Sau các sai phạm của NXBGDVN, công tác thanh tra của Bộ GD phải hiệu quả hơn

Đại biểu Phạm Văn Hòa nêu quan điểm: Ngành giáo dục phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, đặc biệt là ở công tác thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhất là ở công tác thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Mới đây, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, tạm giam Nguyễn Đức Thái - cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam và Nguyễn Thị Thanh Thủy - cựu Trưởng ban Kế hoạch Marketing Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Ngoài hai đối tượng trên, cơ quan cảnh sát đã khởi tố, tạm giam Đinh Quốc Khánh - cựu Phó ban Kế hoạch Marketing Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam và Tô Mỹ Ngọc - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Cổ phần Giấy Phùng Vĩnh Hưng với cáo buộc "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".

Trước đó, vào khoảng tháng 8 năm 2017, các phương tiện thông tin đại chúng cũng có các bài viết nêu các vấn đề của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam như Tổ chức và hoạt động chưa đúng Luật Doanh nghiệp; thiếu minh bạch tài chính...

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa. Ảnh: quochoi.vn

Cùng trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp bày tỏ quan điểm:

“Sai phạm của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam được chỉ ra trong kết luận của Thanh tra Chính phủ đã khiến lòng tin trong nhân dân bị giảm sút. Những số tiền lãng phí được công bố trong kết luận thanh tra là những thiệt hại mà người dân phải gánh chịu".

Trước diễn biến sự việc, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra thông cáo báo chí, trong đó nêu rõ:

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang và sẽ tiếp tục thanh tra, kiểm tra một số nội dung khác có liên quan tới hoạt động sản xuất, kinh doanh và thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam.

Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang chỉ đạo Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam rà soát, khắc phục các hạn chế, tồn tại, tổ chức lại bộ máy theo hướng tinh giản, quản lý chặt chẽ, đúng luật, đảm bảo hoạt động lành mạnh, hiệu quả. Yêu cầu đơn vị này nhanh chóng ổn định bộ máy tổ chức và tâm lý cán bộ, tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, trong đó, ưu tiên đảm bảo các hoạt động biên tập, xuất bản, in và phát hành sách giáo khoa theo đúng kế hoạch, đảm bảo tiến độ, chất lượng, phục vụ yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông.

Qua vụ việc, Đại biểu Phạm Văn Hòa cũng nêu quan điểm: “Ngành giáo dục phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, đặc biệt là ở công tác thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Khi kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ ra những sai phạm của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, có nhiều ý kiến về việc thanh tra của ngành giáo dục thời gian qua đã thực sự hiệu quả chưa khi không phát hiện được sai phạm về vụ việc?".

Phấn đấu dạy thật, học thật, thi thật

Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng: Giáo dục là môi trường đề cao sự trung thực. Ở các cơ sở giáo dục, dù đã mạnh mẽ đổi mới trong cơ chế quản lý, điều hành, trong việc thực hiện dân chủ cơ sở, tuy nhiên vẫn còn tồn tại căn bệnh thành tích, cạnh tranh không lành mạnh giữa trường này với trường kia, thậm chí giữa các lớp trong một trường.

Ảnh minh họa: DN

“Giáo dục đề cao sự tôn sư trọng đạo, đề cao những giá trị tốt đẹp và trung thực, các thầy cô giáo ở vị thế người thầy được yêu quý, kính trọng. Tuy nhiên vẫn có một số cá nhân chưa tiêu biểu, chưa xứng đáng với hai chữ "thầy, cô" cao quý, dẫn đến những vi phạm trong giáo dục đáng buồn diễn ra trong thời gian vừa qua.

Vì vậy, trong năm 2023, ngành giáo dục sẽ nỗ lực hơn nữa để tiến tới xóa bỏ căn bệnh thành tích trong trường học. Phải dạy thật, học thật, thi thật cho đúng nghĩa, để thầy ra thầy, trò ra trò và để tạo ra những nhân tài thật sự cho đất nước”, Đại biểu Phạm Văn Hòa chia sẻ.

Năm 2023, ngành giáo dục có nhiều nhiệm vụ quan trọng như: Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; đây cũng là năm quan trọng trong lộ trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018,…

Với vai trò là Đại biểu Quốc hội, ông Phạm Văn Hòa mong mỏi toàn ngành giáo dục sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu, khắc phục những hạn chế, tồn đọng từ kết quả các cuộc giám sát của các đoàn giám sát đã chỉ ra, từ đó thực hiện tốt các nhiệm vụ năm 2023, đáp ứng với kỳ vọng của người dân, đặc biệt là các bậc phụ huynh, học sinh.

“Từ những hạn chế đã chỉ ra, ngành giáo dục cần nghiêm túc nhìn nhận và khắc phục sửa chữa và phải sửa cho tốt. Trước tiên chính là về nhận thức của tất cả mọi người: lãnh đạo các cấp, thầy cô giáo, đến ý thức học tập của học sinh, sự quan tâm của phụ huynh...

Đặc biệt, người đứng đầu ngành giáo dục với vai trò đầu tàu thì phải nêu cao trách nhiệm, có thanh tra, kiểm tra nhắc nhở, đôn đốc việc sửa sai”, Đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng: “Vẫn còn nhiều việc chúng ta phải bàn bạc thêm, tôi luôn kỳ vọng về những điều tốt đẹp trong năm 2023. Là một Đại biểu Quốc hội, tôi vẫn sẽ tiếp tục thực hiện tốt vai trò của mình, đặc biệt tham gia tích cực vào các đoàn thực hiện công tác giám sát, nhất là giám sát chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”.

Bắc Sơn

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/sau-cac-sai-pham-cua-nxbgdvn-cong-tac-thanh-tra-cua-bo-gd-phai-hieu-qua-hon-post232782.gd