Sâu răng: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa

Bất cứ ai cũng có nguy cơ sâu răng, kể cả người trưởng thành. Đó là những vùng bị tổn thương vĩnh viễn trên bề mặt răng, phát triển thành những lỗ nhỏ li ti trên răng.

Nội dung

1. Tổng quan về sâu răng

2. Nguyên nhân gây sâu răng

3. Triệu chứng sâu răng

4. Điều trị sâu răng

5. Cách phòng ngừa sâu răng

Sâu răng do sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm vi khuẩn trong miệng, ăn vặt thường xuyên, nhâm nhi đồ uống có đường và vệ sinh răng miệng kém.

Đối tượng dễ mắc sâu răng: Trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn tuổi. Nếu sâu răng không được điều trị, chúng sẽ phát triển lớn hơn và ảnh hưởng đến các lớp cấu trúc răng, dẫn đến đau răng nghiêm trọng, nhiễm trùng và mất răng.

1. Tổng quan về sâu răng

Răng được cấu tạo bởi các thành phần vô cơ và hữu cơ, gồm có lớp men răng phủ ngoài thân răng, lớp ngà răng ở thân răng và chân răng, lớp tủy răng trong cùng chứa mạch máu và thần kinh cung cấp dinh dưỡng và cảm giác cho răng.

Men răng là bộ phận cứng nhất và giòn nhất của cơ thể, bao gồm chủ yếu là những hợp chất phospho, calci dưới dạng apatit là hydroy apatit, chiếm 95% khối lượng vô cơ của men răng. Ngà răng là lớp mô cứng phía trong, thường có màu vàng nhạt, có độ đàn hồi cao, xốp và có tính thấm.

Sâu răng do sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm vi khuẩn trong miệng, ăn vặt thường xuyên, nhâm nhi đồ uống có đường và vệ sinh răng miệng kém.

Khác với các mô và cơ quan khác, răng không chứa tế bào sống nên không thể tự hồi phục. Do vậy răng đã bị sâu sẽ mang tổn thương vĩnh viễn. Người bệnh bắt buộc cần điều trị tại nha khoa để bảo tồn răng sâu. Nếu không sâu răng sẽ càng lan rộng, gây ảnh hưởng tới sức khỏe và cuộc sống.

Tổn thương sâu răng là quá trình phức tạp bao gồm các phản ứng hóa lý liên quan đển sự di chuyển các ion bề mặt giữa răng và môi trường miệng, là quá trình sinh học giữa các vi khuẩn mảng bám với cơ chế bảo vệ của vật chủ.

Những ai dễ mắc sâu răng?

Người vệ sinh răng miệng kém, lười đánh răng, súc miệng.
Người bị khô miệng, ít tiết nước bọt do bệnh lý, bẩm sinh hoặc ảnh hưởng của thuốc.
Trẻ bú sữa, uống nước trái cây hoặc ăn kẹo ngọt trước khi đi ngủ.
Người lớn tuổi bị mòn răng, tụt nướu làm lộ chân răng.
Người bị gãy vỡ răng do nhai vật cứng hoặc tai nạn.

2. Nguyên nhân gây sâu răng

- Các dạng mảng bám: Mảng bám răng là một màng dính trong suốt bao phủ răng. Chúng hình thành do ăn nhiều đường, tinh bột và vệ sinh răng miệng không kỹ. Khi đường và tinh bột không được làm sạch khỏi răng, vi khuẩn sẽ nhanh chóng tấn công bề mặt răng và hình thành mảng bám. Mảng bám trên răng cứng lại bên dưới hoặc bên trên đường viền nướu, hình thành cao răng. Cao răng làm cho mảng bám khó loại bỏ hơn và tạo lá chắn cho vi khuẩn.

- Các axit trong mảng bám: Axit sản sinh từ quá trình chuyển hóa đường và tinh bột của vi khuẩn trong mảng bám làm mất khoáng chất trong men răng, bên ngoài bề mặt răng. Sự ăn mòn này gây ra những lỗ li ti hoặc lỗ nhỏ trên men răng. Từ vùng men răng bị mòn, vi khuẩn và axit có thể xâm nhập vào lớp tiếp theo là ngà răng. Lớp này mềm hơn men răng và dễ bị tấn công hơn. Ngà răng có các ống nhỏ thông trực tiếp với dây thần kinh của răng gây ra tình trạng nhạy cảm, ê buốt.

- Vi khuẩn và axit tấn công tủy răng: khi sâu răng phát triển, vi khuẩn và axit tiếp tục tấn công sâu vào cấu trúc răng, qua ngà răng đến tủy – nơi chứa dây thần kinh và mạch máu. Nướu sưng tấy và bị kích ứng do vi khuẩn, vết sưng lan rộng bên trong răng, dây thần kinh bị chèn ép, gây đau. Cảm giác khó chịu thậm chí có thể lan ra ngoài chân răng đến tận xương.

3. Triệu chứng sâu răng

Có 2 giai đoạn sâu răng đó là: giai đoạn sớm chưa hình thành lỗ sâu và giai đoạn sau đã hình thành lỗ sâu.

Triệu chứng thực thể:

- Vị trí: Các mặt răng, tỷ lệ tổn thương ở các vị trí còn phụ thuộc vào từng độ tuổi hay loại răng.

- Lỗ sâu: Đáy gồ ghề, đổi màu, màu sắc thay đổi tùy thuộc vào giai đoạn tiến triển của tổn thương.

- Sâu răng đang tiến triển: Đáy lỗ sâu mềm, nhiều ngà mủn.

- Sâu răng đã ổn định: Đáy lỗ sâu cứng, nâu đen.

- Đau răng: Răng nhạy cảm.

- Đau nhẹ hoặc buốt cả răng khi ăn hoặc uống đồ ngọt, nóng hay lạnh.

- Lỗ sâu có thể thấy được hoặc những cái hố lõm trong răng.

4. Điều trị sâu răng

Y học hiện đại cho thấy, việc điều trị sâu răng hiện nay có rất nhiều phương pháp. Cụ thể là:

Điều trị sâu răng bằng Florua.
Trám răng.
Bọc răng sứ.
Điều trị tủy răng.
Tái khoáng cho răng: Việc tái tạo khoáng cho răng mới chớm bị sâu thường được thử thực hiện bằng cách cải thiện việc chăm sóc tại nhà, làm sạch, kê đơn kem đánh răng có hàm lượng florua cao và sử dụng nhiều loại florua tại phòng khám nha khoa.
Phục hồi răng. Điều trị sâu răng đã tiến triển đến ngà răng là khoan sạch tổ chức sâu, sau đó hàn lỗ sâu lại.
Nhổ răng. Một số răng bị sâu răng nghiêm trọng đến mức chúng không thể phục hồi và phải được loại bỏ. Nhổ răng có thể để lại một khoảng trống sẽ làm cho các răng khác bị dịch chuyển, xô lệch.

Sâu răng nếu không được chữa trị kịp thời sẽ gây nhiều biến chứng và tốn kém cũng như ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, đời sống của người bệnh.

5. Cách phòng ngừa sâu răng

Sâu răng nếu không được chữa trị kịp thời sẽ gây nhiều biến chứng và tốn kém cũng như ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và đời sống của người bệnh. Vậy nên bạn hãy thực hiện các phương pháp phòng ngừa dưới đây.

Đánh răng thường xuyên: sử dụng kem đánh răng có chứa florua, đánh răng ít nhất 2 lần 1 ngày, lý tưởng nhất là sau mỗi bữa ăn.
Dùng nước súc miệng có chứa florua.
Thăm khám nha khoa thường xuyên
Tránh ăn vặt và nhấm nháp thường xuyên, nhất là ăn đêm vì điều này sẽ giúp vi khuẩn trong miệng tạo ra axit có thể phá hủy men răng.
Nhai kẹo cao su không đường cùng với florua theo toa và nước súc miệng kháng khuẩn có thể giúp giảm nguy cơ sâu răng.
Sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng ít nhất một lần một ngày.

BS. Trịnh Thu Hoa

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/sau-rang-nguyen-nhan-trieu-chung-dieu-tri-va-cach-phong-ngua-169240510214542739.htm