Sau NAFTA, Mỹ khai màn định hình thương mại EU, Nhật, Anh

Mỹ có ý định tiến hành các cuộc đàm phán riêng rẽ về các hiệp định thương mại với Anh, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản.

Các quan chức Mỹ ngày 16/10 đã đưa ra tuyên bố về các cuộc đàm phán riêng rẽ hiệp định thương mại với Anh, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản như một phần nỗ lực của chính quyền Tổng thống Donald Trump để tái cân bằng thương mại toàn cầu.

Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết chính quyền Mỹ đã thông báo cho Quốc hội về ý định đàm phán ba hiệp định thương mại riêng biệt.

"Chúng tôi cam kết kết thúc các cuộc đàm phán này với các kết quả kịp thời và có ý nghĩa đối với người lao động, nông dân, người chăn nuôi và doanh nghiệp Mỹ", ông Lighthizer cho biết trong một tuyên bố.T

Tổng thống Trump đã nhiều lần chỉ trích thâm hụt thương mại của Mỹ với các nền kinh tế khác của thế giới/. (Nguồn: AP)

Động thái này theo sau tiến trình đàm phán lại của chính quyền Trump về Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ với Canada và Mexico, điều chỉnh một số nội dung mà ông Trump cho là giao thương không cân bằng.

Trong thông báo tới Quốc hội về ý định đàm phán với Nhật Bản và EU, ông Lighthizer đã nêu ra "sự mất cân bằng thương mại kinh niên của Mỹ" và cho biết các nhà xuất khẩu Mỹ đã vấp nhiều "khó khăn" lâu dài từ hàng rào thuế quan và phi thuế quan ở Nhật Bản và châu Âu.

Mục tiêu đàm phán, ông nói, là hướng tới thương mại "công bằng hơn, cân bằng hơn" với các đối tác của Mỹ. Quan chức này cũng cho biết, Mỹ tìm kiếm một thỏa thuận thương mại với Anh ngay khi nước này rời khỏi EU vào năm 2019.

Bức thư gửi Quốc hội cho biết, Washington sẽ hướng tới giải quyết các rào cản thuế quan và phi thuế quan và đạt được "thương mại tự do, công bằng và đối ứng" với Vương quốc Anh.

Tổng thống Trump cho tới nay đã thể hiện lập trường cứng rắn với các đối tác thương mại Mỹ để hướng tới giảm thâm hụt thương mại.

Vào tháng 5, ông Trump đã yêu cầu Bộ Thương mại phân tích về khả năng áp thuế lên tới 25% đối với ô tô và phụ tùng ô tô từ nước ngoài nhập vào Mỹ, một viễn cảnh báo động đối với ngành công nghiệp ô tô và có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho Nhật Bản và châu Âu.

"Chúng ta cần phải làm việc cùng nhau để xóa bỏ và giải quyết các tranh chấp thương mại hiện tại," Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF Christine Lagarde cho biết tại một cuộc họp của IMF và Ngân hàng thế giới WB ở Bali tuần trước.

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/sau-nafta-my-khai-man-dinh-hinh-thuong-mai-eu-nhat-anh-2018101711024129.htm