Sau 3 kỳ giảm liên tiếp, giá xăng về bằng mức giá tháng 10/2021

Giá xăng E5 RON 92 và RON 95 sau kỳ điều chỉnh hôm 21/9 đang ở quanh mức 21.800-22.600 đồng/lít, mức thấp nhất từ đầu năm đến nay và tương đương thời điểm giữa tháng 10/2021.

Giá xăng đã giảm liên tiếp trong 3 kỳ điều hành gần đây, đưa giá xăng về quanh mức giá hồi tháng 10/2021.

Giá xăng đã giảm liên tiếp trong 3 kỳ điều hành gần đây, đưa giá xăng về quanh mức giá hồi tháng 10/2021.

Sau 3 kỳ giảm giá liên tiếp gần đây, hiện giá bán lẻ xăng trong nước đã về ngang bằng mức giá hồi tháng 10/2021.

Cụ thể, từ 15h chiều ngày 21/9, Như vậy, giá xăng trong nước đã có lần giảm thứ 3 liên tiếp trong vòng 1 tháng. Hiện, giá xăng E5 RON 92 và RON 95 đang ở quanh mức 21.800-22.600 đồng/lít, mức thấp nhất từ đầu năm đến nay và tương đương thời điểm giữa tháng 10/2021.

Dầu diesel cũng đã về mức 22.536 đồng/lít, dầu hỏa còn 22.441 đồng/lít. Dầu mazut 180CST 3.5S 14.656 đồng/kg, giá dầu về bằng giá xăng RON 95 trong nước.

So với đầu tháng 7/2022, mỗi lít RON 95 giảm hơn khoảng 10.200 đồng; E5 RON 92 giảm hơn 9.100 đồng; dầu diesel giảm hơn 7.00 đồng, dầu hỏa giảm gần 6.000 đồng/lít.

Theo lý giải của liên Bộ Công thương - Tài chính, thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 12/9 đến 21/9) có diễn biến tăng giảm đan xen nhưng xu hướng chung là giảm.

Giá xăng dầu có những phiên tăng là do sản lượng khai thác của OPEC không đạt mức dự kiến; dự trữ dầu thô của Mỹ tăng nhưng thấp hơn nhiều mức dự báo. Giá xăng dầu có những phiên giảm do đồng USD tiếp tục tăng giá; ngân hàng Trung ương tại nhiều nước tiếp tục tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát cùng dự trữ dầu thô của Mỹ tăng.

Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa 2 kỳ điều hành là 95,3 USD/thùng xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 (giảm 2,9 USD/thùng, tương đương giảm 2,9% so với kỳ trước); 99,4 USD/thùng xăng RON 95 (giảm 3,7 USD/thùng, tương đương giảm 3,6% so với kỳ trước). 118,579 USD/thùng dầu hỏa (giảm 13 USD/thùng, tương đương giảm 10% so với kỳ trước)...

Thực tế, giá xăng đã có thể giảm mạnh hơn con số 450-631 đồng/lít nếu cơ quan quản lý không thực hiện trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Tại kỳ điều chỉnh ngày 21/9, Cơ quan điều hành giá không chi quỹ bình ổn, nhưng lại thực hiện trích lập quỹ bình ổn giá đối với các loại xăng ở mức 450-451 đồng/lít (bằng với kỳ trước). Đồng thời trích lập với dầu diesel và dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít.

Kỳ điều hành này, dù giá cơ sở các mặt hàng xăng, dầu giảm so với kỳ trước, nhưng Liên Bộ cho rằng, việc trích lập Quỹ bình ổn là để hỗ trợ cho đời sống của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời duy trì công cụ Quỹ BOG để có dư địa điều hành bình ổn giá các mặt hàng xăng dầu trong giai đoạn cuối năm khi giá xăng dầu còn tiềm ẩn nhiều bất ổn.

Số liệu Bộ Tài chính vừa công bố, tính đến hết quý II/2022 (đến hết ngày 30/6/2022), Quỹ Bình ổn giá xăng dầu có số dư là 310,8 tỷ đồng.

Tổng số trích Quỹ Bình ổn giá xăng dầu trong quý II/2022 (từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 30/6/2022) là hơn 1.000 tỷ đồng. Cùng với đó, tổng số sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu trong quý II/2022 là 526,7 tỷ đồng.

Bộ Tài chính cũng cho biết, lãi phát sinh trên số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu dương trong quý II/2022 là 1,4 tỷ đồng; lãi vay phát sinh trên số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu âm trong quý II/2022 là 1,792 triệu đồng.

Liên quan đến việc giữ hay bỏ quỹ bình ổn, Chính phủ vừa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo Luật Giá sửa đổi, trong đó vẫn duy trì quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Tại phiên thảo luận về dự Luật Giá sửa đổi này, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách cho hay, đa số ý kiến thường trực Ủy ban này tán thành đề xuất của Chính phủ về duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu, bởi, đây là công cụ điều tiết giá loại nhiên liệu này trong nước, là biện pháp kinh tế, không phải can thiệp hành chính.

Hiện nay, thị trường xăng dầu trong nước vẫn chưa hoàn toàn vận hành theo thị trường, vẫn có sự điều hành của Nhà nước. Quản lý điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước vẫn thông qua giá cơ sở thì việc bỏ Quỹ là chưa phù hợp.

Ngoài ra, khi giá xăng dầu thế giới biến động thì quỹ bình ổn đã phát huy vai trò "điều hòa", góp phần giảm được tần suất và mức điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu. Quỹ này cũng giúp giảm biên độ biến động của giá, từ đó giảm tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh, kiểm soát lạm phát.

Do đó, khi giá thế giới còn biến động khó lường, với điều kiện chống chịu hiện tại của Việt Nam, khi chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu trong nước còn tương đối dài (10 ngày), ông cho rằng trước mắt vẫn cần thiết phải duy trì Quỹ bình ổn.

Thế Hải

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/sau-3-ky-giam-lien-tiep-gia-xang-ve-bang-muc-gia-thang-102021-d174017.html