Sau loạt sai phạm, công viên Tuổi trẻ Thủ đô khi nào được hồi sinh?

Dự án công viên Tuổi trẻ Thủ đô được xây dựng từ năm 2002 đến năm 2006 và dự kiến sẽ trở thành 'lá phổi xanh' của Thủ đô. Tuy nhiên, sau gần 20 năm xây dựng, hiện các hạng mục của công viên xuống cấp nghiêm trọng.

Là một trong những công viên được đông đảo người dân Thủ đô nói riêng và quận Hai Bà Trưng nói chung chờ đợi, công viên Tuổi trẻ Thủ đô được Hà Nội phê duyệt năm 2000 với quy mô 26,4ha, tổng mức đầu tư 280 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2002 – 2006. Đến năm 2010, Hà Nội điều chỉnh quy hoạch công viên theo hướng trở thành Trung tâm Thanh thiếu niên.

Đến năm 2016, Hà Nội quyết định chuyển giao công viên thuộc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Dịch vụ Tuổi trẻ (Tổng công ty Du lịch HN) sang Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội quản lý.

Năm 2020 Thanh tra Hà Nội đã công bố kết luận thanh tra toàn diện đối với dự án này và cho biết, có tới 14 hạng mục công trình có sai phạm về quy hoạch, sai giấy phép, được cấp phép khi chưa được giao đất, vi phạm về quy hoạch, trật tự xây dựng.

Cầu thang dẫn lên khu vực vòng quay mặt trời được nhập từ Nhật Bản về gần 20 năm bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng trong công viên Tuổi trẻ Thủ đô.

Cầu thang dẫn lên khu vực vòng quay mặt trời được nhập từ Nhật Bản về gần 20 năm bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng trong công viên Tuổi trẻ Thủ đô.

Theo đó 14 hạng mục công trình sai quy hoạch, sai giấy phép xây dựng như: Nhà hàng Queen Bee, khu nhà văn phòng công ty, khu văn phòng trung tâm hợp tác lao động quốc tế, hai sân tennis ngoài trời, sân bóng đá mini, nhà dịch vụ sân bóng đá mini, các điểm trông giữ xe ngày đêm, mái che sân tennnis, nhà hát ngoài trời có mái che Cung Xuân, bể bơi ngoài trời...

Sau 3 năm công bố kết luận thanh tra, tất cả các hạng mục sai phạm vẫn chưa được khắc phục và chưa biết bao giờ người dân Thủ đô mới được hưởng những tiện ích từ công trình từng được mong ước, đợi chờ này.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã yêu cầu các đơn vị xử lý dứt điểm tồn tại của công viên Tuổi trẻ Thủ đô. Đồng thời, phân công rõ việc, rõ trách nhiệm của từng cá nhân đối với từng phần việc, quyết tâm trong thời gian từ nay đến tháng 9/2023.

Người đứng đầu TP. Hà Nội cho rằng, vi phạm của công viên Tuổi trẻ Thủ đô đã kéo dài nhiều năm nên các cấp, ngành, đến cơ sở cùng vào cuộc để xử lý. Nguyên nhân trước hết là do chưa xác định rõ trách nhiệm pháp lý, hồ sơ, tài liệu, chứng từ không đầy đủ, không được xác lập đúng quy định, gây khó khăn cho việc xác định nguồn gốc hình thành tài sản...

Cảnh nhếch nhác là điều dễ nhận thấy tại công viên Tuổi trẻ Thủ đô.

Tại Hội nghị Giao ban trực tuyến với lãnh đạo quận, huyện, thị xã quý I/2023, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, hiện Hà Nội có 63 công viên, vườn hoa phục vụ công ích do thành phố và UBND cấp huyện quản lý theo phân cấp. Ngoài ra, còn có các công viên, vườn hoa do các chủ đầu tư dự án tại các khu đô thị tự quản lý.

Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục tập trung nguồn lực, khẩn trương thực hiện cải tạo, nâng cấp đồng bộ các công viên theo kế hoạch để phục vụ nhân dân theo hướng tạo công viên mở phù hợp với hiện trạng công viên và khu vực liền kề. Đối với các dự án xã hội hóa, thành phố chỉ đạo đôn đốc nhà đầu tư hoàn thành việc đầu tư các công viên, vườn hoa theo dự án đầu tư đã được phê duyệt..

Hiện đông đảo người dân Hà Nội mong muốn, với sự vào cuộc quyết liệt của UBND TP. Hà Nội cùng các cơ quan chức năng, công viên Tuổi trẻ Thủ đô sẽ sớm được hồi sinh và hứa hẹn đây sẽ là điểm đến lý tưởng của người dân, du khách vui chơi, giải trí. Đồng thời khi công viên này đi vào hoạt động sẽ góp phần lớn trong việc giải bài toán "khát" điểm vui chơi cho thành phố.

Dưới chân trụ của vòng quay mặt trời được bọc dây thép gai để ngăn người dân trèo lên.

Công trình này được nhập từ Nhật Bản 16 năm qua nhưng thời gian sử dụng không nhiều khiến nhiều chi tiết bị hư hỏng, rỉ sét.

Khu cầu trượt ống nước thuộc khu vực công viên nước cũng bị xuống cấp nghiêm trọng sau hơn 10 năm để không.

Không chỉ thế, nhiều hạng mục như: đường nội bộ, khu vườn hoa, cây xanh cũng bị "bỏ rơi" suốt nhiều năm.

Nhiều khu vực trống được tận dụng làm bãi trông giữ xe trái phép.

Nhiều vật liệu bị vứt bỏ nằm khắp nơi trong khu vực công viên.

Thậm chí người dân còn tranh thủ đưa quán trà đá để kinh doanh trong công viên.

Khu vực nhà nổi kiên cố qua hồ Thanh Nhàn nằm trong danh mục sai phạm bỏ trống nhiều năm nay.

Hiện đông đảo người dân Thủ đô mong mỏi công viên sớm được khắc phục sai phạm, cải tạo để đi vào hoạt động.

Chuyên Gia Tiết Lộ Những Bệnh Phụ Khoa Thường Gặp Ở Nữ Giới | SKĐS

Thu Hồng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/sau-loat-sai-pham-cong-vien-tuoi-tre-thu-do-khi-nao-duoc-hoi-sinh-169230405120446976.htm