Sau khi Moscow rút khỏi Trạm ISS, Mỹ dự định gì?

NASA tuyên bố sẽ ngừng hoạt động khỏi Trạm ISS đến năm 2028 sau khi Nga khẳng định sẽ rời khỏi Trạm vào năm 2024.

Thông tấn TASS của Nga ngày 1/8 dẫn lời người phát ngôn của Cơ quan Vũ trụ Mỹ (NASA), Stephanie Schierholz cho biết, NASA muốn ngừng hoạt động Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) vào năm 2028, tròn 20 năm kể từ khi nó được đưa vào hoạt động.

Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS.

Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS.

NASA tin rằng, sau khi Nga rời khỏi hoạt động của Trạm vào năm 2024 thì Mỹ có thể duy trì hoạt động của Trạm ISS ít nhất cho đến năm 2028, thậm chí có thể lâu hơn.

"Từ quan điểm kỹ thuật, chúng tôi hy vọng chúng tôi có thể hỗ trợ các hoạt động của Trạm sau thời gian đó [2024] đến ít nhất là năm 2028 và rất có thể lâu hơn nữa" - người phát ngôn Schierholz nói.

"Chúng tôi tiếp tục cập nhật phân tích kỹ thuật của chúng tôi về tuổi thọ của trạm vũ trụ. Mục tiêu của chúng tôi là có sự hiện diện không bị gián đoạn trong quỹ đạo Trái Đất thấp, để có thể chuyển đổi từ trạm sang (các) nền tảng khác, nơi chúng tôi có thể tiếp tục làm việc trong quỹ đạo Trái Đất thấp" - đại diện NASA cho biết thêm.

Mục tiêu của NASA là tập trung vào khám phá không gian sâu, cụ thể là Mặt trăng và sao Hỏa, vì vậy cơ quan này đã lên kế hoạch đầu tư vào các trạm vũ trụ tư nhân trong tương lai nhằm thực hiện tham vọng đó.

Theo Science Times, ISS được xây dựng với tuổi thọ tối đa là 30 năm, do đó NASA muốn cho ISS "nghỉ hưu" vào năm 2028. Tuy nhiên, cơ quan này có thể yêu cầu gia hạn cho đến năm 2030. Tất cả các quyết định như vậy phải được các đối tác của trạm vũ trụ chấp nhận, bao gồm Nga, Nhật Bản và Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA).

Angela Hart - người quản lý chương trình thương mại quỹ đạo Trái đất tầm thấp (LEO) của ESA cho hay, NASA dự định tài trợ cho ít nhất 2-4 doanh nghiệp tư nhân có tham vọng tạo ra các trạm vũ trụ mới trên quỹ đạo. NASA có thể sẽ chi đến 400 triệu USD trong 5 năm tới để nghiên cứu và phát triển các trạm vũ trụ được đề xuất.

"Chúng tôi muốn hỗ trợ càng nhiều người trong lĩnh vực thương mại quan tâm đến việc thương mại hóa LEO càng tốt", Angela Hart nói.

Một số tên tuổi lớn nhất trong ngành công nghiệp vũ trụ, bao gồm SpaceX, Blue Origin, Virgin Galactic, Lockheed Martin và Northrop Grumman, đã tham dự một cuộc họp của NASA vào tháng 3 để xem xét mức độ quan tâm về lĩnh vực thương mại vũ trụ của các doanh nghiệp tư nhân.

NASA sẽ không cung cấp kinh phí trực tiếp, mà có kế hoạch trợ giúp việc xây dựng các trạm vũ trụ bằng cách cung cấp kiến thức chuyên môn và định hướng tiềm năng kinh doanh trong tương lai.

Chưa rõ thời điểm 2028 có đủ để NASA phát triển các nền tảng không gian mới thay thế Trạm ISS hay không. Nga hiện đã công bố ý định rời khỏi Trạm ISS vào năm 2024 song vẫn tiếp tục hỗ trợ hoạt động sau thời điểm đó.

Theo tuyên bố đưa ra hôm 31/7, Cơ quan Vũ trụ Nga (ROSCOSMOS) cho biết, hội đồng thiết kế trưởng đã xem xét tình trạng hiện tại của phân đoạn của Nga tại Trạm ISS và tin rằng, phần lớn nhất của thiết bị trên trạm đã "già cỗi".

"ISS sau năm 2024 sẽ tạo thêm rủi ro" - ROSCOSMOS cho biết.

"Để ngăn chặn sự gián đoạn của hoạt động thăm dò ngoài không gian, chúng tôi đã đề xuất thành lập một tổ hợp không gian có người lái trên quỹ đạo Trái Đất thấp ở quy mô quốc gia - trạm dịch vụ quỹ đạo của Nga" - thông báo của ROSCOSMOS cho hay.

Nauka đã làm điều mà Mỹ và châu Âu chưa thể làm được khi tự kết nối với ISS.

ROSCOSMOS vừa qua đã phóng phòng thí nghiệm đa năng Nauka lên ISS, sau khi mất tới 14 năm chờ đợi. Đây được cho bước khởi điểm cho các kế hoạch của Nga khi ISS sắp hết thời hạn sử dụng.

Nauka (trong tiếng Nga có nghĩa là Khoa học) là module đầu tiên của Nga trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) trong 11 năm qua và cũng như phòng thí nghiệm tư nhân đầu tiên của Nga trên không gian. Tuy nhiên, ý nghĩa của nó còn nhiều hơn thế: Nauka thực tế là một tàu vũ trụ lớn, sau khi đi vào quỹ đạo, có thể tự đi đến ISS và kết nối với ISS.

Không có module nào của Mỹ hay châu Âu nào hiện nay có thể làm được điều đó. Các module của NASA không thể tự bay, chúng được đưa lên quỹ đạo trong khoang hàng trên tàu con thoi và kết nối với ISS bằng một module bổ sung.

Mục đích sử dụng đầu tiên của Nauka là nghiên cứu khoa học. Nga hiện có 2 module lớn trên ISS, là Zarya và Zvezda, cùng 3 module nhỏ hơn, cũng được sử dụng làm bến đỗ cho tàu vũ trụ.

Zarya (Bình minh) chủ yếu được sử dụng làm nơi chứa hàng hóa. Zvezda (Ngôi sao) là module chính của Nga trên trạm vũ trụ. Zvezda chỉ có hai cabin, hệ thống hỗ trợ sự sống và định vị, nhưng không có phòng khoa học riêng biệt.

Mặt khác, Nauka không chỉ có đủ không gian cho khoa học. Module này có 14 không gian làm việc bên trong và 16 không gian bên ngoài, cùng 1 phòng thí nghiệm riêng biệt và một máy ly tâm.

Một điểm đổi mới trên tàu Nauka là cánh tay robot châu Âu ERA ở bên ngoài: cánh tay này được điều khiển từ xa, cho phép các nhà khoa học dễ dàng sửa chữa và nâng cấp các thiết bị bên ngoài mà không cần phải đi bộ ra ngoài không gian quá thường xuyên.

Nauka có thể được coi là sáng tạo trên quan điểm của Nga, cũng như quốc tế, khi so sánh với 3 module khác trên ISS: Destiny của Mỹ, Columbus của Châu Âu và Kibo của Nhật Bản.

Nauka được cho là một trong những dự án có vấn đề nhất trong số các phân khúc của Nga trên ISS. Công việc bắt đầu trở lại vào giữa những năm 2000 và tất cả không phải là từ đầu: Ý tưởng là gắn một module Zarya dự trữ vào ISS (nó là module đầu tiên được phóng, mặc dù, mặc dù là của người Nga, nhưng nguồn tài chính đến từ NASA ).

Nauka là bản sao gần như hoàn chỉnh của module Zarya, ban đầu được xây dựng như một dự phòng mặt đất cho Zarya. Năm 2004, Nga quyết định mở rộng phân khúc trên ISS và để tiết kiệm chi phí, Nauka đã được chuyển đổi thành module bay chính thức.

Nauka ban đầu được dự kiến phóng lên ISS vào năm 2007. Tuy nhiên, thời hạn đã bị lùi lại nhiều lần do các vấn đề kỹ thuật và tài chính. Đến ngày 29/7/2021, Nga đã thực hiện được vụ phóng Nauka thành công lên ISS.

Nga ủng hộ việc kéo dài tuổi thọ của ISS đến năm 2028 và thậm chí có thể là năm 2030, thời điểm nước này có kế hoạch rút khỏi ISS và xây dựng trạm vũ trụ của riêng mình, trạm ROSS.

Quyết định đưa ‘Nauka’ lên ISS có lẽ là vì nhu cầu kéo dài thời gian hiện diện của Nga trên trạm vũ trụ này.

Quế Chi

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/sau-khi-moscow-rut-khoi-tram-iss-my-du-dinh-gi-3436525/