Sau khoảng lặng dài nửa thập kỷ, Đồng Lan làm 'điều bất ngờ' với nhạc Trịnh

Đồng Lan sau những lần gây ấn tượng đặc biệt tại Bài hát Việt, Giọng hát Việt và ra 2 album là khoảng lặng dài nửa thập kỷ. Tất nhiên cô vẫn đi hát, và âm thầm chuẩn bị cho sự trở lại - hoành tráng thì chưa biết, nhưng chắc chắn tươi mới. Cô đang ấp ủ chuyến xuyên Việt cùng 3 nghệ sĩ Pháp mang jazz tới tận những cánh đồng, những trại mồ côi...

Đồng Lan tại Hà Nội tháng 12/2018Ảnh: Nguyễn Mạnh Hà

Đồng Lan tại Hà Nội tháng 12/2018Ảnh: Nguyễn Mạnh Hà

Quà cho người đến trễ
Một ca sĩ ở Việt Nam ra album nhạc Trịnh là điều rất thường. Nhưng Lan thì khác, cô chuyển nhạc Trịnh thành jazz, cho dịch lời sang tiếng Pháp… Những người phối khí và chơi nhạc cho cô vì là người Pháp nên không bị một định kiến nào trước đó về nhạc Trịnh chi phối. Họ làm nên một tinh thần âm nhạc tự do, rất Âu. Và Đồng Lan cũng đầy tự do bơi trong đó. Thế là Lan từ vị trí một người hát nhạc Pháp đang trở thành người làm nhạc Pháp.
Chưa hết, cô đang ém một album nhạc bolero phối theo phong cách jazz cùng một album tự sáng tác cũng chơi theo lối jazz. Tất cả đều hợp tác với ê-kip nước ngoài. Với bản năng lạ hóa mọi thứ, kể cả khi hát pop, Lan cũng chưa bao giờ chịu giống bản nhạc và giống người đi trước.
Tên Đồng Lan hay được chiết tự thành “cánh đồng hoa”. Tôi thì thấy cô giống dòng nước. Dòng nước ấy mỗi khi vượt qua một trở ngại, lại lớn rộng thêm lên. Thì đâu ai ngờ một cô gái sinh ra tại một làng quê ở Kim Thành, Hải Dương, không qua trường lớp chính quy về âm nhạc một ngày lại sang tận Pháp, Mỹ để ra đĩa. Nếu cô ấy có “đại gia” đứng sau thì chả nói làm gì. Nhưng Đồng Lan chỉ có giọng hát không chịu cũ mòn và một tinh thần không lùi bước, kiểu việc của nước là chảy.

Đĩa Trịnh Jazz của Đồng Lan sẽ phát hành đầu năm nay dưới dạng CD và đĩa than Ảnh: Vntage Foto

Trước khi được biết đến rộng rãi qua The Voice, Đồng Lan đã chuẩn bị sẵn cho sự nghiệp ca sĩ bằng một album thu với Quốc Bảo. Sau đó là album nhạc Pháp với Bảo Chấn. Để có album thứ ba, Lan đóng đô ở Paris suốt một tháng (may chị ruột lấy chồng bên đó cho ở nhờ) với một… nốt nhiệt ngay đầu lưỡi do không quen khí hậu. Nó làm cô hát trong đớn đau nhưng tất nhiên là người nghe sẽ thấy ngược lại. Để có lời Trịnh bằng tiếng Pháp, cô làm việc với Francois Brunetta- nhà thơ Pháp ở Sài Gòn. Để dịch xong bài đầu tiên Để gió cuốn đi, họ phải trao qua đổi lại đúng 4 năm. Chuyển ngữ là dịp để Lan tìm hiểu kỹ hơn về lời bài hát. Cô chịu khó hỏi han gia đình và những người bạn của nhạc sĩ để biết rằng “Còn hai con mắt khóc người một con” có nghĩa là khóc (vì) cô gái một con. Hay “Miệng cười khúc khích trên lưng” không phải là cõng nhau mà cô gái giấu mặt cười sau lưng người ngồi cạnh…Dự án jazz hóa, Pháp hóa nhạc Trịnh là một thách thức mà khi làm được, Lan cảm thấy đời ca hát có ý nghĩa. “Đằng nào cũng sống một đoạn đời, cứ chọn làm cái gì mình vui rồi chết” nghe hơi ghê nhưng phải thấy Lan nói câu đó với giọng hồ hởi và ánh mắt lấp láy thì mới hiểu hết ý cô: “Tôi thú nhận tôi sợ chết và tôi dũng cảm đối mặt với điều ấy, thành ra từ bây giờ tôi chuẩn bị cho việc chết một cách thoải mái. Vì thế tôi càng thấy đồng điệu với Trịnh Công Sơn: Mệt quá thân ta này/ Nằm xuống với đất muôn đời- rất nhẹ nhàng, mệt thì nằm thôi.”Gặp Đồng Lan lần đầu, Trịnh Vĩnh Trinh lập tức ký giấy miễn tác quyền cho bài Bên đời hiu quạnh (hát song ngữ Việt Pháp trong đĩa Đồng Lan Rose) và nói: “Ồ anh Sơn mà gặp em sẽ rất quý em đấy!” Vài người bạn thân của nhạc sĩ cũng chép miệng: “Em vào Sài Gòn trễ quá. Nếu gặp chắc chắn hai bên sẽ rất yêu thương nhau”.

Sợ và ước mơ
Lan nhớ ngày cô vác ba lô vào TP.HCM là 16/9/2010 sau khi từ bỏ công việc truyền thông và trước đó là giáo viên mầm non- chiều ý mẹ. Ở Hà Nội, cô đã có kinh nghiệm đi diễn cùng ban nhạc Lãng Du. Vào thành phố của phòng trà, Lan như cá gặp nước, có khi chạy 6-8 chỗ/đêm. Biệt tài hát tiếng Pháp góp phần khiến cô đắt hàng.
Tuy nhiên cô không khỏi thấy cô đơn nơi đất lạ, và bỗng nghĩ: “Lỡ mai mình chết thì sao nhỉ, lãng xẹt. Mình chết thì thôi, mình đâu thấy gì đâu nhưng mẹ mình buồn…” Bố Lan- thầy dạy nhạc đầu tiên của cô mất khi Lan còn nhỏ. Cô lại lẩn thẩn hình dung một ngày nắng, mẹ ngồi chờ mình bên mâm cơm mà cô thì đã ở thế giới khác… “Hình ảnh đẹp và buồn, nghĩ đến thôi tôi đã đau hết người. Giờ vẫn thấy sợ,” Lan nhớ. Nỗi sợ vu vơ đó làm bật lên câu hát về sau là điệp khúc của Sợ chết. Trước đó, Lan cũng có viết nhưng không tự tin với những gì mình viết ra. Việc bài hát đầu tay được giải cao tại Bài hát Việt làm cô hết “sợ viết”. Sau khi được làm đúng việc mình thích, cô lại “ước gì mình hát ít đi mà mỗi lần hát nhiều tiền hơn”. Lan đi thi The Voice và ước mơ thành hiện thực.

“Tôi tôn thờ vẻ đẹp tự nhiên. Với tôi: Xấu là một vẻ đẹp tự nhiên. Thiên nhiên rất hài hòa, chỉnh cái gì cũng bị sai, trừ khi răng bị sâu thì làm. Mình nên biết yêu cơ thể mình, yêu tất cả những cái mình đang có. Nếu ngay mình còn không yêu mình thì ai có thể yêu mình đây?!”
Đồng Lan

Nhưng mục tiêu của cô giờ là: “Tôi có những cơ hội để có nhiều tiền hơn, nổi tiếng hơn, nhưng tôi quyết định đến đâu là đủ và chọn có thêm thời gian để tận hưởng. Cả cuộc đời tôi sẽ đi theo hạnh phúc. Mà muốn hạnh phúc thì phải tự do. Muốn tự do thì phải không thấy sợ.” Sau Sợ chết, Lan viết Sợ yêu, rồi Đừng yêu một mình để không còn sợ thất tình…Riêng bài Sợ cưới vẫn chưa thấy... Lan cho hay: “Có thể tôi sẽ không lấy chồng dù cũng muốn, nếu gặp ai đấy dụ dẫn được mình. Nếu không thì thôi. Tôi cưới anh Âm Nhạc rồi.” Chưa kể ngoài ra, cô còn dan díu với thơ, với họa. Hẹn sẽ ra hai tập tranh thơ và ảnh thơ. Lan có kiểu nhớ lời bằng tranh. Với mỗi câu hát, cô hình dung ra một bức tranh. Hát cả bài là một chuỗi tranh chạy trong đầu. Bức tranh đắt nhất của Lan có giá 3000E trong một buổi đấu giá từ thiện. Thêm căn cứ cho mơ mộng sau này không hát được thì bán tranh, để “các đồng nghiệp đỡ phải kêu gọi từ thiện cho Đồng Lan về già”. Còn lý do làm thơ: “Nhật ký lỡ ai đọc được thì lộ. Viết thơ người ta đọc cũng đâu hiểu rõ chuyện gì. Thơ là một cách rất hay và… khôn để giữ cảm xúc và sự riêng tư của mình mà vẫn chia sẻ được”. Hiện cô đang học đàn tranh và sẽ tìm hiểu thêm về chầu văn, cải lương… để pha trộn với jazz.Đồng Lan vẫn mơ ước đi vòng quanh thế giới, gặp gỡ nhiều người, nhiều nền văn hóa để có nhiều chất liệu cho nghệ thuật. Trước mắt là kế hoạch du học ở Pháp về jazz. “Khi suy nghĩ của mình đủ mạnh, nó sẽ biến thành hành động. Ước mơ đã và đang dẫn tôi đi…”- và Đồng Lan vẫn tiếp tục mơ ước. Vì với cô, ước mơ là lý do để tồn tại.

NGUYỄN MẠNH HÀ

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giai-tri/sau-khoang-lang-dai-nua-thap-ky-dong-lan-lam-dieu-bat-ngo-voi-nhac-trinh-1373417.tpo