Sau đòn tấn công của liên quân Mỹ- Anh- Pháp vào Syria: Cộng đồng quốc tế dậy sóng

Mỹ, Anh và Pháp - những bên tổ chức tấn công nhằm vào Syria (trong hôm 15/4) tiếp tục kêu gọi các đồng minh tăng thêm sức ép với cái mà họ gọi là chương trình vũ khí hóa học của Syria. Trong khi cuộc tấn công mà họ mới thực hiện vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế do tranh cãi về tính hợp pháp.

Tên lửa từ tàu sân bay Mỹ tấn công Syria, ngày 15/4.

Nhóm “bộ ba” tiếp tục gây sức ép

Không dừng lại sau cuộc tấn công tên lửa nhằm vào Syria hôm thứ Bảy vừa qua, Mỹ, Anh và Pháp đã lập tức công bố một bản nghị quyết kêu gọi tổ chức điều tra độc lập đối với vụ việc mà họ cho là tấn công bằng vũ khí hóa học ở thành phố Douma- ngoại ô Damascus, Syria.

Diễn biến trên xuất hiện tiếp nối sau một phiên họp khẩn cấp tại Hội đồng Bảo an LHQ, được kêu gọi bởi Moscow trong hôm thứ Bảy, trong đó Đại sứ Nga tại LHQ, Vassily Nebenzia, đã lên án mạnh mẽ cuộc tấn công của Anh – Pháp - Mỹ nhằm vào Syria, cho rằng hành động quân sự này vi phạm luật pháp quốc tế.

Ông Nebenzia nói rằng các cuộc tấn công bằng tên lửa, nhằm vào các cơ sở mà phương Tây cáo buộc là có liên quan tới chương trình vũ khí hóa học của Syria, là một “đòn giáng nhằm vào sự ổn định chính trị” ở một quốc gia Trung Đông vốn đang bị chia rẽ.

Chiến hạm, phi cơ chiến đấu của Mỹ, Anh và Pháp đã phóng tổng cộng trên 100 tên lửa nhằm vào Syria trong sáng hôm thứ Bảy, nói rằng họ ra quyết định trên nhằm phản ứng với cáo buộc tấn công hóa học ở Douma. Ba nước này không hề chờ đợi sự phê chuẩn của Hội đồng Bảo an LHQ, hay chứng cứ đến từ hiện trường mà tấn công ngay vào thời điểm đội ngũ chuyên gia của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) vừa đến Syria để điều tra.

Trong lúc mà Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố “nhiệm vụ hoàn thành” một cách đắc thắng, người đồng cấp Pháp của ông là ông Emmanuel Macron, đã kêu gọi Hội đồng Bảo an nhập cuộc. “Giờ là lúc để Hội đồng Bảo an đoàn kết và đưa ra đề xuất về các vấn đề chính trị, nhân quyền và vũ khí hóa học ở Syria”- ông Macron nói trong một tuyên bố sau khi có cuộc điện đàm với ông Trump và Thủ tướng Anh Theresa May.

Đề xuất từ phía Nga

Trong vòng họp khẩn cấp tại Hội đồng Bảo an sau vụ tấn công, Nga đã đề xuất một nghị quyết thúc giục Mỹ và các đồng minh “lập tức ngừng các hành động hung hăng nhằm vào nước Cộng hòa Arab Syria và tránh có thêm các hành động hung hăng khác vi phạm luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ”.

Nga, Trung Quốc và Bolivia đã bỏ phiếu thuận cho nghị quyết này. 4 thành viên khác bỏ phiếu trắng. Mỹ, Anh và Pháp - 3 thành viên thường trực - đều bỏ phiếu chống, khiến cho nghị quyết này không thể được thông qua.

Sau khi có kết quả bỏ phiếu, Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia nói rằng cuộc họp này đã xác nhận Mỹ và các đồng minh “tiếp tục đặt chính trị, ngoại giao quốc tế vào những “huyền thoại” do Washington, London và Paris tạo ra”. Ông cáo buộc khối này vi phạm Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế: “Hôm nay là một ngày rất buồn của thế giới. Hiến chương LHQ bị vi phạm một cách trắng trợn”.

Bên ngoài trụ sở của LHQ, nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có nhiều thành phố lớn ở Mỹ, Mexico, Hy Lạp và Anh để phản đối vụ không kích vừa qua.

Phản ứng từ nhiều nước

“Lịch sử sẽ đặt mọi thứ đúng chỗ, và Washington từng mang vác trách nhiệm nặng nề trong cuộc tàn sát đẫm máu ở Nam Tư cũ, Iraq và Libya” - Tổng thống Nga Vladimir Putin nói trong một tuyên bố phản ứng trước vụ tấn công của Mỹ, Anh và Pháp.

Hành động quân sự đơn phương này gây “ảnh hưởng hủy diệt trực tiếp tới toàn hệ thống quan hệ quốc tế” và sẽ chỉ làm tăng gia tăng khủng hoảng ở Syria thay vì tháo gỡ nó- RT dẫn lời ông Putin nói.

Vụ tấn công xảy ra chỉ vài giờ trước khi các chuyên gia của OPCW bắt đầu nhiệm vụ điều tra cáo buộc tấn công hóa học ở Douma. Nhiệm vụ của OPCW đã bị phớt lờ, “một nhóm các quốc gia phương Tây đã quyết định hành động quân sự mà không chờ đợi kết quả từ cuộc điều tra này”- ông Putin nhấn mạnh.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Syria cũng cáo buộc cuộc tấn công của Mỹ và các nước đồng minh diễn ra cùng lúc với nhóm điều tra của OPCW tới Syria để điều tra sự thật về những cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học tại Douma, chủ yếu nhằm gây trở ngại hoạt động điều tra.

Syria kêu gọi cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ hành động gây hấn này, một hành động không những không mang lại kết quả nào mà sẽ làm kích động căng thẳng trên thế giới, đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế.

Hãng thông tấn nhà nước Iran (IRNA) cùng ngày đưa tin, Bộ Ngoại giao Iran lên án mạnh mẽ vụ tấn công của Mỹ và các nước đồng minh vào một số mục tiêu của Syria.

“Vụ tấn công đã vi phạm rõ ràng luật pháp quốc tế cũng như phớt lờ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria”- Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran, Bahram Qasemi, nói. đồng thời nhấn mạnh: “Rõ ràng Mỹ và các đồng minh tham gia can thiệp quân sự vào Syria mà không có tài liệu chứng minh và trước khi có báo cáo cuối cùng của OPCW”.

Thụy Điển, một thành viên của EU nhưng không phải của NATO, cũng kêu gọi giải quyết vấn đề Syria trong khuôn khổ Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế. Ngoại trưởng nước này Margot Wallstrom, nói rằng điều cần thiết bây giờ là bàn về tương lai sắp tới và nhấn mạnh: “Dù sao thì chuyện cũng đã xảy ra, giờ chúng ta cần phải bàn về bước tiếp theo”.

Giới lãnh đạo của một số nước Mỹ Latin cũng kêu gọi giải pháp sao cho phù hợp với luật pháp quốc tế. Peru, nước hiện đang là Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an LHQ, đã kêu gọi tất cả các bên kiềm chế và ủng hộ một “giải pháp chính trị” thay vì hành động quân sự ở Syria.

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic, thì cho rằng: “Đứng về phe mạnh không có nghĩa là đứng về phía công lý và đạo đức”.

Đòn tấn công có hợp pháp?

Vụ tấn công mà Mỹ, Anh và Pháp thực hiện vừa qua cũng làm dấy lên làn sóng tranh cãi về tính hợp pháp của hành động can thiệp quân sự này, với nhiều ý kiến cho cho rằng nó vi phạm Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế và thậm chí hệ thống luật pháp của ngay bộ ba nước này. Được biết, quyết định tấn công mà ba bên đưa ra đều chưa có sự phê duyệt của Hội đồng Bảo an LHQ và Quốc hội ở mỗi nước.

Chịu sức ép lớn nhất hiện nay có lẽ là Thủ tướng Anh Theresa May, khi phải đối diện trước phiên điều trần trước Quốc hội Anh trong hôm đầu tuần này liên quan tới quyết định không kích Syria- vốn được đưa ra mà không nhận được sự phê chuẩn từ cơ quan này.

“Thủ tướng Anh đáng ra phải có trách nhiệm trước Quốc hội, chứ không phải trước những ý định bất chợt của Tổng thống Mỹ. Tôi tin rằng hành động này gây tranh cãi về pháp lý, như Tổng Thư ký LHQ đã nhắc đến”- Jeremy corbyn, lãnh đạo đảng Lao động đối lập ở Anh, viết trong bức thư gửi bà May.

Tương tự, ở Mỹ, một số Nghị sỹ cho rằng hành động của Tổng thống Trump là vi hiến bởi theo Hiến pháp Mỹ, Quốc hội mới có quyền phát động chiến tranh, chứ không phải Tổng thống. Cuộc tranh luận này cũng thu hút được sự quan tâm của giới chuyên gia.

Joe Lauria, nhà báo độc lập từng làm việc cho tờ Wall Street Journal, nói với Hãng tin RT rằng vụ tấn công vừa qua rất “sốc” nhưng không bất ngờ. “Các nước tham gia không hề chứng minh được rằng họ đang hành động chiếu theo Điều 51 của Hiến chương LHQ, trong đó nhấn mạnh vì mục đích tự vệ - Mỹ không hề hành động để tự vệ”- ông Lauria nói và cho biết: “Họ cũng không được sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an, và cả từ Quốc hội Mỹ”.

Michael Maloof, cựu chuyên gia phân tích an ninh thuộc Lầu Năm Góc, cho rằng thời điểm của vụ tấn công chỉ ra rằng Mỹ và các đồng minh “không hề quan tâm” tới kết quả điều tra chính thức về cáo buộc tấn công hóa học. Việc tìm ra người đứng đàu sau vụ tấn công đó “không phải động cơ thực sự của họ”- ông Maloof nhận định.

Khánh Duy

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tin-tuc/sau-don-tan-cong-cua-lien-quan-my-anh-phap-vao-syria-cong-dong-quoc-te-day-song-tintuc401072