Sau màn xuất hiện gây sốc tại G7, Ngoại trưởng Iran đạt được gì từ bất đồng Mỹ-châu Âu?

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã rời G7 với những mơ hồ về tiến triển đạt được trong những nỗ lực giảm căng thẳng giữa Washington và Tehran.

Hôm Chủ nhật (25/8), sự xuất hiện của Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif bên lề thượng đỉnh G7 đang diễn ra tại Pháp, được chính Nhà Trắng miêu tả là một động thái ngoại giao bất ngờ.

Kể từ khi Tổng thống Donald Trump rút Washington khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 và tái áp dụng trừng phạt lên nền kinh tế Iran, giới lãnh đạo châu Âu đã có nhiều nỗ lực để xoa dịu những căng thẳng leo thang giữa Washington và Tehran.

Sau khi bay tới Biarritz, ông Zarif – người đang có tên trong danh sách trừng phạt của Mỹ, đã có các cuộc nói chuyện dài hơn ba tiếng đồng hồ, bao gồm với cả Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

"Quãng đường phía trước còn khó khăn. Nhưng đáng để thử", ông Zarif viết trên Twitter, đồng thời cho hay, bên cạnh nhà lãnh đạo Pháp, ông còn gặp gỡ các quan chức đến từ Đức và Anh.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif (ảnh: getty)

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif (ảnh: getty)

Giới chức Pháp ca ngợi cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Iran và Tổng thống Macron là sự kiện quan trọng, giúp tháo ngòi khủng hoảng sau khi các nhà lãnh đạo G7 đã thảo luận về vấn đề Iran trong bữa tối vào thứ Bảy (24/8).

"Nội dung thảo luận giữa Tổng thống và ông Zarif rất tích cực và sẽ được tiếp tục", một quan chức Pháp nói.

Thỏa thuận hạt nhân 2015 giữa Iran và các cường quốc thế giới đặt ra mục tiêu thu hẹp các hoạt động hạt nhân của Iran, nhằm đổi lấy việc dỡ bở nhiều trừng phạt quốc tế đối với Tehran.

Kể từ khi Washington rời đi vào năm ngoái, Tổng thống Trump đã thực thi chính sách gây sức ép tối đa, với hy vọng có thể ép Iran tham gia quá trình thương lượng mới, gồm chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và các hoạt động khu vực của Cộng hòa Hồi giáo.

Trong khi các đồng minh châu Âu của ông Trump một mặt cũng muốn các cuộc đàm phán mới với Iran, mặt khác, họ tin rằng cần phải duy trì thỏa thuận hạt nhân.

Trước khi G7 diễn ra, hôm thứ Sáu (23/8), Tổng thống Macron cũng từng gặp gỡ Ngoại trưởng Zarif tại Paris. Hai ông đã thảo luận về các đề xuất giảm leo thang căng thẳng giữa Washington và Tehran, như dỡ bỏ một số trừng phạt của Mỹ hoặc cung cấp cho Iran cơ chế đền bù kinh tế để bù đắp cho phần lợi nhuận từ dầu mỏ bị thất thu do trừng phạt…

Một chiếc phi cơ của Cộng hòa Hồi giáo Iran đỗ tại sân bay Biarritz, Pháp trong thời gian diễn ra thượng đỉnh G7 (ảnh: Reuters)

Không có tiến triển về trừng phạt dầu mỏ

Bất chấp cuộc gặp gỡ kéo dài hai tiếng đồng hồ giữa Tổng thống Macron và người đồng cấp Trump trong một bữa trưa ngoài lịch trình ngày 24/8, cũng như việc cả bảy nhà lãnh đạo đều thảo luận về chính sách với Iran vào buổi tối cùng ngày, có vẻ như Tổng thống Mỹ không đồng ý với việc cắt giảm trừng phạt dầu mỏ như những gì ông Macron mong muốn.

Một nhân viên ngoại giao châu Âu cho hay, các nhà lãnh đạo châu Âu đã không thể thuyết phục Tổng thống Trump.

Hôm Chủ nhật, ông Trump một lần nữa gạt bỏ các nỗ lực của phía Pháp nhằm hòa giải quan hệ với Iran khi tuyên bố, ông hài lòng với việc người đồng cấp Macron liên hệ với Tehran để tháo ngòi căng thẳng, nhưng Mỹ sẽ tự triển khai các sáng kiến của mình.

Quãng đường phía trước còn khó khăn. Nhưng đáng để thử.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif

Chiều thứ Hai (26/8), theo dự kiến, hai ông Trump và Macron sẽ có cuộc họp báo chung bế mạc thượng đỉnh.

Nhà Trắng cho hay, lời mời của Tổng thống Macron dành cho ông Zarif đã khiến ông Trump ngạc nhiên và không có quan chức Mỹ nào gặp gỡ với Ngoại trưởng Iran tại G7. Theo Điện Elysee, phái đoàn Mỹ đã được thông báo vào phút cuối, nhưng mọi thứ diễn ra rất nhanh chóng.

"Ngoại trưởng Zarif sẽ chuyển tải lời phản hồi của chính giới Iran đối với đề nghị của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hướng tới mục đích cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran 2015", một quan chức cấp cao Iran nói với hãng tin Reuters.

Nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt của Mỹ cũng như việc các cường quốc châu Âu là Pháp, Anh và Đức không thể đền bù cho những tổn thất của Iran, Tehran đã thực hiện một loạt động thái, bao gồm cả dừng tuân theo một vài cam kết giới hạn hoạt động hạt nhân.

Cũng trong ngày 25/8, hai quan chức và một nhân viên ngoại giao Iran đã chia sẻ với Reuters về những thách thức liên quan tới xoa dịu căng thẳng hiện tại. Cụ thể, Iran muốn xuất khẩu tối thiểu 700.000 thùng dầu/ngày và lý tưởng là 1,5 triệu thùng/ngày nếu phương Tây muốn thỏa thuận với Tehran để duy trì thỏa thuận 2015.

Một quan chức Iran khẳng định, chương trình tên lửa đạn đạo của nước này không phải là thứ để đàm phán.

Trong khi đó, Mỹ chưa đưa ra bất kỳ tín hiệu nào cho thấy họ sẽ thu hẹp trừng phạt. Bên cạnh đó, cũng chưa rõ cơ chế đền bù nào mà ông Macron muốn áp dụng với Iran, đặc biệt trong bối cảnh đề xuất về một kênh thương mại cho trao đổi hàng hóa nhân đạo và thực phẩm với Iran, vẫn chưa thành công.

Người đứng đầu nước Pháp còn nhấn mạnh, đổi lại bất kỳ nhượng bộ nào, ông hy vọng Iran sẽ tuân thủ hoàn toàn hiệp ước hạt nhân và tham gia các cuộc thương lượng mới.

"Điều đó là chưa từng có trong tiền lệ và nhìn vào tình huống hiện tại, nó khá là táo bạo", một nhà ngoại giao Pháp nhận định về những nỗ lực của Tổng thống Macron.

Phương Đỗ

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/sau-man-xuat-hien-gay-soc-tai-g7-ngoai-truong-iran-dat-duoc-gi-tu-bat-dong-my-chau-au-20190826112459421.htm