Sau Diễn đàn sẽ cụ thể hóa chính sách ra sao?

Phiên Hội thảo chuyên đề 'Thúc đẩy thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động' sáng qua đã nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng doanh nghiệp. Đại diện doanh nghiệp đánh giá, hội thảo đã làm rõ những khó khăn, thách thức của doanh nghiệp, đồng thời đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ cụ thể. Vấn đề quan trọng là sau Diễn đàn, các cơ quan quản lý, điều hành sẽ cụ thể hóa chính sách ra sao?

ĐBQH Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường: Đánh giá toàn diện, sát thực tế

Có thể thấy, hội thảo chuyên đề “Thúc đẩy thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động” đã rà soát, đánh giá khá toàn diện việc thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đã góp phần không nhỏ trong việc bảo đảm xu hướng phục hồi tính cực các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước. Các đề xuất giải pháp đưa ra trong hội thảo khá sát với đòi hỏi thực tế. Đây sẽ là kênh thông tin đầu vào quan trọng để các đại biểu Quốc hội có thêm thông tin, dữ liệu, sáng kiến, giải pháp nhằm phục vụ tốt hơn cho Kỳ họp Quốc hội vào tháng 10 tới.

Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được đánh giá là triển khai chậm. Một phần nguyên nhân là sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương về cơ bản còn chậm, thêm nữa, vì đây là chương trình lớn, mới triển khai nên còn bỡ ngỡ, băn khoăn, thậm chí còn tâm lý e ngại rủi ro.

Về cơ bản, tôi rất tán thành với các giải pháp nêu ra tại hội thảo. Song, tôi cho rằng, bên cạnh việc tiếp tục triển khai các gói hỗ trợ đã ban hành, tới đây, có 2 vấn đề cần đặc biệt quan tâm để bảo đảm sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp theo hướng bền vững, đó là tăng trưởng xanh và phát triển kinh tế tư nhân.

Mục tiêu của Việt Nam đến năm 2030 có thu nhập bình quân đầu người khoảng 7.500 USD. Nếu chỉ dựa vào nhân công giá rẻ, nguyên nhiên vật liệu, dựa vào nền nông nghiệp mà không nhìn xa là cơ cấu nền kinh tế vĩ mô, hướng vào ngành nghề tạo năng suất cao thì sẽ không thể phát triển bền vững. Do vậy, cần có chính sách để thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, khuyến khích các mô hình kinh doanh mới là rất quan trọng.

Bên cạnh đó, chúng ta phải phát triển kinh tế tư nhân. Mặc dù Đảng, Chính phủ rất quan tâm, song thực tế, kinh tế tư nhân vẫn có những rào cản bởi sự thiếu nhất quán trong hệ thống chính sách, thiếu cơ chế để khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo…

Để phát triển khu vực kinh tế tư nhân có hai vấn đề chính cần tập trung. Thứ nhất, phải thúc đẩy năng suất lao động thông qua việc khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân tham gia vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI. Nếu không có chính sách thì các doanh nghiệp FDI sẽ không làm và các doanh nghiệp trong nước sẽ thiệt thòi. Thứ hai, các cơ chế, chính sách phải ổn định, thông suốt, nhất quán, tránh tình trạng vênh giữa các quy hoạch.

Tôi mong rằng, sau Diễn đàn lần này, Quốc hội sẽ ban hành những quyết sách đúng đắn để hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi và phát triển, đặc biệt phải lưu ý tới doanh nghiệp tư nhân.

Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) Nguyễn Quốc Hiệp: Sớm sửa đổi đơn giá, định mức

Những nội dung thảo luận tại Phiên Hội thảo chuyên đề “Thúc đẩy thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động” diễn ra sáng qua cơ bản đã đáp ứng được mong mỏi của cộng đồng doanh nghiệp. Các ý kiến nêu ra tại hội thảo đã bám sát thực tế của doanh nghiệp (thiếu vốn, khó tiếp cận các gói hỗ trợ do thủ tục phức tạp, khan hiếm lao động…). Những giải pháp đề ra được kỳ vọng sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi và phát triển.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng chỉ ra Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế triển khai còn chậm, trong đó có gói giải ngân đầu tư công. Để thực hiện giải ngân, đầu tư các dự án hạ tầng không thể không nhắc đến vai trò của các doanh nghiệp xây dựng.

Trên thực tế, các doanh nghiệp xây dựng đang gặp rất nhiều khó khăn do bị nợ đọng. Có doanh nghiệp hoàn thành công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, song đến nay vẫn chưa được quyết toán. Có doanh nghiệp vốn sở hữu có 800 tỷ đồng nhưng nợ đọng lên tới gần 1.600 tỷ đồng. Bên cạnh đó, đơn giá định mức lạc hậu cũng đang là rào cản rất lớn đối với các doanh nghiệp. Hiện, giá thực tế của nhiều hạng mục xây dựng cao gấp 3 lần đơn giá định mức. Điều này khiến doanh nghiệp rất e ngại các dự án đầu tư công. Những vấn đề này chúng tôi đã nói nhiều, song đến giờ vẫn chưa có cách giải quyết.

Chúng ta sẽ không thể phục hồi bền vững nếu sự sống còn của doanh nghiệp bị đe dọa bởi sự lạc hậu của chính sách, bởi sự thiếu bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Do vậy, tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến của các đại biểu tham luận tại hội thảo là phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục. Sau hai năm chống chọi với dịch bệnh, doanh nghiệp cần chính sách hỗ trợ, song điều chúng tôi cần hơn là được hoạt động trong môi trường kinh doanh công khai, minh bạch, bình đẳng.

Chúng tôi mong muốn sau Diễn đàn này, Quốc hội sẽ có những quyết sách quan trọng thúc đẩy doanh nghiệp phục hồi và phát triển, trong đó có chính sách thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Chúng tôi cũng rất chờ đợi sự chuyển động của các cơ quan thuộc Chính phủ trong việc tiếp thu, cụ thể hóa các ý kiến, giải pháp nêu ra tại Diễn đàn, trong đó có việc nhanh chóng điều chỉnh đơn giá định mức theo sát thực tế. Chỉ khi biến thành hành động cụ thể, Diễn đàn mới thực sự phát huy hiệu quả!

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam NGUYỄN VĂN THÂN: Mong chờ sửa đổi Luật Đất đai

Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 lựa chọn một trong hai chuyên đề hội thảo là Thúc đẩy chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, thể hiện sự quan tâm rất lớn tới cộng đồng doanh nghiệp. Các vấn đề nêu ra trong hội thảo, trong đó có tham luận “Triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội: thực trạng và một số giải pháp trong thời gian tới” đã có những phân tích rất kỹ, số liệu cụ thể, đầy đủ, sát thực tế. Đặc biệt, tham luận đã đề cập đến thành phần rất quan trọng của nền kinh tế là cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa vốn chiếm đại đa số doanh nghiệp đang hoạt động ở nước ta và hộ kinh doanh, hợp tác xã.

Chúng tôi rất tán thành các quan điểm nêu ra trong phiên thảo luận, nhất là các giải pháp hỗ trợ. Thực tế, rất nhiều doanh nghiệp đang rất khát vốn, thiếu lao động, trong khi đó, Nhà nước có tiền nhưng lại chậm triển khai. Nếu không sớm gỡ được vấn đề này, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sẽ không thể phát huy hiệu quả như mong muốn.

Để thúc đẩy phát triển cộng đồng doanh nghiệp thời gian tới, tôi nhất trí với ý kiến của các đại biểu cho rằng cần hoàn thiện chính sách pháp luật, đặc biệt là Luật Đất đai (sửa đổi) vốn có tác động sâu rộng tới toàn bộ nền kinh tế - xã hội. Chúng tôi đang rất trông chờ việc sửa đổi Luật này. Bên cạnh đó, thủ tục để được hưởng lãi suất 2% hiện rất khó khăn, cần được rà soát để bảo đảm doanh nghiệp, hợp tác xã thuận lợi trong tiếp cận gói chính sách này.

Muốn phát triển bền vững, cộng đồng doanh nghiệp phải “sống” khỏe. Điều chúng tôi quan tâm là sau Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 sẽ cụ thể hóa chính sách ra sao để bảo đảm thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Chúng tôi mong Quốc hội sẽ ra được quyết sách quan trọng để thúc đẩy quá trình phục hồi của doanh nghiệp trên cơ sở ý kiến đề xuất tại hội thảo cũng như Diễn đàn, và phải giám sát chặt quá trình thực hiện của các bộ, ngành, địa phương.

M. Châu - Q. Khánh - M. Trang thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/sau-dien-dan-se-cu-the-hoa-chinh-sach-ra-sao-i301049/