Sau áp thuế chống bán phá giá tạm thời: Đường nhập khẩu Thái Lan vẫn ồ ạt vào Việt Nam

Mặc dù Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan, tuy nhiên, theo số liệu từ Hiệp hội mía đường Việt Nam cho thấy, thời gian qua lượng đường nhập khẩu từ quốc gia này vào Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Tại Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ về khó khăn của ngành mía đường đã nêu rõ, qua 25 năm xây dựng, phát triển đến nay, ngành mía đường Việt Nam đã tạo việc làm cho hơn 35 vạn hộ nông dân, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, nhất là vùng sâu, vùng xa và bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm, sẵn sàng tháo gỡ các rào cản, tạo điều kiện thuận lợi theo quy định của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế để ngành mía đường phát triển. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, ngành mía đường hiện đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.

Sau áp thuế chống bán phá giá, đường nhập khẩu Thái Lan vẫn ồ ạt vào Việt Nam

Cụ thể, sau khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại, đặc biệt là sau khi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) chính thức có hiệu lực, thuế xuất nhập khẩu mặt hàng đường vào Việt Nam đã giảm bình quân từ 85% xuống 5% (đường thô giảm từ 80% xuống còn 5% và đường trắng giảm từ 85% xuống còn 5%) từ 1/1/2020. Điều này đã khiến lượng đường nhập khẩu từ khu vực ASEAN tăng vọt.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, những năm gần đây sản lượng và diện tích trồng mía đã giảm mạnh. Năm 2020 diện tích trồng mía cả nước đã giảm đáng kể, nếu năm 2019 cả nước có 232,4 nghìn ha thì đến năm 2020 chỉ còn 187,1 nghìn ha. Diện tích trồng mía giảm, thời tiết diễn biến phức tạp đã khiến cho năng suất và sản lượng mía giảm. Năm 2020 sản lượng mía đạt 11,88 triệu tấn, giảm 3,44 triệu tấn so với năm 2019. Năng suất năm 2020 đạt 634,8 tạ/ha; năm 2019 đạt 659,5 tạ/ha.

Trong khi đó, số lượng đường được các doanh nghiệp Việt Nam nhập về trong tháng 2/2021 (chủ yếu từ Thái Lan) đạt khoảng 160.000 tấn, tăng khoảng 80% so với tháng trước đó. Điều đáng nói, tháng 2/2021 là thời điểm đường Thái Lan bị Việt Nam ra quyết định áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Lộc, quyền Tổng thư ký Hiệp hội mía đường Việt Nam tại buổi tọa đàm Cơ hội và thách thức cho ngành mía đường Việt Nam, cũng như qua các số liệu báo cáo cho thấy, nhập khẩu đường mía từ Thái Lan vẫn tiếp tục tăng cao.

Theo ông Lộc, đã có tình trạng doanh nghiệp nhập khẩu “lách” hàng rào thuế quan khi nhập khẩu đường từ Thái Lan. “Khi bộ Công Thương quyết định áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời với đường mía từ Thái Lan, thì mức thuế nhập khẩu với đường trắng là hơn 40% và đường thô là hơn 30%. Tuy nhiên, mặc dù hàng nhập khẩu ghi nhận vào tháng 2 và 3, nhưng bằng cách nào đó, người ta tìm cách để chứng từ nhập đường nằm trước thời điểm áp thuế, tức chỉ chịu mức thuế 5%”, ông Lộc cho biết.

Cũng theo ông Lộc chia sẻ, thông tin cụ thể về số liệu thì đơn vị này chưa thu thập đầy đủ, nhưng cứ nhìn vào lượng đường nhập về và đóng thuế theo quyết định áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp là có thể thấy chưa nhiều. “Điều này, dẫn đến một thực tế, khi đường được nhập khẩu nhiều, thì đường sản xuất từ mía trong nước không thể nào cạnh tranh lại”, ông Lộc nói.

Mặc dù đã khuyến khích người dân trở lại với mía nhưng ngành mía đường trong nước vẫn gặp rất nhiều khó khăn

Đề cập vấn đề liên quan đến việc quy định có thể áp thuế trở về trước, nếu xác định có nhập khẩu gia tăng đột biến và ảnh hưởng ngành sản xuất trong nước, ông Lộc cho rằng, theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương, thứ nhất, nếu có số liệu xác định số lượng nhập khẩu tăng đột biến và thứ hai có gây ảnh hưởng, thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước, thì sẽ là cơ sở để cơ quan Nhà nước xem xét áp thuế trở về trước.

Trước đó, trong quá trình điều tra, Bộ Công Thương đã nhận được ý kiến của bên liên quan đề nghị không áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp có hiệu lực trở về trước đối với một số sản phẩm đường mía của Thái Lan.

Liên quan đến vấn đề này, Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) cũng cho biết, quy định tại khoản 4 điều 81 và khoản 4 điều 89 Luật Quản lý ngoại thương, trong trường hợp kết luận cuối cùng của Cơ quan điều tra xác định có thiệt hại đáng kể, hoặc có đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước, thì Bộ Công Thương có thể quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp có hiệu lực trở về trước.

Theo Cục Phòng vệ Thương mại, thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp có thể được áp dụng với hiệu lực trở về trước là để phòng chống trình trạng hàng hóa bị điều tra được nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam trong giai đoạn điều tra, gây ra thiệt hại khó có khả năng khắc phục cho ngành sản xuất trong nước.

Về góc độ của Hiệp hội mía đường Việt Nam, ông Lộc cho rằng, số liệu thống kê cho thấy đường nhập khẩu không giảm mà còn tăng và tình trạng này đã gây khó khăn rất lớn cho ngành sản xuất trong nước vì đường sản xuất ra không bán được.

“Ngay từ khi chuẩn bị áp thuế, các doanh nghiệp đã nâng giá mía lên để khuyến khích nông dân quay lại với cây mía, trong khi đó, sản lượng đường sản xuất từ mía hiện nay không cao do diện tích mía giảm. Hai yếu tố này đã làm giá thành sản xuất đường rất cao khiến giá bán cao, dẫn đến bị thiệt hại trước đường nhập khẩu (nhập khẩu lách thuế - PV)", ông Lộc giải thích.

Trước đó, vào ngày 9/2/2021, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 477/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.

Theo đó, Bộ Công Thương quyết định tạm thời thu thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với đường thô có xuất xứ Thái Lan ở mức 33,88%. Trong khi đó, mức thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời với các sản phẩm đường tinh luyện từ Thái Lan là 48,88%.

Tuấn Minh

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/sau-ap-thue-chong-ban-pha-gia-tam-thoi-duong-nhap-khau-thai-lan-van-o-at-vao-viet-nam-121188.html