Sau 5 năm thi hành Luật Thủ đô, Giáo dục Hà Nội làm được những gì?

Còn nhiều ý kiến về tính hợp lý trong việc phân biệt chất lượng dịch vụ công với chất lượng cao.

Giáo dục còn nhiều mặt chuyển biến chậm

Thay mặt Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đã ký văn bản báo cáo tổng kết 5 năm thi hành Luật Thủ đô gửi tới Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội.

Luật Thủ đô được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ tư thông qua ngày 21/11/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013.

Đây là văn bản pháp lý quan trọng quy định vị trí, vai trò, trách nhiệm và chính sách xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô.

Về phát triển giáo dục và đào tạo, báo cáo đánh giá, quy định thực hiện phổ cập và phát triển giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông đạt chuẩn quốc gia, Thành phố đã ban hành quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Lớp 1 Trường Tiểu học Chu Văn An (quận Hoàng Mai, Hà Nội), nhiều phòng học nhiều bàn có đến 3 học sinh ngồi học. Ảnh: Vũ Phương.

Hà Nội được công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục Trung học cơ sở mức độ 1, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 và hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi sớm trước thời hạn so với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo 2 năm và trước kế hoạch của Thành phố 1 năm.

Đến năm 2018 thành phố Hà Nội đã công nhận đạt chuẩn quốc gia các cấp học.

Việc thực hiện quy định xây dựng một số cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô, báo cáo nêu rõ, đến năm 2018, toàn Thành phố có 16 trường được Thành phố ra quyết định công nhận trường chất lượng cao (7 trường mầm non, 4 trường tiểu học, 2 trường Trung học Cơ sở, 3 trường Trung học phổ thông).

Về hạn chế, báo cáo cũng chỉ rõ, Luật Thủ đô đề ra nhiều nhiệm vụ cần phải tập trung nguồn lực để đảm bảo thực hiện trong cùng một thời điểm nên khó khăn khi tổ chức thi hành.

Vấn đề trường học được báo cáo nhận định là một trong những vấn đề lịch sử để lại từ trước khi ban hành Luật Thủ đô và vẫn chưa đủ điều kiện giải quyết dứt điểm.

Những tồn tại hạn chế ảnh hưởng đến phát triển giáo dục cũng được nêu ra.

Theo đó, công tác giáo dục và đào tạo còn một số mặt chuyển biến chậm.

Tình trạng quá tải của hệ thống trường công lập chưa được giải quyết dứt điểm.

Tiến độ công nhận trường chất lượng cao chậm, gặp khó khăn trong triển khai thực hiện đặc biệt là các huyện, bởi điều kiện về đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên còn thiếu kinh nghiệm.

Việc đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất đòi hỏi cần có thời gian.

Quá trình thực hiện việc xây dựng một số cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô vẫn còn nhiều ý kiến về tính hợp lý trong việc phân biệt chất lượng dịch vụ công với chất lượng cao của quy định này.

Chế độ đãi ngộ chưa hợp lý nên không giữ được người tài

Về chính sách trọng dụng nhân tài, báo cáo cho hay Thành phố đã quyết định nhận 53 thủ khoa xuất sắc vào làm việc tại các Sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban Nhân dân thành phố.

Báo cáo cũng chỉ rõ, tuy chính sách trọng dụng được thành phố quan tâm nhưng số lượng sinh viên tốt nghiệp thủ khoa xuất sắc của các trường đại học, cao đẳng được tuyển dụng bố trí làm việc tại các cơ quan đơn vị thuộc Thành phố và các quận, huyện, thị xã còn còn chiếm tỷ lệ thấp.

Nguyên nhân, chính sách trọng dụng nhân tài chỉ dừng ở chế độ tuyển dụng không qua thi tuyển, chế độ đãi ngộ chưa hợp lý nên chưa thực sự giữ được người tài phục vụ Thành phố.

Điều 12 (Luật Thủ đô): Phát triển giáo dục và đào tạo

1. Thực hiện phổ cập và phát triển giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông đạt chuẩn quốc gia; khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thủ đô theo quy hoạch.

2. Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng nghề trên địa bàn Thủ đô do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo nguyên tắc tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô và cả nước.

3. Xây dựng một số cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô theo các tiêu chí về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp giảng dạy và dịch vụ giáo dục.

Việc theo học tại các cơ sở giáo dục chất lượng cao theo nguyên tắc tự nguyện.

4. Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội ban hành quy định về cơ chế tài chính áp dụng đối với các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao quy định tại khoản 3 Điều này.

5. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có trách nhiệm sau:

a) Quy định cụ thể các tiêu chí về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp giảng dạy và dịch vụ giáo dục chất lượng cao quy định tại khoản 3 Điều này;

b) Quy định bổ sung chương trình giảng dạy nâng cao ngoài chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông để áp dụng đối với các cơ sở giáo dục chất lượng cao quy định tại khoản 3 Điều này sau khi có ý kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đỗ Thơm

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/sau-5-nam-thi-hanh-luat-thu-do-giao-duc-ha-noi-lam-duoc-nhung-gi-post193457.gd