Sau đại dịch Covid-19, kinh tế Mỹ sẽ phục hồi vào năm 2021

Trong cuộc họp báo ngày 5-6 tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề cập một loạt vấn đề đối nội và đối ngoại của nước này. Điểm nổi bật là, ông bày tỏ tin tưởng vào năm 2021, nền kinh tế đầu tàu thế giới sẽ nhanh chóng phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Theo Tổng thống D.Trump, điều này có được là nhờ nền tảng sức mạnh của nền kinh tế số một thế giới. Hiện Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vì vi rút SARS-CoV-2 khi có tới 1.952.111 người mắc bệnh, với 111.300 ca tử vong.

Các hãng hàng không châu Âu đang thử nghiệm các biện pháp an toàn chống dịch Covid-19 do Cơ quan an toàn hàng không Liên minh châu Âu (EASA) đề xuất sau khi mở cửa trở lại.

Theo thống kê, tính đến 6h ngày 6-6 (giờ Việt Nam), trên thế giới có 6.808.664 ca mắc Covid-19, trong đó có 396.891 ca tử vong.

Châu Mỹ

Trước tình hình dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều nước Mỹ Latinh gia hạn các biện pháp phòng, chống dịch.

Cụ thể, Argentina quyết định kéo dài biện pháp cách ly xã hội bắt buộc thêm 3 tuần, tới ngày 28-6. Trong khi đó, Peru tuyên bố kéo dài thêm 90 ngày tình trạng khẩn cấp y tế để đảm bảo tiếp tục thực hiện các biện pháp chống dịch trong bối cảnh đã trở thành quốc gia có số ca mắc bệnh cao đứng thứ ba châu Mỹ, chỉ sau Mỹ và Brazil. Quyết định trên được đưa ra chỉ ít ngày sau khi Peru kéo dài lệnh giãn cách xã hội trên phạm vi toàn quốc tới ngày 30-6.

Châu Âu

Ủy viên phụ trách các vấn đề nội vụ của Liên minh châu Âu (EU) Ylva Johansson ngày 5-6 cho biết, EU sẽ mở cửa hoàn toàn biên giới nội khối vào cuối tháng này và bắt đầu mở cửa biên giới ngoại khối trong tháng sau.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc họp trực tuyến bộ trưởng nội vụ các nước trong EU, bà Johansson cho biết, phần lớn chính phủ các nước trong EU sẽ dỡ bỏ kiểm soát biên giới nội khối vào ngày 15-6, song một số nước khác đợi đến cuối tháng này mới thực hiện. Các nước sẽ xem xét dỡ bỏ dần các hạn chế đi lại không cần thiết đến EU vào đầu tháng 7.

Còn tại CH Séc, chính phủ nước này đã quyết định khai thông hoàn toàn các tuyến đường giữa Séc, Áo và Hungary từ 12h00 (giờ địa phương) ngày 5-6 sau khi tham khảo ý kiến các nước liên quan. Bên cạnh đó, Chính phủ Séc cũng quyết định, từ ngày 5-6, máy bay từ các quốc gia trong EU có thể hạ cánh tại tất cả các sân bay của nước này với điều kiện kiểm tra dịch tễ học. Mặc dù người dân Séc đã được phép đi du lịch, nhưng cần theo dõi thông tin từ các quốc gia mà họ sẽ đến, cũng như tham khảo bản đồ tương tác trên trang web Černín Palace (phân loại vùng du lịch).

Tại Thụy Điển, những người không có triệu chứng mắc Covid-19 có thể đi lại trong nước từ ngày 13-6 tới, nhưng phải tuân thủ các quy định về giãn cách xã hội, không được phép tập trung đông người, không nên di chuyển khi có triệu chứng mắc bệnh và bất kỳ ai có triệu chứng mà có kế hoạch đi lại cần tiến hành xét nghiệm.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã dỡ bỏ lệnh giới nghiêm vào cuối tuần, vốn được áp dụng từ tháng 4 vừa qua để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, do các lo ngại về tác động kinh tế. Tuy nhiên, người dân được yêu cầu đeo khẩu trang, tuân thủ các quy định giãn cách xã hội và đảm bảo các quy định vệ sinh dịch tễ.

Nhằm giúp nền kinh tế chống chọi với đại dịch Covid-19, các ngân hàng Pháp đã cấp các khoản vay được Nhà nước bảo lãnh lên tới 93 tỷ euro cho khoảng 490.000 doanh nghiệp. Pháp đang dẫn đầu châu Âu trong lĩnh vực này, vượt xa Tây Ban Nha (63,1 tỷ euro), Anh (34,8 tỷ euro), Đức (28 tỷ euro) và Italia (22,4 tỷ euro).

Châu Á

Ngày 5-6, Chính phủ Nhật Bản thông báo sẽ nâng cảnh báo đi lại lên cấp độ 3 đối với 18 quốc gia trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục lan rộng khắp thế giới, đặc biệt là tại các nước đang phát triển và các nước mới nổi. Theo đó, danh sách cảnh báo đi lại cấp độ 3 của Nhật Bản sẽ lên tới 129 nước và vùng lãnh thổ.

Cùng ngày, Nhật Bản đặt mục tiêu đưa vào lưu hành các loại vắc xin phòng Covid-19 vào tháng 6-2021, trong bối cảnh nước này đang nỗ lực chuẩn bị để đăng cai Olympic Tokyo 2020, vốn theo kế hoạch diễn ra mùa hè này nhưng đã bị lùi lại một năm do dịch bệnh.

Lần đầu tiên sau gần 3 tháng qua, các đền thờ trên khắp thủ đô Jakarta của Indonesia đã mở cửa trở lại trong ngày 5-6, khi thành phố này dần nới lỏng lệnh phong tỏa một phần. Các đền thờ và các nơi thờ tự, cầu nguyện đã nối lại hoạt động sau khi Thống đốc Jakarta ngày 4-6 tuyên bố nới lỏng các biện pháp hạn chế. Theo đó, các văn phòng, nhà hàng, trung tâm mua sắm và các địa điểm du lịch sẽ mở cửa trở lại trong những tuần tới. Theo các quy định mới, những nơi thờ tự phải hạn chế số lượng người tới cầu nguyện, và các tín đồ được khuyến cáo đeo khẩu trang, đo thân nhiệt trước khi vào đền thờ.

Trong khi đó, bất chấp số ca mắc Covid-19 tiếp tục tăng cao, giới chức Ấn Độ cùng ngày thông báo sẽ cho phép các trung tâm mua sắm, nhà hàng và các nơi thờ phụng vốn thu hút đông người được mở cửa trở lại trong tuần tới. Chính quyền của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đang dần dỡ bỏ lệnh phong tỏa toàn quốc được áp đặt hồi tháng 3 vừa qua. Tuy nhiên, nước này vẫn duy trì các hướng dẫn phòng, chống dịch nghiêm ngặt song song với việc nới lỏng các biện pháp hạn chế.

Ngày 5-6, Bộ Tài chính Philippines (DOF) cho biết, nước này và Ngân hàng Thế giới (WB) đã ký kết một thỏa thuận cho vay trị giá 500 triệu USD nhằm hỗ trợ người nghèo và người lao động bị tác động bởi đại dịch Covid-19.

Kim Phượng

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/969362/sau-dai-dich-covid-19-kinh-te-my-se-phuc-hoi-vao-nam-2021