Sau cổ phần hóa, 'ông lớn' Cao su Việt Nam vẫn nhiều gánh nặng

Kết quả kinh doanh năm 2018 của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (Vietnam Rubber Group - VRG, mã chứng khoán GVR) đã có nhiều khởi sắc, song vẫn còn nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách cần tháo gỡ sau bài toán cổ phần hóa doanh nghiệp (DN) có quy mô khủng này.

Sáng nay 17.1, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác sản xuất kinh doanh năm 2018 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2019. Về tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, cùng đại diện Bộ NNPTNT, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN và các bộ ngành liên quan.

Toàn cảnh hội nghị Tổng kết công tác sản xuất kinh doanh năm 2018 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2019 của "ông lớn" Cao su Việt Nam (Ảnh: Quốc Hải)

Toàn cảnh hội nghị Tổng kết công tác sản xuất kinh doanh năm 2018 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2019 của "ông lớn" Cao su Việt Nam (Ảnh: Quốc Hải)

Kinh doanh khởi sắc

Báo cáo với Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình và các ban ngành Chính phủ, ông Huỳnh Văn Bảo - Tổng Giám đốc VRG, cho biết, năm 2018, Tập đoàn khai thác được 307.108 tấn mủ khô, nhiều hơn 29.811 tấn so với sản lượng khai thác năm 2017 và vượt 5.788 tấn, tương ứng vượt 1,92% so với kế hoạch đã đề ra. Nhờ đó, tổng doanh thu của VRG đạt tới 22.686 tỷ đồng, bằng 103% kế hoạch; tổng lợi nhuận trước thuế 4.367 tỷ đồng.

Riêng công ty mẹ VRG có tổng doanh thu ước đạt 4.394,97 tỷ đồng, trong đó doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ ước đạt 525,37 tỷ đồng (đạt 108,9% kế hoạch); doanh thu hoạt động tài chính ước đạt 3.869,59 tỷ đồng (đạt 122% kế hoạch). Tổng lợi nhuận trước thuế ước đạt 2.784,45 tỷ đồng, đạt 110,8% kế hoạch.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2019, mặc dù tình hình được dự đoán sẽ còn nhiều khó khăn, nhưng VRG vẫn đề ra chỉ tiêu tổng sản lượng khai thác từ 320.250 tấn trở lên, thu mua 75.255 tấn; sản lượng tiêu thụ kế hoạch 395.000 tấn. Theo đó, Tổng doanh thu các công ty có vốn góp của Tập đoàn dự kiến là 30.700 tỷ đồng (doanh thu hợp nhất dự kiến 24.200 tỷ đồng), tăng 6% so với ước thực hiện năm 2018; lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 6.600 tỷ đồng (lợi nhuận hợp nhất khoảng 5.250 tỷ đồng), tăng khoảng 19% so với ước thực hiện năm 2018.

Cũng theo ông Bảo, năm 2019, VRG dự kiến nộp ngân sách khoảng 1.800 tỷ đồng (chưa kề cổ tức phần vốn Nhà nước được chia của năm 2019 dự kiến là 2.300 tỷ đồng). Riêng chỉ tiêu kế hoạch năm 2019 của Công ty mẹ - Tập đoàn với tổng doanh thu dự kiến 3.733 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế dự kiến là 2.900 tỷ đồng, tỷ lệ cổ tức với tỷ lệ 6%/vốn điều lệ.

Bên cạnh những thành quả kinh doanh khả quan, lãnh đạo VRG cũng thẳng thắn thừa nhận những khó khăn mà VRG “biết khó nhưng buộc phải làm” như: Các dự án đầu tư trồng cao su khu vực miền núi phía Bắc hiệu quả thấp; nhiều doanh nghiệp con bị lỗ nên khó thoái vốn ngoài ngành; các dự án đầu tư tại Campuchia còn gặp nhiều khó khăn cả về cơ chế, chính sách; nhiều công ty con vướng quy định theo khoản 2 Điều 189 của Luật doanh nghiệp 2014 (các công ty con không được đầu tư góp vốn, mua cổ phần công ty mẹ; Các công ty con có cùng công ty mẹ là DN Nhà nước sở hữu 65% vốn không được cùng nhau góp vốn thành lập DN)…

Nhiều nỗi lo

Tại Hội nghị, lãnh đạo VRG cùng các công ty con trực thuộc cũng có nhiều ý kiến với Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, cùng đại diện các bộ ngành để được tháo gỡ những khó khăn về cơ chế, chính sách.

Theo ông Huỳnh Văn Bảo, Tổng Giám đốc VRG, Thông tư 96/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế Thu nhập Doanh nghiệp (TNDN) và sửa đổi bổ sung Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18.6.2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định sản phẩm mủ cao su cũng như các sản phẩm trồng trọt, rừng trồng ở địa bàn KT-XH khó khăn, đặc biệt khó khăn được miễn thuế TNDN… nhưng thông tư này lại loại trừ “thanh lý vườn cao su” và không được hạch toán vào hoạt động sản xuất kinh doanh chính.

Công nhân khai thác mủ cao su (Ảnh: IT)

“Theo cách tính hiện hành, thu nhập từ cao su thanh lý được xếp vào thu nhập khác nên khi tính doanh thu để xác định năng xuất lao động và tính lương cho người lao động thì không có khoản thu nhập này, điều này không chỉ gây thiệt thòi cho người lao động mà đồng thời cũng chưa đánh giá đúng hiệu quả của cây cao su”, ông Bảo chia sẻ.

Cũng theo ông Bảo, với các dự án trồng cao su ở miền núi phía Bắc, dù ở góc độ doanh nghiệp thì hiệu quả là thấp song đã đáp ứng mục tiêu của dự án là xóa đói, giảm nghèo… Nên VRG kiến nghị được hưởng quy chế ưu đãi dành cho DN xã hội và không phải đánh giá hiệu quả hoạt động như những DN khác.

“Đề nghị cơ quan quản lý cho phép sử dụng một phần lợi nhuận sau thuế thu nhập DN của Công ty mẹ - Tập đoàn (khoảng 3-5%) tạo quỹ hỗ trợ các DN trong vùng trồng cao su khó khăn thông qua việc hỗ trợ thu nhập cho người lao động, các hoạt động an sinh xã hội, an ninh quốc phòng”, ông Bảo, kiến nghị.

Ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch HĐQT VRG, chia sẻ sau khi VRG cổ phần hóa thành công, việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành gặp nhiều khó khăn cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang xem Tập đoàn không còn là đối tượng thực hiện theo Nghị định 91/2015/NĐ-CP và Nghị định 32/2018/NĐ-CP, dẫn đến không chấp thuận cho Tập đoàn thoái vốn trên sàn giao dịch chứng khoán.

“Tập đoàn đã có Công văn số 2137/CSVN-KHĐT ngày 20/12/2018 gửi Bộ Tài chính đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn và có chỉ đạo để UBCK Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán có cơ sở thụ lý các hồ sơ đầu giá của VRG và các đơn vị thành viên”, ông Thuận, thông tin.

Một vấn đề quan trọng khác cũng được VRG kiến nghị đến Chính phủ là việc hiện nay các dự án đầu tư ở nước ngoài phải vay vốn từ các ngân hàng nước sở tại hoặc ngân hàng Việt Nam mở chi nhánh ở nước sở tại. Thế nên, các dự án tại Campuchia đang gặp khó khăn do phải vay đồng Riel nội tệ lãi suất rất cao và các ngân hàng này thậm chí là không có nguồn; trong khi đó với các ngân hàng Việt Nam thì việc sử dụng đất ở nước ngoài để thế chấp vay vốn nhiều rủi ro và lãi suất bằng USD rất cao.

“VRG kiến nghị cho phép công ty mẹ tại Việt Nam được vay ngoại tệ và cho công ty con tại nước ngoài vay lại, lãi suất sẽ giảm nhiều. Thực tế VRG hiện nay là DN không phải là tổ chức tín dụng nên không được triển khai biện pháp này, nên Tập đoàn mong muốn được Chính phủ xem xét đề nghị này để hỗ trợ các dự án đầu tư ở nước ngoài”, ông Huỳnh Văn Bảo, Tổng Giám đốc VRG, kiến nghị.

Đánh giá cao những nỗ lực của VRG, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy Ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN - Đơn vị quản lý trực tiếp của VRG - cho biết: “Thời gian qua, VRG đã đảm bảo đời sống ổn định cho hàng ngàn lao động ở khắp các vùng miền trải dài cả nước, ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đặc biệt, VRG đã làm tốt trong công tác an ninh quốc phòng, an sinh xã hội.

Trong thời gian tới, VRG cần tiếp tục phát huy thành công trong thời gian qua. Đặc biệt là nguồn lực chất xám, có chiến lược mạnh hơn nữa về phát triển nguồn nhân lực, áp dụng đồng bộ công nghệ 4.0 đến từng cán bộ, công nhân viên chức và người lao động”.

Quốc Hải

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/sau-co-phan-hoa-ong-lon-cao-su-viet-nam-van-nhieu-ganh-nang-948729.html