Sau 41 năm bay, tàu Voyager 2 ra khỏi Hệ Mặt trời, đi vào vũ trụ liên sao

Tàu không gian hạt nhân Voyager 2 rời Trái đất từ năm 1977, đến ngày 10/12 đã chính thức ra khỏi Hệ Mặt trời, hứa hẹn mang lại cho chúng ta cái nhìn mới mẻ về những gì tồn tại trong sâu thẳm hơn nữa của vũ trụ.

Minh họa vị trí của tàu Voyager 1 và Voyager 2 sau khi ra khỏi Nhật quyền đi vào cõi liên sao. Ảnh: NASA

Minh họa vị trí của tàu Voyager 1 và Voyager 2 sau khi ra khỏi Nhật quyền đi vào cõi liên sao. Ảnh: NASA

Tàu vũ trụ chạy bằng năng lượng hạt nhân Voyager 2 hiện đã ở trong không gian liên sao, cách Mặt trời của chúng ta khoảng 18 tỉ km. Trước đó, vào năm 2012, "người anh em" Voyager 1 đã trở thành vật thể đầu tiên do con người chế tạo đi vào không gian liên sao.

Do ở khoảng cách rất xa Trái đất, nên mặc dù đã đi đến vùng không gian bên ngoài Nhật quyển hôm 9/12, đến ngày 10/12 (theo giờ Mỹ) Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) mới nhận được thông tin từ Voyager 2.

"Chúng tôi đã chờ đợi khoảnh khắc này từ vài tháng qua. Giờ thì chúng ta đã có đủ may mắn để có được cả hai vật thể dũng cảm đã rời hệ Mặt trời và thực sự đang thám hiểm bên ngoài ranh giới giữa các vì sao", Tiến sĩ Nicola Fox, giám đốc Ban Vật lý Thái Dương học thuộc NASA phát biểu trong cuộc họp báo do Liên minh Địa vật lý Mỹ (AGU) vừa tổ chức ngày 10/12 ở Washington.

Đồ họa các thông số về tàu Voyager 2 của NASA.

Trong khi đó, nhà nghiên cứu John Richardson cho biết: "Làm việc trong dự án Voyager khiến tôi cảm giác như một nhà thám hiểm thực thụ. Mọi thứ nó phát hiện đều mới mẻ với chúng ta. Dù Voyager 1 đi vào không gian liên sao trước, song do hướng đi khác nhau nên những gì Voyager 2 gửi về cũng rất quý giá".

Tàu Voyager 1 và Voyager 2 chạy bằng plutoni, được phóng vào năm 1977 với sứ mạng thực hiện một tour dài hạn tới không gian quanh các hành tinh khổng lồ và hiện vẫn đang tiếp tục hành trình thám hiểm vũ trụ.

Video đồ họa về sứ mạng của tàu Voyager 2 trong vũ trụ:

Nhiệm vụ chính của hai con tàu không người lái này là quan sát gần các hành tinh như sao Mộc, sao Thiên Vương và sao Hải Vương. Ngoài ra, chúng còn có trọng trách mang câu chuyện về sự tồn tại của nhân loại để giới thiệu với các nền văn minh khác.

Mỗi tàu Voyager chứa một máy đọc và một chiếc đĩa ghi vàng, được chế tạo để tồn tại được đến hơn 1 tỷ năm. Đĩa ghi chứa hình ảnh, dữ liệu chọn lọc về Trái đất và văn hóa nhân loại. Các nhà khoa học hy vọng một ngày nào đó, một nền văn minh ngoài vũ trụ sẽ nhận được chúng và hiểu được thông điệp của con người.

Theo sau "người anh em song sinh" Voyager 1, tàu Voyager 2 đã rời Hệ Mặt trời. Ảnh: NASA

Các nhà khoa học NASA cho biết họ đã chờ đợi khoảnh khắc Voyager2 đi vào hệ liên sao từ đầu tháng 11 khi con tàu rời khu vực được gọi là Nhật quyển (heliosphere) - một bong bóng khổng lồ chứa plasma và các hạt được phóng ra từ Mặt trời và bị khuấy động bởi gió Mặt trời. Bong bóng này kết thúc ở một ranh giới được gọi là "heliopause", nơi từ trường của Mặt trời không còn và gió Mặt trời thoát ra ngoài không gian liên sao.

"Bên trong bong bóng, hầu hết vật liệu đều xuất phát từ Mặt trời của chúng ta và từ trường đến từ Mặt trời. Còn bên ngoài bong bóng, hầu hết vật liệu tới từ những ngôi sao khác, vốn đã nổ tung từ 5, 10, 15 triệu năm trước", bà Suzanne Dodd, giám đốc dự án Voyager, tại Trung tâm phóng phản lực (JPL) của NASA phát biểu ngày 10/12 (theo giờ Mỹ).

NASA đi đến kết luận con tàu đã vượt qua "heliopause" khi một thiết bị quan trọng trên tàu "quan sát được sự sụt giảm mạnh của tốc độ gió Mặt trời vào ngày 5/11. Kể từ ngày đó, các thiết bị đo plasma đã quan sát không thấy có lượng gió Mặt trời xung quanh Voyager 2, khiến các nhà khoa học tin tưởng rằng con tàu đã rời Nhật quyển", JPL cho biết.

Mỗi tàu Voyager mang theo một đĩa bằng vàng ghi dữ liệu âm thanh, hình ảnh và các thông điệp về Trái đất. Ảnh: NASA

Hình ảnh Mặt trăng Miranda của sao Diêm vương do tàu Voyager 2 chụp ngày 4/1/1986. Ảnh: NASA

Hình ảnh bầu khí quyển màu xanh của sao Hải Vương do tàu Voyager 2 chụp. Ảnh: NASA

Thu Hằng/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/sau-41-nam-bay-tau-voyager-2-ra-khoi-he-mat-troi-di-vao-vu-tru-lien-sao-20181211092851683.htm