Sau 1 tháng ra quân kiểm tra an toàn thực phẩm: Xử lý nghiêm, tăng cường hậu kiểm

Sau 1 tháng triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024 (từ ngày 15-4 đến 15-5), cơ quan chức năng trên địa bàn Hà Nội đã phát hiện nhiều vi phạm về bảo đảm an toàn thực phẩm.

Rõ ràng, nguy cơ mất an toàn thực phẩm luôn hiện hữu khi các khâu kiểm soát, quản lý còn gặp nhiều khó khăn.

Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về an toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Hà Nội kiểm tra một cơ sở cung cấp nông sản tại huyện Thanh Trì. Ảnh: Xuân Lộc

Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về an toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Hà Nội kiểm tra một cơ sở cung cấp nông sản tại huyện Thanh Trì. Ảnh: Xuân Lộc

Nguy cơ hiện hữu

Tại quận Hoàn Kiếm, sau 1 tháng ra quân, cơ quan chức năng đã yêu cầu đóng cửa, đình chỉ hoạt động 9 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm. Điển hình như quán Thế giới ngan (ở số 49 phố Ngô Quyền) vào cuối tháng 4-2024 bị thực khách phát hiện trong bát nước chấm và lọ tương ớt có rất nhiều dòi; sau đó, cơ quan chức năng đã xử phạt 6 triệu đồng. Tuy nhiên, ngày 9-5, khi đoàn kiểm tra liên ngành của quận Hoàn Kiếm tiến hành hậu kiểm đột xuất thì tình trạng mất vệ sinh, an toàn thực phẩm vẫn tái diễn tại đây. Cụ thể, tại thời điểm kiểm tra khu chế biến của quán ăn, thực phẩm sống - chín để lẫn lộn; thịt ngan chín bán cho khách ăn ngay nhưng không được che đậy, bảo quản. Cùng với việc cơ sở này không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu thực phẩm, khi xét nghiệm nhanh còn phát hiện 2/10 mẫu bát bẩn, có tinh bột bám dính…

Sáng 14-5, trao đổi với phóng viên Báo Hànôịmới, Trưởng phòng Y tế quận Hoàn Kiếm Phạm Thị Thanh Nhàn cho biết, khi phát hiện vi phạm, cơ quan chức năng của quận kiên quyết xử lý nghiêm, thậm chí đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không bảo đảm điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và yêu cầu đóng cửa dừng kinh doanh. Dù vậy, mặt hàng thực phẩm và hình thức kinh doanh ngày càng phong phú, đa dạng, trong khi lực lượng chức năng còn mỏng nên rất khó làm triệt để.

Cũng trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, Công an huyện Đông Anh phối hợp cùng Cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra cơ sở kinh doanh tại thôn Cổ Điển (xã Hải Bối, huyện Đông Anh). Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở này có 1.900kg lá lách lợn đông lạnh, 1.000kg chân bò đông lạnh chứa trong các túi ni lông, bao tải và bảo quản trong tủ đông lạnh, đang có dấu hiệu phân hủy, bốc mùi hôi thối.

Tiếp đến, Công an thành phố cùng với Cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra đột xuất một địa điểm kinh doanh, tập kết thực phẩm tại phường Thanh Trì (quận Hoàng Mai) và thu giữ 1,5 tấn nầm lợn và 400 kg lạp xưởng không có nguồn gốc, xuất xứ. Chủ cơ sở khai nhận, toàn bộ hàng hóa liên quan được thu mua trôi nổi trên thị trường. Đáng chú ý, số lạp xưởng này chủ yếu được đổ buôn cho các quán ăn vỉa hè…

Tăng cường tuyên truyền quy trình chế biến, bảo quản

Theo báo cáo nhanh của Sở Y tế Hà Nội, trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, toàn thành phố đã thành lập 620 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành. Tính từ ngày 15-4 đến 10-5, các đoàn đã thanh tra, kiểm tra được 9.018 cơ sở, trong đó có 8.192 cơ sở đạt tiêu chuẩn (chiếm tỷ lệ 90,8%) và phát hiện, xử phạt 724 cơ sở vi phạm quy định về an toàn thực phẩm với số tiền hơn 2,4 tỷ đồng.

Trước những vi phạm về an toàn thực phẩm được phát hiện trong thời gian qua, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho rằng, không chỉ trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm mà công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra lĩnh vực này cần tiếp tục được các cơ quan chức năng, các quận, huyện, thị xã triển khai thường xuyên, liên tục tại tất cả các thời điểm trong năm, đặc biệt là trong mùa hè. Bởi vì đây là thời điểm thời tiết nóng ẩm, tạo môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus phát triển mạnh nên dễ xảy ra ngộ độc thực phẩm.

Để tránh tái diễn vi phạm, cùng với việc xử lý nghiêm, tăng cường hậu kiểm, các đơn vị cần chú trọng công tác tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở tuân thủ đầy đủ quy trình chế biến, bảo quản thực phẩm, đặc biệt chú trọng nguyên liệu thực phẩm nhập vào phải bảo đảm rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Đại diện Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về an toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Hà Nội cũng lưu ý, qua kiểm tra tại một số quận, huyện cho thấy, có nơi công tác lấy mẫu xét nghiệm nhanh thực phẩm, dụng cụ chế biến, chứa đựng thực phẩm còn thấp. Do đó, trong quá trình thanh tra, kiểm tra thời gian tới cần đẩy mạnh việc lấy mẫu xét nghiệm nhanh, xét nghiệm tại labo để đánh giá chất lượng thực phẩm, từ đó sớm đưa ra cảnh báo đến người tiêu dùng.

Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong:
Tăng cường kiểm tra thức ăn đường phố

Từ kết quả triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm của các quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn cần tiếp tục tổ chức kiểm tra theo các chuyên đề, kiểm tra định kỳ và đột xuất xuyên suốt từ nay đến cuối năm. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với thức ăn đường phố, các hộ kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, bếp ăn trường học, bếp ăn khu công nghiệp… Đối với ngành Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng ngành Công Thương, Nông nghiệp tổ chức thực hiện công tác giám sát, phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm; các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, cảnh báo sự cố an toàn thực phẩm; truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc lĩnh vực được phân công quản lý theo quy định. Mục tiêu đặt ra là không để xảy ra vụ ngộ độc lớn trên địa bàn Thủ đô.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng:
Không nể nang khi xử lý vi phạm

Những năm qua, huyện Thanh Trì luôn tăng cường kiểm soát nguồn gốc thực phẩm lưu thông trên thị trường và tại các chợ đầu mối, đồng thời xây dựng các mô hình điểm về kiểm soát an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, huyện cũng đã tích cực đồng loạt ra quân thanh tra, kiểm tra trong các tháng cao điểm tăng cường quản lý an toàn thực phẩm như: Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, dịp Trung thu, lễ, Tết... Riêng trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024, huyện đã thành lập 35 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành. Số cơ sở được kiểm tra đợt này là 399, qua đó xử phạt 12 cơ sở với tổng số tiền 39 triệu đồng, đồng thời tiêu hủy hàng hóa vi phạm trị giá 27 triệu đồng. Trong quá trình kiểm tra, các đoàn kiểm tra cũng đã kiên quyết xử lý, không nể nang trong xử lý vi phạm liên quan đến lĩnh vực an toàn thực phẩm... Nhờ đó, nhiều năm qua, huyện Thanh Trì không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể với nhiều người mắc.

Anh Khổng Doãn Duy, phường Bồ Đề, quận Long Biên:
Cần sự đồng hành của mọi người dân

Trước thông tin về những vụ việc vi phạm an toàn thực phẩm được cơ quan chức năng phát hiện thời gian qua khiến người tiêu dùng như tôi không khỏi lo lắng. Lo lắng về sức khỏe của bản thân và của những người thân xung quanh sẽ ra sao nếu chẳng may ăn phải những thực phẩm không bảo đảm chất lượng. Vì vậy, tôi mong những người sản xuất, kinh doanh thực phẩm cần có lương tâm, bán đến người tiêu dùng những sản phẩm bảo đảm chất lượng, để bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng. Bên cạnh đó, tôi cũng mong mọi người dân cần đồng hành, vào cuộc cùng với cơ quan chức năng để có thể ngăn ngừa và hạn chế có hiệu quả tình trạng thực phẩm “bẩn”, không an toàn. Khi phát hiện các hành vi vi phạm, người dân cần thông báo với cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý kịp thời. Trong tiêu dùng, người dân không nên tiêu thụ, mua bán các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc và trang bị kiến thức về an toàn thực phẩm để tự bảo vệ mình và gia đình.

Xuân Lộc ghi

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/sau-1-thang-ra-quan-kiem-tra-an-toan-thuc-pham-xu-ly-nghiem-tang-cuong-hau-kiem-666303.html