng của Gazprom giảm mạnh

Vào hôm 24/5, tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của nhà nước Nga cho biết, lợi nhuận ròng năm 2022 đã giảm xuống còn 14,2 tỷ euro (-41,4%), vì hoạt động xuất khẩu khí đốt sang châu Âu suy giảm mạnh trong bối cảnh chiến tranh Nga - Ukraine.

Gã khổng lồ khí đốt Nga, một trụ cột của nền kinh tế Nga và do một số nhân vật thân cận với Tổng thống Vladimir Putin đứng đầu, đã chịu một “đòn tấn công” nặng nề từ phương Tây. Theo báo cáo thường niên công bố hôm 23/5 và được cơ quan báo chí Nga, lợi nhuận ròng năm 2022 của gã khổng lồ khí đốt Nga là 1,226 tỷ rúp (14,2 tỷ euro), so với con số 2,093 tỷ rúp (24,2 tỷ euro) của năm 2021.

Theo thông cáo báo chí riêng của Gazprom, “số tiền thuế phải nộp đã gia tăng vào giai đoạn nửa cuối năm, làm ảnh hưởng đến số tiền lợi nhuận”.

Trước những kết quả này, Gazprom - công ty nằm dưới sự kiểm soát của nhà nước Nga (nắm 50,2% cổ phần) và được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Moscow, đã khuyến nghị không chia cổ tức cho năm 2022.

Đối với Gazprom, năm 2022 là một năm đầy dấu ấn: Rút hoạt động khỏi hầu hết các nơi trong thị trường châu Âu, nhưng vẫn tiếp tục cung cấp LNG cho những nước EU nào cần tiếp tục mua vì họ hoàn toàn không có giải pháp thay thế.

Cũng trong năm đó, người châu Âu đặt mục tiêu: Siết chặt nguồn thu của Nga từ hoạt động xuất khẩu khí đốt, nhằm hạn chế khả năng Điện Kremlin tập trung đủ tài lực cho cuộc chiến Nga - Ukraine.

Theo số liệu được chia sẻ trên Diễn đàn các nước xuất khẩu khí đốt, lượng khí đốt xuất khẩu từ Nga vào châu Âu, thông qua hệ thống đường ống dẫn, đã giảm từ 140 tỷ m3 xuống còn 63 tỷ m3 (-55%).

Đối mặt với những khó khăn này, Gazprom - nhà độc quyền xuất khẩu khí đốt của Nga thông qua đường ống dẫn khí đốt, đã bắt đầu thay đổi chiến lược trong những tháng gần đây: Chuyển hướng một phần xuất khẩu sang châu Á – khu vực có nhu cầu năng lượng cao.

Vào năm 2022, lượng khí đốt vận chuyển qua đường ống dẫn khí đốt “Power of Siberia” (nối vùng Viễn Đông của Nga với Trung Quốc) đã đạt mức tối đa lịch sử: 15,5 tỷ m3.

Đồng thời, Nga đã tăng doanh số bán LNG.

Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên gia, Nga khó chuyển hướng xuất khẩu khí đốt hơn là dầu mỏ, vốn cũng là mục tiêu bị trừng phạt nặng nề, vì các cơ sở hạ tầng cần thiết (đường ống dẫn khí, nhà máy và tàu chở LNG cho LNG, v.v.) rất tốn kém và mất thời gian để hoàn thành xây dựng.

Ví dụ, Gazprom có kế hoạch bắt đầu xây dựng một đường ống dẫn khí đốt mới tên “Power of Siberia 2” vào năm 2024, nối từ Nga đến tây bắc Trung Quốc. Với gần nửa triệu nhân viên, Gazprom là doanh nghiệp nắm giữ trữ lượng khí đốt lớn nhất thế giới, và tiếp tục là một trong những động lực tăng trưởng kinh tế của Nga.

Ngọc Duyên

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/sau-1-nam-chiu-cam-van-loi-nhuan-rong-cua-gazprom-giam-manh-685785.html