Sau 40 năm sống biệt lập, người rừng Hồ Văn Lang giờ ra sao?

Sau gần 5 năm trở về làng, 'người rừng' Hồ Văn Lang đã hòa nhập được với cộng đồng. Anh chăm chỉ làm việc nhưng vẫn còn sợ… con trâu…

“Người rừng” Hồ Văn Lang rất thích ăn trầu cau

“Người rừng” Hồ Văn Lang rất thích ăn trầu cau

“Người rừng” cha đã qua đời vì bệnh tật

Năm 2013, câu chuyện về hai cha con “người rừng” Hồ Văn Thanh (SN 1932) và Hồ Văn Lang (SN 1969, ở xã Trà Phong, huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi) hay còn gọi “Tarzan Việt Nam” đã gây chấn động báo chí trong và ngoài nước.

Sự việc bắt đầu từ năm 1972, ông Thanh - một cựu binh trở về buôn làng và hay tin cả gia đình đã thiệt mạng sau một trận bom. Buồn bã, tuyệt vọng, ông mang đứa con trai tên Lang chưa tròn 3 tuổi bỏ vào rừng sâu.

Hơn 40 năm cuộc đời, ông và con chỉ bầu bạn với chim muông và thú rừng. Họ ở trong một ngôi nhà giống như tổ chim trên thân cây cổ thụ, cách mặt đất khoảng 6m đề phòng thú dữ, dùng vỏ cây khô, lá cây để che thân, ăn trái cây, củ mì, bắp, lá rừng để sống.

Một ngày đầu tháng 8/2013, người dân địa phương phát hiện hai cha con “người rừng” nên báo với chính quyền địa phương tổ chức tìm kiếm và đưa họ về sống hòa nhập với cộng đồng người Cor. Khi trở về hòa nhập cộng đồng, ông Thanh mới biết trận bom năm xưa vợ con ông vẫn còn sống.

Những ngày tháng 5 đầy nắng, chúng tôi tìm về căn nhà của cha con “người rừng” ở thôn Trà Nga (xã Trà Phong). So với một huyện miền núi đa phần người dân còn quá nhiều khó khăn, căn nhà của cha con “người rừng” được những nhà hảo tâm xây dựng khá kiên cố.

Từ khi ở rừng về, họ sống chung với gia đình người con, người em còn sống trong trận bom năm xưa là anh Hồ Văn Tri (SN 1972).

Anh Tri bảo, dù hòa nhập cộng đồng đã gần 5 năm nhưng anh Lang chỉ biết một ít ngôn ngữ của đồng bào Cor, còn tiếng Kinh thì không biết nên mỗi lần anh giao tiếp với người Kinh, mọi người trong gia đình phải phiên dịch.

Anh Tri buồn bã bảo cha mình đã mất vào cuối năm 2017 vì bệnh tật. Theo anh Tri, từ rừng trở về hòa nhập cộng đồng, thần kinh của ông thanh vốn không ổn định nên chỉ biết ngồi một chỗ. Gia đình đưa ông vào bệnh viện thăm khám.

Tại đây, bác sĩ cho biết, ngoài bệnh thần kinh, ông còn mang nhiều chứng bệnh khác của người già như tim mạch, suy thận nặng nên khó có thể chữa trị dứt điểm, chỉ kéo dài được sự sống.

“Người rừng” Hồ Văn Lang lúc được chính quyền và người dân đưa về làng vào tháng 8/2013.

“Hằng ngày, cha hết xuống bếp lại lên phòng khách ngồi. Dáng ngồi lum khum, hai tay co quắp như khi người ta thấy cha lần đầu ở rừng sâu. Có khách đến nhà chơi, cha cười liên tục rồi nhìn chăm chú bằng một mắt, mắt trái cha bị mù do tai nạn trong rừng”, anh Tri kể.

“Có nhiều đêm đang ngủ, cha lại bỏ ra chòi chất củi ngồi thẫn thờ nhớ về rừng hoặc lật đật vót chông tre và đi quanh vườn tìm bắt chuột. Đặc biệt, trước khi mất khoảng chừng vài tháng, cha còn tự đào hố, chôn cây với ý định làm chòi ở nhưng đã bị tôi ngăn cản. Cha sống rất tình cảm với con cháu nên khi cha mất, chúng tôi buồn lắm”, anh Tri tâm sự.

“Người rừng” con sợ trâu, muốn cưới vợ

Vừa bỏ bó củi trên vai xuống sân, “người rừng” Hồ Văn Lang lẳng lặng đi ra sau nhà để thổi cơm, cho lợn ăn, hái rau… Nhìn anh trai thoăn thoắt làm việc, anh Tri bảo, từ ngày về sống chung với gia đình, đến giờ anh Lang đã thành thạo tất cả mọi việc và thỉnh thoảng nói chuyện được với người trong gia đình, hàng xóm. Sáng sớm anh Lang đi rừng hái đót, chặt mây, chặt tre, đốn củi đến chiều tối mới về nhà.

“Nhưng từ khi cha mất, anh Lang lúc nào mặt cũng buồn buồn, ít giao tiếp hơn trước. Cứ sau một ngày làm việc quần quật trên nương rẫy, anh Lang lại trở về nhà phụ giúp việc gia đình, và không bao giờ quên đến trước bàn thờ vái lạy và thắp hương cho cha”, anh Tri nói.

Theo lời anh Tri, dù rất giỏi nhưng cũng có một số chuyện anh Lang rất sợ, không dám làm như chuyện đi chăn trâu vì anh Lang sợ trâu húc, hay chuyện xuống ruộng cấy lúa vì anh bảo cấy lúa sẽ rất dơ.

“Có lẽ hồi xưa ở rừng anh Lang chưa một lần gặp con trâu, chưa bao giờ lội xuống bùn cấy lúa nên không dám làm. Thấy con trâu là anh bỏ chạy. Lúc trước nhà tôi chỉ nuôi trâu nhưng cứ mỗi lần gặp trâu là anh ấy chạy mất cả dép nên tôi đổi sang nuôi bò”, anh Tri kể.

Khi nghe chúng tôi hỏi: “Có muốn lấy vợ không ?”, anh Lang tỏ vẻ phấn khích. Dù không nói được tiếng Kinh nhưng trong ánh mắt của người đàn ông hơn 40 năm sống trong rừng vẫn có sự biểu cảm vui vẻ, phấn khích khi đưa một phụ nữ nào đó đến gần.

“Có hôm anh Lang đi ăn giỗ nên uống rượu về nhà còn trách cha sao không đưa về nhà sớm hơn để anh lấy vợ. Nhiều lúc tôi nói với anh Lang lấy vợ để nấu cơm, anh cười rất phấn khởi. Anh Lang muốn có vợ lắm nhưng bảo là chỉ thích con gái Cor trẻ, chưa có chồng”, anh Tri nói.

Ông Chu Phương (hàng xóm anh Tri) cho biết: “Thằng Lang tuy tính như đứa trẻ mới lớn nhưng nó cũng khôn lắm đó. Hôm bữa tôi hỏi muốn cưới vợ không, nó bảo muốn lắm. Sau đó, tôi chỉ một người phụ nữ đang ôm con, nó lắc đầu, quay mặt ra chỗ khác. Lúc sau, thấy một bé gái trẻ đi qua, tôi chỉ thì nó cười thích thú lắm”.

Theo anh Tri, bây giờ dù đã biết tiền có thể mua được thức ăn nhưng anh Lang vẫn chưa biết giá trị của nó nên cứ mỗi lần anh đi mua cái gì thì cứ đưa hết tiền cho người ta chứ không biết thiếu đủ ra sao.

“Có lần vợ tôi nhờ anh Lang đi mua giúp gói muối, lúc sau thấy anh Lang mang gần 20 gói muối về, thế là gia đình phải dùng hơn 3 tháng mới hết”, anh Tri kể.

Anh Lang rất thích ăn trầu cau và uống nước chè. Vậy nên anh lên rừng trồng những loại cây này để phục vụ cho bản thân.

“Ngày xưa sống ở rừng anh Lang và cha cũng trồng những loại cây này để phục vụ nhu cầu của mình. Nhiều người cho rằng chính nhờ những chất kích thích này mà cha và anh tồn tại qua mùa đông dài lạnh lẽo bất chấp việc không áo quần, chăn ấm. Bây giờ, những cây chè anh trồng ở đây cũng um tùm lá. Còn trầu cau thì nhiều không đếm xuể”, anh Tri cho biết.

Ông Trương Ngọc Đông - Bí thư Đảng ủy xã Trà Phong, cho biết: “Đã gần 5 năm kể từ khi anh Lang chuyển đến thế giới hiện đại. Năm đầu tiên là khó khăn nhất đối với anh vì các vấn đề sức khỏe anh gặp phải khi bị nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, hiện anh Lang đang thích ứng với cuộc sống mới của mình”.

Theo ông Hoàng Anh Ngọc - Chủ tịch UBND huyện Tây Trà, sau khi được đưa từ rừng sâu trở về, huyện đã cấp chứng minh nhân dân, nhập hộ khẩu cho cha con “người rừng” vào gia đình anh Tri. Ngoài ra, huyện còn cấp 100m2 đất cùng với khoản tiền của cơ quan chức năng, hội đoàn thể hỗ trợ khoảng 100 triệu đồng để xây nhà. Sau đó, nhiều cá nhân, tập thể cũng hỗ trợ hơn trăm triệu đồng giúp đỡ.

Thắng Mỹ

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/rubic-cuoc-song/sau-40-nam-song-biet-lap-nguoi-rung-ho-van-lang-gio-ra-sao-394874.html