Sau 75 ngày ngộ độc nghi do uống sữa Nutifood, vẫn còn 9 trẻ phải nhập viện điều trị

Hiện nay, vẫn còn 9/73 học sinh phải tiếp tục điều trị tại bệnh viện sau vụ ngộ độc nghi do uống sữa Nutifood tại chương trình Sữa học đường. Các phụ huynh thắc mắc: Tại sao cả 5 tuyến bệnh viện từ công lập đến tư nhân lại cho ra 5 kết quả chẩn đoán và 5 phương pháp điều trị, thuốc khác nhau?

Chưa tìm ra nguyên nhân

Trước đó, Báo Dân Sinh đã đưa tin, ngày 2/3, 73 em học sinh của trường mầm non Phú Lộc và trường tiểu học Phạm Văn Đồng thuộc xã Phú Lộc, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai nhập viện cấp cứu sau khi uống sữa học đường Nutifood. Các bé được đưa tới bệnh viện cấp cứu và đã xuất viện. Tuy nhiên, hiện còn 9/73 trẻ vẫn đau bụng liên tục nhưng nguyên nhân thì các bác sĩ ở nhiều bệnh viện từ tuyến cơ sở đến tuyến trên tại Đồng Nai và TP.HCM vẫn chưa thể tìm ra để chữa trị dứt điểm cho các bé.

Ngày 14/5, trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Thiện Thuật phụ huynh bé Nguyễn Lê Nhật Minh, lớp 2/2 trường tiểu học Phạm Văn Đồng cho biết: “Ngày nào cháu cũng ôm bụng khóc, có khi 1 - 2 lần trong ngày, có khi đau từng cơn liên tục, mỗi cơn đau kéo dài từ 7-10 phút. Nhiều lần khám và nhập viện nhưng bệnh viện chỉ kết luận nhiễm trùng đường ruột do vi khuẩn nhưng loại vi khuẩn nào thì chưa xác định”.

“Con em chúng tôi bị bệnh gì, nhiễm độc gì mà gây viêm hệ thống ruột, rối loạn tiêu hóa, ói ra máu, đau nhức các khớp, đau bụng nặng theo từng cơn không ngớt suốt hơn 2 tháng qua. Sức khỏe của các con suy kiệt, kinh tế gia đình kiệt quệ trong khi nguyên nhân vụ việc tới nay vẫn chưa được làm rõ. Thử hỏi, giờ các phụ huynh và các bé biết phải làm sao..?”, anh Thuật bức xúc.

Các trẻ liên tục bị đau bụng và nôn ói phải tiếp tục điều trị tại bệnh viện

Các trẻ liên tục bị đau bụng và nôn ói phải tiếp tục điều trị tại bệnh viện

Anh Thuật cũng cho biết: “Anh và phụ huynh của các em hiện vẫn đang cầu cứu khắp nơi, dù là một tia hy vọng nào đó chỉ mong cho sức khỏe của các cháu và mong làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan”.

Qua lời kế của bé Nhật Minh, ngày 2/3 các con uống sữa Nutifood, khoảng 15 phút sau khi uống hơn nửa hộp sữa tươi, con mắc ói, đau bụng và tiêu chảy. Sau đó, các thầy cô đưa chúng con vào bệnh viện.

Cháu Đoàn Nguyễn Huỳnh Như (học sinh lớp 2/2, trường tiểu học Phạm Văn Đồng, ấp 6, Phú Lộc, Tân Phú) kể lại: “Sáng hôm kia, ngủ dậy con đau bụng, mắc ói, đau đầu, con đau sau cổ nữa nên không đi học được. Rồi mẹ đưa con vào bệnh”.

Chị Nguyễn Thị Nhài, phụ huynh của cháu Đặng Thị Thanh Trâm (trú tại ấp 6, Phú Lộc, Tân Phú, ĐN) hoang mang: “Bé Thanh Trâm điều trị tại bệnh viện Nhi Đồng 1 ngay sau khi bé bị ngộ độc nhưng bao nhiêu ngày điều trị tình trạng đau bụng và nôn ói của bé vẫn không thuyên giảm. Bây giờ gia đình tôi không biết phải làm sao, hiện cháu Trâm xuống mất 4 kg. Việc học sa sút, có những ngày học được nửa buổi, đau quá cô giáo gọi điện tôi phải lên đón con về”. Theo chị Nhàn, vùng này lâu nay chỉ làm rẫy, miếng ăn từng ngày còn khó. Khi việc xảy ra, gia đình vẫn cố gắng vay mượn tiền họ hàng để lo cho con, nhưng bệnh tình không thuyên giảm và bệnh viện cũng không tìm ra phương pháp chữa trị. “Để cháu đau như thế này tôi xót xa lắm”, chị Nhài nghẹn ngào.

Đâu là nguyên nhân khiến các trẻ bị như vậy?

Theo các phụ huynh của 9 cháu, họ rất bất an với tình trạng sức khỏe của con mình, đã nhiều lần đưa các cháu đến các cơ sở y tế để điều trị, từ các bệnh viện ở Tân Phú, Đồng Nai đến Nhi Đồng TP.HCM, nhưng tình trạng sức khỏe của các cháu không những không thuyên giảm mà còn có dấu hiệu nặng thêm, kéo dài.

5 bệnh viện với 5 kết quả chẩn đoán khác nhau

Các bậc phụ huynh lo ngại rằng, chính phương pháp điều trị “đặc biệt” của tuyến bệnh viện cơ sở đầu tiên này đã khiến cho 9 bé học sinh bị ngộ độc nặng, bệnh tình đã không thể thuyên giảm được. Các em đang bị suy yếu miễn dịch, viêm hệ thống ruột, tổn thương hệ vi sinh lợi khuẩn và microbiome, suy đa bộ phận là do chất độc (độc tố) ngấm sâu vào cơ thể, tuần hoàn và không/chưa đào thải nhiều.

“Vì sao Trung tâm y tế huyện Tân Phú (Đồng Nai) là nơi tiếp nhận, xét nghiệm, điều trị đầu tiên cho đa số các cháu và Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM (Q.10, TP.HCM) đã tiếp nhận các trẻ bị ngộ độc nặng nhưng lại không theo dõi điều trị dứt điểm hẳn ngay lần nhập viện đầu tiên mà cho xuất viện trong lúc các bé chưa ổn (hết bệnh hẳn)? Theo cá nhân tôi chính vì lẽ đó mà chất độc thấm sâu vào cơ thể trẻ. Dẫn đến tình trạng các bác sĩ không thể trị hết bệnh tình cho các bé cho đến tận hôm nay, dù rằng đã hơn 75 ngày trôi qua..”, anh Nguyễn Huỳnh Thuật (phụ huynh cháu Nhật Minh) bức xúc.

Bên cạnh đó, các phụ huynh cũng không khỏi thắc mắc về việc: Tại sao cả 5 tuyến bệnh viên từ công lập đến tư nhân lại cho ra 5 kết quả chẩn đoán và 5 phương pháp điều trị, thuốc khác nhau?

Cụ thể: Sau khi các bé bị ngộ độc vào sáng ngày 3/2, Trung tâm y tế huyện Tân Phú (Đồng Nai) là tuyến y tế cơ sở đầu tiên tiếp nhận, thăm khám chữa bệnh cho các bé. Đến ngày 7/3, đơn vị này kết luận trẻ bị “Nhiễm trùng đường ruột do vi khuẩn khác”. Phương thức điều trị: Kháng sinh, men tiêu hóa, trợ sức.

Kết quả khám bệnh của 5 bệnh viện đều khác nhau

Ngày 14/3, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Định Quán (Đồng Nai) lại kết luận trẻ bị “Nhiễm độc thức ăn (ngộ độc thực phẩm) do vi trùng khác. Phương thức điều trị: Kháng sinh, giảm co thắt, men tiêu hóa.

Sau đó, tại Bệnh viện Nhi Đồng tỉnh Đồng Nai lại kết luận trẻ bị “Khó tiêu chức năng”…

Đến ngày 17/4, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM (Q.10, TP.HCM) - tuyến y tế Trung Ương kết luận trẻ bị “Táo bón mạn, rối loạn tiêu hóa, viêm hô hấp”. Phương thức điều trị: Uống thuốc Duphalac, dinh dưỡng, khám tâm lý.

Trong khi đó tại một Bệnh viện Quốc tế (tư nhân) các bác sĩ lại đưa ra kết luận trẻ bị “Nhiễm siêu vi, viêm dạ dày sau ngộ độc sữa”...

5 bệnh viện, 5 kết luận, phương thức điều trị khác nhau khiến nhiều bậc phụ huynh rất hoang mang, lo lắng cho sức khỏe của con em.

“Tại sao 5 bệnh viện lại cho 5 kết luận, phương pháp điều trị khác nhau? Đến nay còn hơn 9 bé học sinh còn đau nặng, suy đa cơ quan và không ai biết được và dám chắc các cháu có gặp phải những biến chứng nguy hiểm nữa không?... Bản thân tôi và các bậc phụ huynh đề nghị ban phụ trách chương trình sữa học đường tỉnh Đồng Nai phải có trách nghiệm chữa trị cho các bé bị ngộ độc đến khi dứt hẳn bệnh. Đồng thời, cần cấp thiết lập ra một hội đồng y khoa độc lập, tổ chức thăm khám, theo dõi, điều trị dứt điểm bệnh tình cho các bé...”, ông Nguyễn Huỳnh Thuật nói.

PHA LÊ

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/sau-75-ngay-ngo-doc-nghi-do-uong-sua-nutifood-con-9-tre-phai-nhap-vien-dieu-tri-d73978.html