Sau 8 tháng lên sàn, 'con sóng' đầu tiên của cổ phiếu ACV đã xuất hiện

Sau chuỗi ngày “biển lặng” cổ phiếu ACV lần đầu tiên ghi nhận chuỗi tăng điểm đáng kể từ sau khi giao dịch trên sàn UPCoM.

Từ giữa tháng 8/2017, cổ phiếu của Tổng CTCP Cảng Hàng không Việt Nam (UPCoM: ACV) bắt đầu xuất hiện những phiên tăng điểm liên tiếp với mật độ dày đặc, thị giá đi lên từng ngày.

Khởi đầu từ phiên 17/08 với ở mức giá 51.517 đồng/cp, thị giá ACV đã tăng 15% trong gần nửa tháng và hiện dừng ở mức 59.600 đồng/cp (phiên ngày 29/08).

Khối lượng giao dịch cũng được cải thiện đáng kể, trung bình gần 65 ngàn cp được khớp lệch mỗi phiên. Cá biệt có phiên ngày 28/08, khối lượng giao dịch lên tới gần 134 ngàn cổ phiếu, với lượng dư mua gần 106 ngàn cp, trong khi dư bán chỉ hơn 37 ngàn cp, đây cũng là phiên tăng điểm mạnh nhất của ACV với mức tăng gần 5%.

Thị giá cổ phiếu ACV trong nửa tháng trở lại đây

Tăng phí dịch vụ hàng không: “Cơn gió” tạo sóng cho ACV

Quay trở lại thời điểm khởi đầu của “cơn sóng” cũng chính là lúc quyết định của Bộ Giao thông Vận tải về việc tăng phí dịch vụ hàng không chính thức được công bố. Điều này sẽ có tác động lớn đến kết quả kinh doanh của ACV - “ông lớn” cai quản hơn 22 cảng hàng không tại Việt Nam.

Theo SSI Research, việc điều chỉnh tăng phí dịch vụ hàng không trong nước được áp dụng sớm hơn dự định từ 01/10/2017 (ban đầu dự kiến là 01/01/2018), ACV có thể ghi nhận thêm từ việc tăng phí 210 tỷ đồng vào lãi trước thuế vào năm 2017 và sang năm 2018, con số này có thể lên tới 1.200 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, SSI cũng giảm dự báo chi phí bảo dưỡng cho năm 2017, 2018 do kế hoạch bảo dưỡng của ACV cho khu bay tại một số sân bay và sửa chữa nhà ga T1 Nội Bài vẫn chưa được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận.

Với những dự báo trên, SSI ước tính doanh thu hợp nhất của ACV sẽ đạt 15.913 tỷ đồng (tăng 18,7% so với cùng kỳ năm trước) (loại trừ doanh thu của SGN và SAS vào năm 2016). Lợi nhuận ròng có thể đạt 4.760 tỷ đồng, giảm 49%; EPS có thể ở mức 2.077 đồng. Nếu loại trừ thu nhập bất thường của năm 2016, lãi trước thuế năm 2017 sẽ tăng 45%.

Năm 2018, dự báo tổng doanh thu của ACV đạt 18,308 tỷ đồng, tăng trưởng 15,1%. Lợi nhuận ròng đạt 5,520 tỷ đồng, tăng 16% so với ước tính của năm 2017. EPS tương ứng là 2.409 đồng, tăng 16%.

Còn theo HSC, ACV là đơn vị vận hành sân bay thuần túy nên phần lớn doanh thu đến từ phí dịch vụ hàng khách và phí dịch vụ cất hạ cánh. Doanh thu từ bán lẻ, thực phẩm đồ uống và dịch vụ phụ trợ chiếm tỷ trọng khá thấp. Tuy nhiên về lâu dài, tăng trưởng chủ yếu sẽ đến từ lượng hàng hóa, hành khách tăng nhanh; và tối ưu mức chi tiêu của hành khách nhờ cải thiện sản phẩm bán lẻ, thực phẩm đồ uống.

Điểm lại kết quả nửa đầu 2017, ACV đạt doanh thu thuần 6.897 tỷ đồng, ứng 52% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế của ACV 6 tháng đạt 2.573 tỷ đồng, tương đương 70% chỉ tiêu cả năm.

HSC cho rằng trong 18 tháng tới, lợi nhuận của ACV sẽ tăng trưởng mạnh hơn nhờ phí dịch vụ sân bay tăng cùng với lượng hàng hóa và hành khách gia tăng.

Chuyện bán vốn cho đối tác chiến lược sắp ngã ngũ, có thể chuyển niêm yết sang HOSE

Một nhân tố khác cũng ảnh hưởng lên giá cổ phiếu của ACV là việc đàm phán bán cổ phần cho đối tác chiến lược đang đi đến hồi kết. Thủ tướng đã yêu cầu ACV đẩy nhanh và hoàn tất đám phán với đối tác chiến lược sau nhiều lần gia hạn.

Thời hạn cuối cùng để ACV và Aéroports de Paris (ADP) đàm phán về việc bán 20% cổ phần ACV được ấn định là cuối tháng 9. Hai bên đã gấp rút tổ chức nhiều cuộc đàm phán sau một vài tháng không liên lạc để chạy đua với thời hạn chót 30/9/2017.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng dù đã đẩy mạnh đàm phán nhưng thỏa thuận giữa 2 bên vẫn chưa có hồi kết. Nguyên nhân theo CTCK TP. Hồ Chí Minh (HSC) có thể do mức giá ADP đưa ra thấp, trong khi ACV không thể hạ giá quá nhiều so với thị giá. Khoảng cách về giá giữa 2 bên vẫn lớn nên có thể lần nữa chưa đi đến thỏa thuận cuối cùng.

Mặc dù vậy, phía ACV cho biết đã có phương án khác là bán cổ phần riêng lẻ cho NĐT tài chính, trong trường hợp đàm phán với ADP không thành công nhưng nhiều khả năng phương án này không thể thực hiện trong năm 2017.

Mặt khác theo HSC, ACV có thể chuyển sàn sang HOSE trong 3-6 tháng tới, để có thể tiếp cận nhiều NĐT tổ chức và cá nhân hơn. Theo đó, cổ phiếu ACV nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng giá trong năm 2017.

Về dài hạn, việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất là động lực dài hạn cho giá cổ phiếu. Tuy nhiên, rủi ro dài hạn chính ở cổ phiếu ACV là khả năng pha loãng khi đối mặt với nhu cầu vốn lớn cùng thời gian trả nợ dài cho các dự án phát triển mở rộng.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/sau-8-thang-len-san-con-song-dau-tien-cua-co-phieu-acv-da-xuat-hien-2017082906593256p4c146.news