Sau 80 năm, Mỹ - Anh ký lại thỏa thuận lịch sử

Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Boris Johnson hôm 10/6 đặt bút ký phiên bản mới của Hiến chương Đại Tây Dương nhằm định hình liên minh phương Tây trong thời hiện đại.

"Cuộc gặp đầu tiên của hai nhà lãnh đạo đã trở thành nơi định hình lại liên minh phương Tây, nhấn mạnh thêm sự chia rẽ ngày càng sâu sắc giữa thế giới phương Tây với các đối thủ, mà dẫn đầu là Nga và Trung Quốc", New York Times bình luận về ngày làm việc đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Boris Johnson tại Cornwall.

Hiến chương Đại Tây Dương phiên bản thế kỷ 21 được ký trong bối cảnh Washington và London tập trung vào những đe dọa mới nổi như tấn công mạng, đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu.

Ngôn ngữ trong văn kiện về việc củng cố khối NATO cũng như các thể chế quốc tế cho thấy tham vọng của Tổng thống Biden gửi đi thông điệp "kỷ nguyên nước Mỹ trên hết" của người tiền nhiệm Donald Trump đã chấm dứt.

Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Boris Johnson. Ảnh: AP.

Viết lại Hiến chương lịch sử

Hiến chương Đại Tây Dương đầu tiên được ký ngày 14/8/1941 giữa Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt và Thủ tướng Anh Winston Churchill, vài tháng trước khi Washington chính thức tham gia Thế chiến II.

"Đó là tuyên bố về những nguyên tắc đầu tiên, một lời hứa rằng Mỹ và Anh sẽ sát cánh bên nhau đối phó với những thách thức của thời đại. Hôm nay, trên cơ sở nguyên tắc ấy, một Hiến chương Đại Tây Dương mới được ký kết, nhằm tái khẳng định cam kết của chúng ta, cũng như gửi lời cảnh báo tới những thách thức của thế kỷ này", Tổng thống Biden tuyên bố.

Hiến chương Đại Tây Dương mới, dài 604 chữ, được xem như nỗ lực nhằm đưa ra tầm nhìn tổng thể của liên minh phương Tây về các mối quan hệ quốc tế trong thế kỷ 21.

Trong cuộc gặp ở Cornwall hôm 10/6, Thủ tướng Johnson lưu ý Hiến chương Đại Tây Dương 1941 "là khởi đầu của liên minh, và của NATO".

Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt và Thủ tướng Anh Winston Churchill trong lễ ký Hiến chương Đại Tây Dương năm 1941. Ảnh: AP.

Trong khi đó, các trợ lý của Tổng thống Biden cho rằng Hiến chương cũ đã dần lỗi thời, không còn phản ánh một thế giới mà nay đối mặt những thách thức mới, từ tấn công mạng cho tới sự trỗi dậy của Trung Quốc, và nước Anh thì đã không còn ở vị thế siêu cường như hơn nửa thế kỷ trước.

Hiến chương 1941 nói về "tiêu diệt tận gốc chế độ Quốc xã", kêu gọi "tự do đi lại trên biển cả và đại dương mà không bị cản trở". Còn lúc này, văn kiện mới tập trung vào "những công nghệ mới nổi, phát triển bền vững toàn cầu, biến đổi khí hậu hay bảo vệ đa dạng sinh học".

Hiến chương mới công kích trực tiếp Nga và Trung Quốc, kêu gọi các nước đồng minh phương Tây "phản đối mọi hình thức can thiệp thông qua lan truyền thông tin sai sự thật hay những hành vi nguy hiểm khác".

"Chúng tôi cam kết chia sẻ trách nhiệm trong bảo vệ an ninh tập thể, ổn định quốc tế, và kiên quyết chống lại mọi hình thức đe dọa hiện đại, bao gồm đe dọa trên không gian mạng", Hiến chương mới có đoạn.

Văn kiện mới cũng khẳng định Washington và London sẽ sử dụng sức mạnh hạt nhân để bảo vệ các đồng minh NATO, đồng thời tái cam kết với "trật tự thế giới dựa trên luật lệ".

Giành lấy vai trò lãnh đạo thế giới?

Trong ngày đầu tiên của chuyến thăm châu Âu, Tổng thống Biden chính thức công bố khoản viện trợ 500 triệu liều vaccine Pfizer-BioNTech cho 100 quốc gia thu nhập thấp. Các quan chức Mỹ cho biết số vaccine có giá trị 3,5 tỷ USD.

"Thời điểm hiện tại, các giá trị Mỹ thôi thúc chúng ta làm mọi thứ có thể giúp thế giới tiêm chủng chống lại Covid-19", Tổng thống Biden tuyên bố.

Người đứng đầu Nhà Trắng cũng gạt đi những lo ngại về việc Washington sẽ sử dụng vaccine làm công cụ ngoại giao để đánh đổi lợi ích với các nước trên thế giới.

"Nước Mỹ sẽ cho đi 500 triệu liều vaccine này vô điều kiện. Viện trợ vaccine sẽ không đi kèm bất cứ áp lực lợi ích hay thỏa hiệp nào. Chúng tôi làm điều này để bảo vệ mạng sống con người, để chấm dứt đại dịch. Tất cả chỉ có vậy", ông Biden cho biết.

Khoản viện trợ hào phóng của Mỹ, không cần bàn cãi, là bước đi đáng hoan nghênh về mặt nhân đạo. Nhưng đồng thời, nó cũng là một thông điệp chính trị đầy sức nặng mà Washington muốn gửi đi, rằng chỉ có phương Tây mới đủ khả năng ứng phó với những cuộc khủng hoảng toàn cầu nhanh chóng, hiệu quả, chứ không phải Nga hay Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Anh. Ảnh: AP.

Bằng cách nắm lấy vai trò dẫn dắt nỗ lực tiêm chủng toàn cầu, cung cấp cho thế giới nguồn lực chống lại dịch bệnh đã khiến gần 3,8 triệu người chết, nước Mỹ đang giành lấy vị thế lãnh đạo mà Washington luôn theo đuổi kể từ sau Thế chiến II.

Các chuyên gia y tế thế giới đã dành nhiều sự tán dương cho tuyên bố viện trợ vaccine của Tổng thống Biden. 500 triệu liều vaccine Pfizer, cùng 80 triệu liều được công bố trước đó, được miêu tả phù hợp với quy mô của tình trạng thiếu hụt vaccine hiện nay.

Tuyên bố viện trợ 500 triệu liều vaccine được đưa ra trong bối cảnh chương trình COVAX đang vật lộn tìm kiếm nguồn cung, đặc biệt từ khi Ấn Độ cấm xuất khẩu vaccine để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Tới nay, COVAX mới chỉ chuyển giao cho các nước 82 triệu liều vaccine, chưa bằng 20% mục tiêu của chương trình này theo kế hoạch.

Dù vậy, việc đưa vaccine tới tay người dân thế giới sẽ tiếp tục tiềm ẩn những khó khăn. Giới chức y tế thế giới đang kêu gọi các nước giàu sớm khởi động phân phối vaccine tới các nước nghèo, thay vì gửi đồng loạt vào cuối năm nay, như vậy các nước có thể kịp thời triển khai tiêm chủng ngay khi vaccine cập bến.

Xoa dịu nước Anh

Trong cuộc gặp đầu tiên với Thủ tướng Johnson, Tổng thống Biden đối mặt với một vấn đề không mấy dễ chịu, đó là lãnh thổ Bắc Ireland của Anh.

Vấn đề Bắc Ireland lần đầu tạo ra xung đột giữa ông Biden và Thủ tướng Johnson trong cuộc chạy đua tổng thống năm 2020, khi ông Biden viết trên Twitter rằng "không thể để Thỏa thuận Thứ Sáu Tuần Thánh vốn mang lại hòa bình cho Bắc Ireland trở thành nạn nhân của Brexit".

Ông Biden khi đó cho rằng bất cứ thỏa thuận thương mại nào giữa Anh và Mỹ cũng sẽ không chấp nhận việc thiết lập biên giới cứng giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland - một nước thuộc EU.

Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Boris Johnson. Ảnh: AP.

Kể từ khi ông Biden đắc cử, căng thẳng quanh thỏa thuận thương mại hậu Brexit liên quan tới Bắc Ireland ngày càng trầm trọng, Anh cáo buộc EU gây ra gián đoạn thương mại châm ngòi tình trạng thiếu hụt nguồn cung hàng hóa ở Bắc Ireland sau khi Anh rời khối này hồi tháng 1/2020.

Các cuộc đàm phán xung quanh thỏa thuận về Bắc Ireland đang rơi vào bế tắc. Anh đe dọa rút khỏi đàm phán trừ khi EU nhượng bộ.

Tuần trước, một quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ nói thẳng Washington lo ngại về người đứng đầu nhóm đàm phán Brexit của Anh - ông David Frost. Thông tin này bị công bố trên tờ Times of London tối 9/6, khi Tổng thống Biden đặt chân đến Anh, có nguy cơ ảnh hưởng xấu tới cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo.

Các quan chức Nhà Trắng sau đó cho biết Washington không muốn bị kéo vào cuộc tranh cãi giữa London và Brussels. Không thể phủ nhận ông Biden đặc biệt quan tâm tới số phận của Thỏa thuận Thứ Sáu Tuần Thánh, văn kiện do cựu Tổng thống Bill Clinton bảo trợ đã mang lại hòa bình cho Bắc Ireland.

"Ông ấy (Tổng thống Biden) sẽ không đe dọa hay đưa ra tối hậu thư gì hết. Tổng thống đơn giản là thể hiện niềm tin sâu sắc, rằng chúng ta cần cùng nhau bảo vệ thỏa thuận này", Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan nói.

Khoảnh khắc hai ông Biden và Macron làm thủ tướng Anh bối rối Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có khoảnh khắc choàng vai thân mật như người một nhà tại cuộc họp G7 hôm 11/6.

Duy Anh

Theo New York Times

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/sau-80-nam-my-anh-ky-lai-thoa-thuan-lich-su-post1225994.html