Sau bão dư luận về tiếng Việt công nghệ giáo dục, Bộ Giáo dục và tác giả đồng thời lên tiếng

Ngày 8-9, sau rất nhiều ý kiến phản đối chương trình công nghệ giáo dục với cách dạy đánh vần tiếng Việt bằng hình vuông, hình tròn, Bộ GD-ĐT cùng GS Hồ Ngọc Đại đã chính thức phản hồi vấn đề này.

Ngày 8/9, GS Hồ Ngọc Đại, chủ biên của chương trình Công nghệ giáo dục đã chính thức chia sẻ với báo chí về việc dùng hình tròn, vuông để học sinh học tiếng trong Tiếng Việt.

GS Hồ Ngọc Đại cho biết có nhiều hiểu nhầm trong vấn đề này. Ông khẳng định Tiếng Việt trong Công nghệ giáo dục không dạy học sinh lớp 1 bài đầu tiên về ý nghĩa của từng từ trong câu mà chỉ muốn nhấn mạnh tới âm tiết trong câu, nghĩa là làm cho học sinh hiểu được, âm là vật thật, chữ là vật giả, vật thật là thứ cố định, còn chữ là thứ biến động.

"6 tuổi nói sõi, 7 tuổi nói đúng, 8 tuổi nói chuẩn, 9 tuổi nói hay. Nhưng tới học đại học vẫn viết sai, vậy cách dạy Tiếng Việt hiện tại có đúng hay không? Lớp học của Ngô Bảo Châu (khóa 1 trường Thực nghiệm) chẳng phải đã dành cả kỳ 1 lớp 1 để học hình vuông, tròn" - GS Đại nói.

GS Hồ Ngọc Đại cho là đã có hiểu nhầm với việc dạy và học tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục

Ông Đại khẳng định, chương trình Công nghệ giáo dục đặt học sinh làm trọng tâm, tất cả những thứ khác đều xoay quanh đối tượng này. Giáo dục cần phải xác định chính xác đối tượng, có như vậy thì mới sáng tạo ra được lý thuyết, công nghệ, phương pháp đúng đắn.

Xoay quanh trung tâm là học sinh, đối tượng chính của Công nghệ giáo dục, chủ biên chương trình Công nghệ giáo dục khẳng định rằng cha mẹ, giáo viên chỉ là những đối tượng phụ nhằm khuyến khích sự phát triển của học sinh. "

"Người lớn không nên lấy mình làm mẫu cho trẻ em. Vì vậy, khi đã có một thế hệ mới, một lịch sử mới thì hiển nhiên cần có một nền giáo dục mới dựa trên một cơ sở lý thuyết mới.

Cần phải có một nền giáo vận dụng được thành tựu của quá khứ và nền tảng của quá khứ. Nếu không tự làm ra thì sẽ không có nền giáo dục đó, đó là lý do vì sao tôi mở trường thực nghiệm.

Đối với tôi, tôi luôn lấy học sinh làm trọng tâm của nền giáo dục. Nền giáo dục cũ cần thầy giảng thật hay thì trò dễ hiểu, nền giáo dục mới cần thầy không cần giảng mà học sinh vẫn tự hiểu được, đó mới là thành tựu giáo dục" - GS Đại bày tỏ.

Cũng trong ngày 8-9, Bộ GD-ĐT cũng chính thức đưa ra quan điểm về việc triển khai tài liệu tiếng Việt 1 chương trình công nghệ giáo dục.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục (TV1- CNGD) là kết quả nghiên cứu từ năm 1978 của một số nhà khoa học, đứng đầu là GS. TSKH Hồ Ngọc Đại thông qua các đề tài nghiên cứu và được áp dụng vào dạy học ở Trường Thực nghiệm Giảng Võ, Hà Nội.

Bộ GD-ĐT cho biết tài liệu TV1-CNGD là phương án để nâng cao chất lượng dạy học môn Tiếng Việt lớp 1 trong Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành

Căn cứ kết quả nghiên cứu và áp dụng thí điểm trong dạy học môn Tiếng Việt ở lớp 1 tại trường Thực nghiệm và một số cơ sở giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đồng ý cho các địa phương có nhu cầu và đảm bảo các điều kiện được áp dụng vào việc dạy học Tiếng Việt lớp 1, nhất là ở những vùng khó từ năm học 2008-2009 đến năm học 2016-2017 trên tinh thần tự nguyện của các địa phương.

Cuối năm 2016, tiếp thu ý kiến của Đại biểu quốc hội trong Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Bộ Trưởng Bộ GDĐT đã giao cho Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (KHGD) nghiên cứu, khảo sát, đánh giá chất lượng, hiệu quả triển khai Tài liệu TV1-CNGD và đề xuất các giải pháp chỉ đạo (GS.TS Trần Công Phong - Viện trưởng Viện KHGD Việt Nam chủ trì).

Căn cứ vào kết quả nghiên cứu, khảo sát, Viện KHGD Việt Nam đã đánh giá việc triển khai Tài liệu Tiếng Việt 1-CNGD ở các địa phương đạt được hiệu quả khả quan thông qua kết quả giáo dục học sinh, năng lực chuyên môn của giáo viên và đề xuất các giải pháp để tiếp tục sử dụng hiệu quả Tài liệu TV1- CNGD.

Trong báo cáo, Viện KHGD Việt Nam đề nghị Bộ GDĐT tổ chức Hội đồng thẩm định Tài liệu TV1-CNGD theo quy định và đề nghị các tác giả tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện Tài liệu để đáp ứng nhu cầu của các địa phương.

Trong năm 2017 và 2018, nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng dạy học Tiếng Việt lớp 1, cùng với việc rà soát, tinh giảm các nội dung chưa phù hợp với học sinh trong sách giáo khoa hiện hành, Bộ GDĐT đã tổ chức Hội đồng thẩm định quốc gia Tài liệu TV1- CNGD.

Sau 2 vòng thẩm định, Hội đồng thẩm định đã đánh giá: Tài liệu TV1- CNGD về cơ bản đảm bảo các yêu cầu về mục tiêu, chuẩn kiến thức kĩ năng của môn Tiếng Việt lớp 1 trong Chương trình giáo dục phổ thông cấp Tiểu học (Theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05 tháng 5 năm 2006 của Bộ GDĐT). Tài liệu TV1- CNGD đã được các tác giả chỉnh sửa, hoàn thiện theo Kết luận của Hội đồng thẩm định.

Căn cứ kết quả khảo sát, đánh giá của Viện KHGD Việt Nam và ý kiến kết luận của Hội đồng thẩm định Tài liệu TV1-CNGD, Bộ GDĐT hướng dẫn các sở GDĐT triển khai Tài liệu TV1-CNGD phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương trên nguyên tắc tự nguyện của nhà trường trong năm học 2017-2018 và năm học 2018-2019 ở những nơi đang triển khai và không mở rộng để giữ ổn định cho đến khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Tài liệu TV1-CNGD là một trong những phương án để các địa phương lựa chọn nhằm nâng cao chất lượng dạy học môn Tiếng Việt lớp 1 trong Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, nhất là với học sinh vùng khó, vùng dân tộc thiểu số.

Khi Chương trình giáo dục phổ thông mới được ban hành, với chủ trương “một chương trình nhiều sách giáo khoa”, tất cả các tài liệu dạy học được đưa vào nhà trường với tư cách là sách giáo khoa đều phải được Hội đồng quốc gia thẩm định.

Căn cứ vào kết luận và đề xuất của Hội đồng thẩm định quốc gia, Bộ trưởng Bộ GDĐT sẽ phê duyệt danh mục sách giáo khoa (theo Chương trình giáo dục phổ thông mới) được phép sử dụng trong các cơ sở giáo dục. Trên cơ sở đó, căn cứ vào các quy định, các cơ sở giáo dục được phép lựa chọn sách giáo khoa phù hợp.

Duy Anh

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/sau-bao-du-luan-ve-tieng-viet-cong-nghe-giao-duc-bo-giao-duc-va-tac-gia-dong-thoi-len-tieng/781148.antd