Sau khi thắng lớn, Thủ tướng Anh tăng tốc phê chuẩn Thỏa thuận Brexit

Sau khi thắng lớn, Thủ tướng Anh Johnson đẩy nhanh việc thực hiện cam kết đưa ra nước Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) đúng hạn 31/1/2020.

Với thế đa số lớn tại quốc hội, Thỏa thuận Brexit sẽ không gặp quá nhiều rào cản trong cuộc bỏ phiếu tại Nghị viện, nhưng con đường sau đó xác định mối quan hệ thương mại và an ninh giữa Anh với Liên minh châu Âu được cho là thách thức hơn nhiều.

Sau khi thắng lớn, Thủ tướng Anh tăng tốc phê chuẩn Thỏa thuận Brexit. Ảnh: Reuters

Hôm nay (16/12), sẽ hoan nghênh 109 nghị sĩ Bảo thủ mới tại Quốc hội, với khẳng định sẽ tôn trọng cam kết bầu cử để hoàn thành Brexit sớm nhất có thể, cũng như tăng đầu tư vào các dịch vụ y tế. Chính phủ của Thủ tướng Johnson dự kiến sẽ đưa Thỏa thuận Brexit ra bỏ phiếu tại Hạ viện trước Giáng sinh, cho phép 31/01/2020. Ông cũng khẳng định sẽ dẫn dắt một chính phủ của người dân và có trách nhiệm tạo ra một tương lai tốt hơn cho đất nước.

“Tôi muốn mọi người hãy chuẩn bị cho Giáng sinh của mình, vui mừng và yên tâm rằng có một chính phủ của người dân. Chính phủ đang nỗ lực để giúp năm 2020 sẽ là một năm thịnh vượng, phát triển và tràn đầy hi vọng".

Sau hơn 3 năm tranh luận về Brexit, ông Johnson đang muốn đoàn kết đất nước vốn bị chia rẽ về việc đi hay ở Liên minh châu Âu. Với lợi thế số ghế nhiều hơn quá bán rất lớn tại Quốc hội, Thủ tướng Johnson sẽ dễ dàng thông qua các kế hoạch của chính phủ tại Hạ viện nhằm thúc đẩy tiến trình Brexit.

Mặc dù vậy giới quan sát nhận định, vượt qua cửa ải Quốc hội cũng không có nghĩa là chấm dứt những khó khăn của tiến trình Brexit. Thách thức tiếp theo sẽ là các cuộc đàm phán mối quan hệ tương lai về thương mại, an ninh giữa Anh và Liên minh châu Âu. Bất đồng đã nổi lên ngay từ khi giai đoạn 2 đàm phán chưa bắt đầu. Trong tuyên bố về Brexit, Liên minh châu Âu mong muốn một mối quan hệ tương lai với Anh dựa trên sự cân bằng về quyền và nghĩa vụ, đảm bảo một sân chơi bình đẳng.

Tuy nhiên, các quy định và quy tắc của Anh cũng không được “quá xa” so với tiêu chí hiện hành của châu Âu, thậm chí kể cả khi nước này rời EU. Nếu Thủ tướng Johnson muốn tự do thực hiện các thỏa thuận thương mại với Mỹ và các quốc gia khác, Anh sẽ phải đối mặt với các hạn chế thương mại khó khăn hơn, vì EU không muốn có một đối thủ cạnh tranh lớn rất gần với các điều kiện thuận lợi hơn về kinh doanh và tài chính. Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định, nước Anh sẽ không chấp nhận “cúi đầu” trước các quy tắc của EU để đối lấy thỏa thuận thương mại về Brexit.

Với lịch trình của Thủ tướng Anh muốn hoàn thành giai đoạn chuyển giao này vào cuối năm 2020, giới chuyên gia kinh tế cho rằng, mục tiêu này quá tham vọng và ông Johnson nên kéo dài thời gian đàm phán với Liên minh châu Âu. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng cho rằng, việc đàm phán một mối quan hệ trong tương lai trong một khung thời gian ngắn như vậy sẽ rất khó khăn:

“Khung thời gian đặt ra trước mắt cho Liên minh châu Âu và Anh sẽ rất thách thức. Hai bên phải làm việc sớm nhất có thể. Anh và Liên minh châu Âu sẽ tận dụng tối đa thời gian ngắn sẵn có”

Các nhà lãnh đạo châu Âu hi vọng sẽ bắt đầu ngay các cuộc đối thoại về giai đoạn 2 với Anh vào đầu tháng 2.

Cuộc tổng tuyển cử năm 2019 sẽ định hình nước Anh trong tương lai, đặt dấu chấm hết cho việc nước Anh như là một quốc gia thành viên EU. Tuy nhiên với mối liên kết gần 5 thập kỉ giữa hai bên, sợi dây ràng buộc này vẫn còn chặt chẽ và đây cũng là thách thức lớn của đảng Bảo thủ chèo lái con thuyền nước Anh vượt qua sóng gió của Brexit./.

Phạm Hà/VOV1
Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/sau-khi-thang-lon-thu-tuong-anh-tang-toc-phe-chuan-thoa-thuan-brexit-990602.vov