Sau 4 năm được tuyên không phạm tội, người đàn ông lại bị truy tố…

Câu chuyện mẹ vợ tố con rể lừa đảo thu hút sự quan tâm của dư luận 4 năm trước. Khi ấy, bị cáo Trần Minh Anh, SN 1961, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội, được TAND TP Hà Nội tuyên không phạm tội…

Từng được tuyên không phạm tội!

Thế nhưng, sau phán quyết ấy, VKSND TP Hà Nội đã kháng nghị theo hướng Trần Minh Anh có tội. HĐXX phúc thẩm của TAND cấp cao tại Hà Nội đã chấp thuận, tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra lại. Quá trình điều tra lại, VKSNDTC tiếp tục giữ quan điểm đã truy tố. Theo đó, cơ quan tố tụng kết luận, Cty CP Chứng khoán Bảo Việt (Cty BVSC) hoạt động trong lĩnh vực môi giới chứng khoán, tự doanh, quản lý danh mục đầu tư, bảo lãnh phát hành, tư vấn đầu tư và lưu ký chứng khoán…

Ngày 25-8-2008, Cty BVSC có văn bản gửi CQĐT, tố cáo Trần Minh Anh dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản trong tài khoản của bà Bùi Thị Minh.

CQĐT làm rõ, ngày 22-1-2007, Minh Anh cùng bà Bùi Thị Minh, SN 1934, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, thời điểm đó là mẹ vợ, đến Phòng giao dịch của Cty BVSC để yêu cầu mở tài khoản giao dịch chứng khoán. Tại Phòng giao dịch Cty BVSC, bà Minh đã đưa hộ chiếu của mình cho Minh Anh để nhờ làm các thủ tục liên quan đến việc mở tài khoản giao dịch chứng khoán.

Cùng ngày, bản hợp đồng mở tài khoản giao dịch chứng khoán giữa bà Minh và Cty BVSC được ký kết. Cty đã cấp mã số tài khoản cho bà Minh nhưng Minh Anh lại ký tên trên giấy yêu cầu mở tài khoản, hợp đồng và ghi tên bà Minh bên dưới. Cty không phát hiện ra hành vi này của Minh Anh.

Ngày 23-1-2007, Minh Anh cùng bà Minh đến ngân hàng ngoại thương Việt Nam. Tại đây, bà Minh ký nhận số tiền 175.870 Euro – tiền chị Trần Kim Ngân, con gái bà Minh đang sống tại Cộng hòa liên bang Đức, gửi về cho bà. Ngân hàng đã quy đổi theo giá hiện tại và thanh toán cho bà Bùi Thị Minh hơn 3 tỷ đồng và 34.000 USD.

Cùng ngày, sau khi nhận được tiền tại ngân hàng, Minh Anh đưa bà Minh đến ngân hàng nộp tiền vào tài khoản giao dịch chứng khoán của bà Minh với số tiền hơn 3 tỷ đồng. Bà Minh là người nộp, ký tên. Dù không được bà Minh ủy quyền nhưng từ ngày 25-1-2007 đến ngày 2-7-2007, Minh Anh đã 3 lần đến Phòng kế toán lưu ký, Cty BVSC gặp nhân viên kế toán (Phạm Thị Bích Vân, Vũ Cao Nguyên) để làm thủ tục rút tiền từ tài khoản của bà Minh.

Vân, Nguyên tiếp nhận chứng từ rút tiền của Minh Anh nhưng không kiểm tra, đối chiếu với chứng minh thư, chữ ký của bà Minh, ký xác nhận vào mục kế toán rồi trình phụ trách Phòng kế toán và GĐ Cty ký duyệt để Minh Anh rút được hơn 2 tỷ đồng. Các chứng từ này đều do Minh Anh viết nội dung, ký tên Minh Anh và viết tên bà Minh ở mục chủ tài khoản, người lĩnh tiền.

Để tiếp tục rút tiền trong tài khoản tại Cty BVSC, ngày 9-7-2007, Minh Anh đến Cty lấy mẫu giấy ủy quyền và tự lập giấy với nội dung, bà Minh ủy quyền cho Minh Anh thực hiện các giao dịch chứng khoán. Do tin tưởng Minh Anh là khách hàng quen của Cty, nhân viên giao dịch Cty BVSC đã thụ lý và ký xác nhận vào giấy ủy quyền mà không có mặt người ủy quyền là bà Minh. Minh Anh rút 16 lần với tổng số gần 1,4 tỷ đồng trong tài khoản của bà Minh do Cty BVSC quản lý.

CQĐT kết luận, ngoài 19 lần thực hiện giao dịch rút tổng số gần 3,5 tỷ đồng, Minh Anh còn thực hiện 83 giao dịch khác trên tài khoản. Ngày 6-3-2008, bà Minh đến Cty BVSC rút tiền thấy được thông báo, toàn bộ số tiền trong tài khoản Minh Anh đã rút, chỉ còn 9,1 triệu đồng và bà Minh đã làm thủ tục rút số tiền này; yêu cầu Cty BVSC phải bồi thường cho bà hơn 3 tỷ đồng.

Quá trình điều tra, ban đầu Minh Anh khai, ngày 2-12-2006, có mở tài khoản giao dịch chứng khoán. Do cần nhiều tài khoản để giao dịch nên Minh Anh mượn hộ chiếu của bà Minh để mở tài khoản giao dịch chứng khoán tại Cty BVSC. Số tiền hơn 3 tỷ đồng nộp vào tài khoản là của Minh Anh, tiền dành dụm trong thời gian làm ăn tại Đức. Minh Anh đưa mẹ vợ cũ để nhờ nộp vào. Sau, bị cáo thay đổi, khai rằng, hơn 3 tỷ đồng là tiền chị Ngân gửi về cho mình chơi chứng khoán, bà Minh chỉ là người cho Minh Anh mượn hộ chiếu để mở tài khoản và giao dịch chứng khoán.

Chị Ngân khai, tháng 8-2006, chị bán căn nhà ở Đức được 280.159 euro. Do tài khoản bị phong tỏa vì phá sản, ngày 19-1-2007, thông qua tài khoản của Trần Minh Hoàng (con trai) chị Ngân có gửi 176.000 euro vào tài khoản của mẹ để trả nợ vì trước đó có vay 176 cây vàng. Anh Hoàng cũng có lời khai tương tự. Liên quan đến mối quan hệ vợ chồng giữa Minh Anh và chị Ngân, năm 2008, TAND TP Hà Nội ra bản án xét xử ly hôn giữa họ.

Ngày 2-4-2013, Minh Anh lại có đơn gửi TAND TP Hà Nội xin ly hôn với chị Ngân, lý do, hai người còn giấy chứng nhận kết hôn năm 1988 nhưng chưa được giải quyết. Ngày 8-1-2014, TAND TP Hà Nội ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hôn nhân và gia đình nên không có cơ sở để chấp nhận lời khai nêu trên của Minh Anh.

Bị cáo Minh Anh tại phiên tại phúc thẩm mà HĐXX tuyên hủy án sơ thẩm.

Nhân viên Cty BVSC thoát tội vì được cho là không tư lợi!

Về phần các nhân viên Cty BVSC, Phạm Thị Bích Vân, Vũ Cao Nguyên, Trần Thu Quỳnh, từ ngày 25-1-2007 đến 30-1-2008, Minh Anh đến Phòng kế toán lưu ký gặp Nguyên và Vân để làm thủ tục rút tiền trong tài khoản của bà Minh. Hai người đã tiếp nhận và ký xác nhận vào các chứng từ rút tiền nhưng không kiểm tra CMND của bà Minh để Minh Anh rút hết tiền. Trong đó, Vân 10 lần ký xác nhận, Nguyên 9 lần ký xác nhận. Đối với Quỳnh, nhân viên Phòng giao dịch, ngày 9-7-2007, Minh Anh gặp Quỳnh đưa giấy ủy quyền đã được ký sẵn tên bà Minh, người ủy quyền. Quỳnh không hướng dẫn và yêu cầu Minh Anh phải đưa bà Minh là người ủy quyền đến Cty để thực hiện việc ủy quyền theo đúng nguyên tắc về thủ tục ủy quyền.

Ba người khai, Minh Anh là khách hàng quen nên khi thực hiện nhiệm vụ đã không kiểm tra, đối chiếu CMND của khách hàng đến rút tiền với CMND được lưu tại Cty. Việc làm này không đúng quy trình giao dịch chứng khoán và tạo sơ hở cho Minh Anh thực hiện hành vi gian dối. Với trách nhiệm của mình, họ đã tự nguyện nộp 1,5 tỷ đồng. Được xác định là còn trẻ, thiếu kinh nghiệm và không tư lợi, Cty BVSC có văn bản đề nghị miễn trách nhiệm hình sự và giao cho Cty xử lý nghiêm khắc về hành chính. Do vậy, CQĐT đã đình chỉ điều tra với 3 nhân viên.

Dính đến vụ án còn có ông Lê Văn Minh, Bùi Quang Kỷ - Phó Trưởng phòng Kế toán lưu ký và Ngô Phương Chí, Phó TGĐ Cty, quá tŕnh tác nghiệp sơ suất, không kiểm tra kỹ các chứng từ nộp, rút tiền trước khi ký duyệt, gián tiếp để Minh Anh lợi dụng. Nhưng những người này cũng được xác định là không có tiêu cực nên CQCA giao Cty xử lý hành chính.

Ngày 17-5, HĐXX sơ thẩm của TAND TP Hà Nội mở lại tòa xét xử Minh Anh về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tuy nhiên, phiên xử tạm hoãn vì vắng người tham gia tố tụng.

Hoa Đỗ

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/sau-4-nam-duoc-tuyen-khong-pham-toi-nguoi-dan-ong-lai-bi-truy-to-115575.html