Sầu riêng bị cảnh báo vượt dư lượng chất cadimi: Phải bảo vệ thương hiệu sầu riêng Việt Nam

Mặc dù các lô hàng sầu riêng nhiễm cadimi bị cảnh báo chỉ chiếm 0,1% tổng số lô hàng được xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng việc liên tiếp phát hiện vi phạm đã ảnh hưởng đến thương hiệu sầu riêng của Việt Nam.

Trước khi nguyên nhân và quá trình nhiễm kim loại nặng được làm rõ, các doanh nghiệp cần chủ động kiểm tra các lô hàng của mình để tránh ảnh hưởng đến kinh doanh cũng như uy tín của ngành hàng.

Chưa xác định được nguyên nhân nhiễm cadimi

Liên quan đến nguyên nhân 30 lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị Tổng cục Hải quan Trung Quốc cảnh báo vì nhiễm cadimin, ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng hợp tác quốc tế (Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, ngay khi nhận được thông tin này, cục đã có văn bản đề nghị các đơn vị liên quan điều tra làm rõ nguyên nhân.

Xuất khẩu sầu riêng càng nhiều càng phải chú trọng chất lượng.

Theo ông Hiếu, hiện nay, chưa rõ nguyên nhân chính xác dẫn đến hàm lượng kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định có thể do nhiều nguyên nhân như do nguồn đất bị nhiễm cadimi hoặc do nguồn nước, khí thải từ nhà máy. Cũng có thể do sau thu hoạch, nguồn nước rửa sản phẩm nhiễm cadimi. Đáng chú ý, 30 lô hàng sầu riêng nhiễm cadimi vượt ngưỡng không phải phía Trung Quốc phát hiện cùng một lúc mà đây là số liệu phía bạn tổng hợp từ tháng 5/2023 và chỉ chiếm 0,1% tổng số lô hàng sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc.

“Tuy chưa ảnh hưởng đến xuất khẩu nhưng đây là thông tin cảnh báo những nhà sản xuất tại Việt Nam. Hiện các doanh nghiệp, địa phương đang truy xuất nguồn gốc, làm rõ nguyên nhân từng lô hàng để báo cáo về Cục. Do đó chưa thể xác định nguyên nhân chính xác để đưa ra khuyến cáo cụ thể về các biện pháp phòng tránh nguy cơ nhiễm cadimi trên sầu riêng”, ông Hiếu thông tin.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đánh giá, sầu riêng là cây trồng phát triển rất nóng trong thời gian vừa qua. Năm 2023, xuất khẩu sầu riêng đạt hơn 2,2 tỷ USD. Các yêu cầu về vùng nguyên liệu, gắn với mã vùng trồng, mã đóng gói và sơ chế, chế biến, xúc tiến thương mại đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo xuyên suốt trong năm 2023. Ông Tiến nhấn mạnh, ngày càng nhiều lô hàng nông sản được xuất khẩu thì vấn đề chất lượng và thương hiệu càng phải được chú ý và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao Cục Bảo vệ thực vật rà soát lại, xem xét, tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân và đưa ra các giải pháp để đạt yêu cầu của thị trường Trung Quốc cũng như các thị trường khác mà nông sản Việt Nam có tiềm năng và lợi thế.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, tính đến thời điểm này, sầu riêng của nước ta đã xuất khẩu tới 24 thị trường, trong đó thị trường Trung Quốc chiếm trên 90% tổng kim ngạch xuất khẩu. Năm ngoái, xuất khẩu sầu riêng đạt 2,1 tỷ USD, trở thành mặt hàng quan trọng nhất trong các sản phẩm rau quả của Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian qua, sầu riêng Việt Nam liên tục bị cảnh báo vượt dư lượng đang tạo nên nỗi bất an cho toàn ngành.

Ngoài thị trường Trung Quốc, theo thông tin từ Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh dịch tễ và Kiểm dịch Động thực vật Việt Nam, cách đây 1 tháng, châu Âu cũng thông báo chính thức giám sát sầu riêng tại cửa khẩu. Vào tháng 10/2023, Nhật Bản cũng buộc phải tiêu hủy 1,4 tấn sầu riêng nhập khẩu từ Việt Nam. Nguyên nhân là cơ quan kiểm dịch nước này phát hiện sản phẩm tồn dư hoạt chất procymidone với hàm lượng 0,03 ppm, trong khi tiêu chuẩn cho phép là 0,01 ppm. Đây là hoạt chất có trong thuốc trừ sâu có tác dụng diệt nấm mốc. Hiện tại, Nhật Bản đã áp dụng quy định kiểm dịch tất cả sầu riêng nhập khẩu từ Việt Nam.

Doanh nghiệp nên chủ động kiểm tra nồng độ cadimi

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, việc sầu riêng bị cảnh báo vượt dư lượng chất cadimi là vấn đề nghiêm trọng, cần xem xét và điều tra nguyên nhân kỹ lưỡng. Qua câu chuyện này cho thấy, Trung Quốc đã bắt đầu kiểm soát chặt hơn vấn đề chất lượng sản phẩm.

“Thực chất Trung Quốc đã kiểm nghiệm chất lượng sầu riêng Thái Lan từ lâu. Còn Việt Nam sau một năm xuất khẩu tăng mạnh, nay phía bạn dần siết chặt hơn do đây là mặt hàng có giá trị cao nên họ yêu cầu phải đảm bảo an toàn thực phẩm. Cơ quan chức năng cần tiến hành điều tra kỹ nguyên nhân. Các doanh nghiệp cần kiểm soát chặt chất lượng, trước khi xuất khẩu, trong đó cần thiết có thể kiểm nghiệm đạt chuẩn trước rồi mới tiến hành thu mua, tránh ảnh hưởng đến thương hiệu sầu riêng Việt Nam”, ông Nguyên khuyến cáo.

Còn theo ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam thông tin, cadimi là kim loại nặng, không tự hòa tan được trong môi trường đất. Nếu sản phẩm chứa nhiều cadimi khi bón vào trong đất sẽ không được hòa tan và gây tồn dư trong đất, tác động đến dinh dưỡng cây trồng. Về bản chất, cadimi là chất độc nhưng vẫn được sử dụng theo ngưỡng nhất định theo quy định của các nước. Đồng thời đây là chất có sẵn ở trong đất, nước và môi trường nên khi sản xuất, người dân cần hết sức chú ý.

Về phía Cục Bảo vệ thực vật cũng có khuyến cáo doanh nghiệp nên kiểm tra nồng độ cadimi để tránh xuất khẩu các lô hàng không đảm bảo, gây ảnh hưởng đến việc sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu.

Chi Linh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/sau-rieng-bi-canh-bao-vuot-du-luong-chat-cadimi-phai-bao-ve-thuong-hieu-sau-rieng-viet-nam-i727140/