Sau F/A-18, đến lượt Su-30MKM Malaysia gặp sự cố tại triển lãm LIMA 2019

Có vẻ như Không quân Malaysia đang bị vận đen theo đuổi khi liên tiếp trong hai ngày, hai chiếc tiêm kích hàng đầu của họ đều gặp sự cố khi bay trình diễn.

 Triển lãm Hàng không - Hàng hải Langkawi (LIMA) 2019 được xem là cuộc triển lãm quân sự có quy mô và tầm ảnh hưởng lớn nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Triển lãm Hàng không - Hàng hải Langkawi (LIMA) 2019 được xem là cuộc triển lãm quân sự có quy mô và tầm ảnh hưởng lớn nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Triển lãm LIMA 2019 diễn ra từ ngày 26/3 đến 31/3 với sự góp mặt của hơn 350 tập đoàn quốc phòng đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có nhiều tên tuổi lớn như Boeing, Airbus, Thales...

Các cường quốc quân sự bao gồm Mỹ, Nga, Đức, Anh, Trung Quốc... đều có gian trưng bày khí tài cũng như gửi nhiều máy bay tới trình diễn tại triển lãm LIMA 2019.

Để chào mừng sự kiện quân sự trên, nước chủ nhà Malaysia đã điều động các máy bay chiến đấu tối tân nhất của mình bao gồm F/A-18D và Su-30MKM tới biểu diễn nhằm mục đích chào mừng.

Tuy nhiên ngay trong ngày đầu tiên của triển lãm LIMA 2019, chiếc tiêm kích F/A-18D của Không quân Malaysia đã gặp sự cố nghiêm trọng, khi động cơ của nó bốc cháy khi máy bay đang trình diễn trên không.

"Tiêm kích F/A-18D số hiệu M45-06 gặp sự cố khi chuẩn bị biểu diễn. Một con chim bị hút vào động cơ trong lúc cất cánh, phi công đưa máy bay về hạ cánh an toàn và không có ai bị thương", đại diện ban tổ chức thông báo.

Nhưng không chỉ có F/A-18, chỉ đúng một ngày sau, chiếc tiêm kích chiếm ưu thế trên không hạng nặng Su-30MKM của Malaysia cũng gặp phải sự cố, đó là nó không hạ được càng đáp phía sau.

Đây là sự cố khá nghiêm trọng, có thể khiến máy bay phải hạ cánh bằng bụng, dẫn tới việc khung thân bị hư hỏng, hiện chưa có thông báo về tình trạng của chiếc Su-30MKM trên.

Tiêm kích Su-30MKM là phiên bản chiến đấu cơ Su-30MK được Nga xuất khẩu riêng cho quốc gia Đông Nam Á này, chữ "M" chính là viết tắt của Malaysia.

Cấu hình và tính năng kỹ chiến thuật của tiêm kích Su-30MKM dành cho Không quân Malaysia được nhận xét là gần như giống hệt biến thể Su-30MKI của Không quân Ấn Độ.

Máy bay cũng được trang bị radar mảng pha quét điện tử thụ động N011M BARS có tầm trinh sát và phát hiện mục tiêu tối đa lên tới 400 km đối với chiến đấu cơ cỡ lớn.

Động cơ của tiêm kích Su-30MKM là loại AL-31FP có khả năng kiểm soát vector lực đẩy 2 chiều (2D TVC) nhưng 2 động cơ được đặt lệch trục với nhau để tạo trạng thái "giả 3D".

Bên cạnh các thiết bị điện tử hàng không cốt lõi của Nga thì máy bay còn được "cấy ghép" rất nhiều cảm biến hay sản phẩm có xuất xứ từ Pháp hay Israel.

Điều đó làm tăng khả năng chiến đấu của Su-30MKM nhưng ở chiều ngược lại cũng khiến cho độ tin cậy của chiếc tiêm kích này bị giảm xuống do nguy cơ xung đột hệ thống vì thiếu tương thích hạ tầng.

Có lẽ đây là nguyên nhân quan trọng khiến nhiều chiếc tiêm kích Su-30MKM của Không quân Malaysia phải "nằm đất dài hạn", khiến quốc gia Đông Nam Á này từng có ý định cho phi đội "nhận sổ hưu" sớm.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-sau-f-a18-den-luot-su30mkm-malaysia-gap-su-co-tai-trien-lam-lima-2019/804947.antd