Sau đạt chuẩn, nhiều trường Tiểu học thiếu giáo viên tiếng Anh

Sau khi đạt trường chuẩn Quốc gia giai đoạn một, nhiều Trường Tiểu học trên địa bàn huyện Nông Cống (Thanh Hóa) lại thiếu giáo viên dạy tiếng Anh cho học sinh. Nhiều học sinh vì thế mà chưa thể tiếp cận với môn học này trong thời đại công nghệ 4.0 dù Nông Cống là một huyện đồng bằng của Thanh Hóa. Thực trạng này đã khiến phụ huynh và học sinh vô cùng lo lắng.

Chưa chuẩn giáo viên đến, đạt chuẩn giáo viên đi

Đó là một thực tế đáng buồn tồn tại suốt nhiều năm nay tại 11 trường tiểu học tại các xã Minh Khôi, Thăng Bình, Công Liêm, Công Chính, Công Bình, Yên Mỹ, Tượng Văn, Trường Giang, Trường Trung thuộc huyện Nông Cống. Theo phản ánh của rất nhiều phụ huynh có con đang theo học ở các trường trên, dù Nông Cống là một huyện đồng bằng của Thanh Hóa, nhưng trong nhiều năm liền, học sinh không được học tiếng Anh và cùng trong huyện nhưng có trường được học có trường không được.

Sau đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn một, nhiều Trường Tiểu học ở Nông Cống thiếu giáo viên đặc thù

“Con đầu của tôi khi học ở cấp tiểu học đã không được tiếp cận tiếng Anh, lên cấp 2 mới học nên lực học của cháu rất yếu. Tiếng Anh mà không có gốc thì làm sao mà học được. Trong khi đó, môn này lại là môn quy định bắt buộc thi để lên cấp 3. Bây giờ con thứ hai đi học cũng vẫn không có giáo viên tiếng Anh khiến chúng tôi vô cùng lo lắng” – một phụ huynh có con học trường Tiểu học Công Bình cho biết.

Cũng theo phản ánh của nhiều phụ huynh tại các xã trên, việc con em của mình không được học, được tiếp cận tiếng Anh là một thiệt thòi, như thế này là không thể chấp nhận được. Mong muốn của tất cả các phụ huynh là ở các trường là con em họ sớm được học, tiếp cận tiếng Anh.

Theo tìm hiểu của phóng viên được biết, trước khi được công nhận đạt chuẩn Quốc gia, tại nhiều trường trên địa bàn huyện Nông Cống các giáo viên đặc thù (Ngoại ngữ, Tiếng Anh, Tin học, Thể dục) được tăng cường về hỗ trợ công tác giảng dạy tại trường. Sau khi trường đạt chuẩn, hoàn thành công tác “điều động”, số giáo viên được tăng cường này sẽ được rút để hỗ trợ các trường khác.

Trao đổi về việc này, ông Trần Thế Định, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Công Bình thẳng thắn thừa nhận: “Theo quy định, để đạt chuẩn bắt buộc nhà trường phải có đầy đủ giáo viên đặc thù, trong đó có tiếng Anh. Năm 2017-2018 Trường Tiểu học Công Bình được công nhận trường chuẩn mức độ giai đoạn một. Trước đó, nhà trường cũng được Phòng giáo dục điều động thêm một giáo viên về trường hỗ trợ công tác giảng dạy, sau khi được công nhận đạt chuẩn một thời gian, giáo viên tiếng Anh lại được điều động đi nơi khác. Trong nhiều năm nay, nhiều học sinh của trường không được học tiếng Anh. Cứ đến đầu năm học nhà trường lại làm kiến nghị đề xuất lên Phòng giáo dục huyện để xin thêm giáo viên. Vẫn biết rằng giữa miền xuôi và giữa thời đại này việc học sinh không được học tiếng Anh là vô cùng thiệt thòi nhưng chúng tôi cũng không biết làm sao cả. Năm nào nhà trường cũng có ý kiến lên huyện để xin nhưng huyện cũng không có chỉ tiêu được tuyển. Mặt bằng chung mà phát triển tiếng Anh thì tốt, nhưng cơ chế thì phụ thuộc vào huyện, vào tỉnh nên gây khó cho học sinh. Nhà Trường muốn hợp đồng với giáo viên để dạy cho học sinh thì không có nguồn kinh phí…thế nên thiệt thòi nhất vẫn là các em” – Thầy Định chia sẻ.

Ông Trần Thế Định (phải), Hiệu trưởng Trường Tiểu học Công Bình trao đổi với phóng viên

Ông Trần Thế Định (phải), Hiệu trưởng Trường Tiểu học Công Bình trao đổi với phóng viên

Trong khi đó, ông Vũ Xuân Tin, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Mỹ cho biết: "Nhiều phụ huynh đã đến đề nghị nhà trường hợp đồng giáo viên dạy tiếng Anh về dạy rồi họ đóng tiền. Vẫn biết nhu cầu của học sinh là lớn, bức xúc của phụ huynh là chính đáng, học sinh được học, được tiếp cận sớm để có nền tảng tốt hơn nhưng do quy định không được nên chúng tôi không thực hiện được” – ông Tin nói.

Nhiều trường “trắng” giáo viên tiếng Anh

Từ thực tế tồn tại nhiều năm qua đã gây thiệt thòi cho không ít thế hệ học sinh trong huyện, trao đổi với Phóng viên báo Lao động Xã hội (Báo Dân Sinh), ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng phòng Giáo dục Đào tạo huyện Nông Cống cho biết: “Toàn huyện Nông Cống có 67 giáo viên tiếng Anh trên tổng số 104 đơn vị trường học. Trong đó 34 trường mầm non chưa bố trí giáo viên tiếng Anh; cấp THCS có 41 giáo viên trên tổng số 33 trường học; Trung tâm GDTX 2 giáo viên; cấp Tiểu học chỉ có 24 giáo viên trên 35 trường học. Tổng định mức biên chế thì vừa, nhưng việc tuyển dụng giáo viên đặc thù thì thiếu chung do cơ chế. Việc luân chuyển giáo viên từ THCS xuống bậc Tiểu học, Mầm non chỉ là thay đổi cơ học. Trong số 11 trường chưa có giáo viên tiếng Anh thì có 10 trường đã được công nhận chuẩn quốc gia. Bởi theo quy định, để đạt chuẩn bắt buộc phải có đầy đủ giáo viên đặc thù trong đó có tiếng Anh. Thế nên sau khi đạt chuẩn, số giáo viên “tăng cường” này lại phải rút đi các trường khác. Trước khi làm chuẩn quốc gia cho trường nào, Phòng giáo dục phải làm phương án đưa giáo viên tiếng Anh ở các trường khác về tăng cường để cho trường đạt chuẩn, sau khi trường đạt chuẩn lại rút đi. Chúng tôi biết làm thế này là không đúng nhưng do áp lực nên chẳng còn cách nào khác. Nếu trường không đạt chuẩn thì mục tiêu nông thôn mới của các địa phương cũng không thực hiện được” – ông Bình chia sẻ.

Ông Bình cũng cho biết: Việc thiếu giáo viên tiếng Anh trầm trọng ở cấp tiểu học nguyên nhân là do quá trình tinh giản biên chế, nhà nước không cho tuyển dụng nên mới có tình trạng thiếu giáo viên tiếng Anh. Việc ưu tiên cho các trường THCS đủ giáo viên tiếng Anh vì tiếng Anh là một môn thi đầu vào của học sinh THPT. Năm học 2018-2019, UBND tỉnh Thanh Hóa cho huyện tuyển dụng 8 giáo viên tiếng Anh; 2 giáo viên Thể dục; 1 giáo viên Nhạc; 1 giáo viên dạy Họa và hiện nay huyện đang lên phương án để tuyển, cố gắng bổ sung sớm cho các trường chưa có giáo viên trong thời gian sớn nhất” – ông Bình nói.

MỘC MIÊN

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/sau-dat-chuan-nhieu-truong-tieu-hoc-thieu-giao-vien-tieng-anh-d82837.html