Sau gần 20 năm, TP.HCM vẫn nuôi khát vọng thành trung tâm tài chính

Ngay từ năm 2002, TP.HCM đã có khát vọng tập trung mọi nguồn lực phát triển để trở thành trung tâm tài chính của khu vực và từng bước hội nhập toàn cầu. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết khát vọng này vẫn chưa thực hiện được do chưa phù hợp với thực tiễn.

Diễn đàn Kinh tế TP.HCM năm 2019 diễn ra hôm nay 18.10 - Ảnh: PD

Diễn đàn Kinh tế TP.HCM năm 2019 diễn ra hôm nay 18.10 - Ảnh: PD

Ngày 18.10, UBND TP.HCM tổ chức Diễn đàn Kinh tế TP.HCM năm 2019 (HEF 2019) với chủ đề "Phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế".

Khát vọng từ 20 năm trước

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nói rằng, mục tiêu của diễn đàn năm nay là cung cấp các yếu tố đầu vào giúp TP.HCM sớm trở thành trung tâm tài chính khu vực và thế giới. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để TP.HCM lắng nghe các ý tưởng mới, tiếp thu các góp ý, phản biện của các đại biểu nhằm hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế đã ấp ủ cách đây gần 20 năm.

Theo ông Phong, thị trường tài chính có vai trò quan trọng trong việc huy động các nguồn lực xã hội, góp phần sử dụng hiệu quả nguồn vốn. Đây còn là nhân tố cốt lõi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của hầu hết các đô thị trên thế giới. Tại New York (Mỹ), dịch vụ tài chính chiếm tỷ trọng 46% trong tổng giá trị gia tăng của nền kinh tế; London là 42%, Thượng Hải là 27% và tại Singapore là 29%. Điều đó cho thấy mô hình tăng trưởng của các đô thị phần lớn dựa vào thị trường tài chính và việc hình thành nên một trung tâm tài chính quốc tế là xu thế tất yếu của thời đại.

Đối với TP.HCM, ngay từ năm 2002, nhằm bắt kịp xu thế thời đại, TP.HCM đã có khát vọng tập trung mọi nguồn lực phát triển để trở thành trung tâm tài chính của khu vực và từng bước hội nhập toàn cầu. Do đó, từ năm 2001, thị trường tài chính đã được xác định là một trong 9 ngành dịch vụ chủ yếu của TP.HCM. Từ năm 1998, Sở Giao dịch Chứng khoán cũng đã được thành lập tại TP.HCM.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, khát vọng này chưa phù hợp với thực tiễn. Việc trở thành trung tâm tài chính là một quá trình phức tạp, khó khăn do TP.HCM có điểm xuất phát thấp, trong số 400.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên địa bàn, có hơn 98% doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bình quân cứ 5 năm dân số TP.HCM tăng thêm 1 triệu người, trong khi mật độ giao thông, nhà ở không theo kịp.

Bên cạnh đó, tỷ lệ ngân sách thành phố được giữ lại giảm từ mức 26% giai đoạn 2007 - 2010 xuống còn 18% giai đoạn 2017 - 2020. Quá trình tái cơ cấu thị trường tài chính còn chậm, quy mô thị trường chứng khoán còn nhỏ so với các đô thị trong khu vực, tỷ trọng vốn hóa của thị trường chứng khoán trên GRDP của TP.HCM còn thấp, mới đạt 52%; trong khi tại Singapore là 243%, tại Kuala Lumpur là 143%, tại Bangkok là 120% và tại Manila là 92%…

Điều này làm cho tình trạng khan hiếm nguồn lực phát triển vốn đã khó khăn càng trở nên trầm trọng, khiến cho tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm sút, cơ sở hạ tầng quá tải và xuống cấp, môi trường sống trở nên ô nhiễm và thiếu an toàn.

Những yếu tố này đã làm giảm sức hấp dẫn của TP.HCM như một nơi sinh sống, giao dịch thương mại, kinh doanh và đầu tư. Do vậy, tác động tiêu cực đến triển vọng phát triển TP.HCM trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.

Cần đưa đề án thành trọng điểm quốc gia

Chủ tịch UBND TP.HCM kỳ vọng, thành phố sẽ được Chính phủ xem xét, đưa đề án phát triển TP.HCM trở thành trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế trở thành đề án trọng điểm quốc gia .

“Đây là cơ sở quan trọng để thành phố chuyển được mô hình phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu, trong bối cảnh còn phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là đất đai. Trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế là chìa khóa để đưa kinh tế thành phố bứt phá”, ông Phong nói thêm.

Tại diễn đàn, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, việc xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại TP.HCM không chỉ là mong muốn của thành phố mà còn là nhiệm vụ của cả nước.

TP.HCM hiện nay đã là trung tâm kinh tế, tài chính lớn nhất Việt Nam, đồng thời là trung tâm đi đầu về công nghệ và cải cách hành chính, giáo dục. Do đó, muốn phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, các bộ ngành cần hợp lực, đưa ra cơ chế, chính sách vượt trội để hỗ trợ.

Trong khi đó, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nói rằng, Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đang đứng trước cơ hội có một không hai để hình thành một trung tâm tài chính ngang tầm khu vực. Tuy nhiên, để thành hiện thực, đề án này nên là đề án của quốc gia mới có một thể chế vượt trội để triển khai.

Đồng quan điểm, TS.Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Trường chính sách công và quản lý Fulbright (Đại học Fulbright) nhận định, để trở thành một trung tâm tài chính khu vực và quốc tế thì TP.HCM cần phải là trung tâm tài chính quốc gia. Từ đó, tiến ra khu vực và thế giới thì cần một cách tiếp cận khác, không theo “lối mòn” truyền thống.

Vì vậy, giải pháp đưa ra là TP.HCM cần tìm một số “thị trường ngách” để tạo sự khác biệt và đột biến song song với việc phát triển trung tâm giao dịch hàng hóa. Quan trọng là thành phố cần giải pháp tổng thể, kết hợp chính sách trung ương và nỗ lực địa phương thì mới có thể thực hiện thành công.

Nếu Trung ương có quyết sách chọn TP.HCM để phát triển là trung tâm tài chính của quốc gia và sau đó tiến tới khu vực thì có thể chúng ta thực hiện trong vòng 15-20 năm sẽ hoàn thành. Nhưng nếu không có những quyết sách lớn, cộng với quyết tâm thực hiện của TP.HCM thì không ai có thể trả lời chính xác là bao giờ TP.HCM mới chạm đến mục tiêu này.

Phan Diệu

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/sau-gan-20-nam-tphcm-van-nuoi-khat-vong-thanh-trung-tam-tai-chinh-123707.html