Sau S-400, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục gây choáng váng với tên lửa phòng không SUNGUR?

Hệ thống tên lửa phòng không SUNGUR được gắn trên nóc xe bọc thép Vuran 4x4 do Công ty BMC của Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất, được phát triển từ năm 2013 với nhiều số liệu đến giờ vẫn chưa được công bố.

Tên lửa phòng không PORSAV xách tay. (Nguồn: Defence)

Hôm 1/7, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn mới SUNGUR sẽ sớm được đưa vào phục vụ trong các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ. Trong đoạn video về SUNGUR được phát hành, có thể thấy hệ thống tên lửa phòng không này được gắn trên nóc xe bọc thép Vuran 4x4 do Công ty BMC của Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất.

Công nghệ phóng lạnh của Liên Xô

Được triển khai từ năm 2013, nhưng các số liệu chiến kỹ thuật của hệ thống tên lửa này hiện vẫn được giữ bí mật. Theo các phương tiện thông tin đại chúng, SUNGUR được trang bị 4 ống phóng tên lửa dẫn đường hình ảnh hồng ngoại (Imager Infrared – IIR) có tên PORSAV, được hợp tác phát triển bởi các công ty Thổ Nhĩ Kỳ là ASELSAN và Roketsan, có thể tiêu diệt tên lửa hành trình, máy bay không người lái, máy bay cánh cố định bay thấp và máy bay trực thăng.

Theo các nguồn tin trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, hệ thống này có thể được sử dụng khi đang di chuyển cả vào ban ngày và ban đêm. Tháp pháo điều khiển bằng điện cũng được trang bị Hệ thống FLIR Star SAFIRE 380 HLD quang điện tử để phát hiện, sàng lọc, xác định và theo dõi các mục tiêu trên không.

SUNGUR sử dụng công nghệ phóng lạnh của Liên Xô, theo đó, tên lửa được phóng ra khỏi ống phóng bằng khí gas và động cơ tên lửa sẽ được kích hoạt sau đó, đưa đầu đạn đến mục tiêu. Phương pháp tương tự được sử dụng trong các hệ thống phòng không S-300 và S-400 của Nga. SUNGUR được cho là có thể liên lạc với Hệ thống kiểm soát chỉ huy và cảnh báo phòng không sớm (HERIKKS/Skywatcher), cho phép các thông tin và thông điệp radar bên ngoài được chuyển đến đơn vị hỏa lực để cảnh báo và báo hiệu cho xạ thủ.

Ống phóng tên lửa PORSAV có gì?

Theo nhiều đồn đoán, tên lửa PORSAV có thể được gắn đầu đạn nổ nặng 3kg và đầu đạn làm từ vonfram, cũng có thể được sử dụng làm vũ khí phòng không xách tay (Man-portable air-defense systems - MANPADS) sẽ đưa vào biên chế trong nửa cuối năm nay và sẽ dần thay thế FIM-92 Stinger của Mỹ hiện có trong trang bị của các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ.

Tên lửa PORSAV sẽ có thể bắn tiêu diệt mục tiêu trong phạm vi 4km ở tầm bắn tối đa 6km. Các chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ đã tạo ra một sản phẩm mới dựa trên công nghệ mà các kỹ sư Mỹ đã sử dụng khi tạo ra tên lửa HİSAR (một dòng các hệ thống tên lửa đất đối không từ tầm ngắn đến tầm xa được Aselsan và Roketsan phát triển từ năm 2007) và Stinger MANPADS.

Hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn SUNGUR tích hợp trên xe bọc thép của Thổ Nhĩ Kỳ. (Nguồn: Military Leak)

Ưu điểm chính của PORSAV là nó sử dụng Đầu tìm Hình ảnh Hồng ngoại (Imager Infrared - IIR) thay vì Đầu tìm Hồng ngoại (IR), cũng được sử dụng trong tên lửa Stinger. Các tên lửa có lái dẫn theo nguyên lý IR có thể dễ dàng bị đánh lừa bởi các hệ thống dùng để đối phó được gọi là “Mồi bẫy” hay “Bẫy nhiệt” ("Flare") vì chúng hướng đến khu vực phát nhiệt cao. Trong khi, tên lửa lái dẫn theo nguyên lý IIR rất khó bị hệ thống đối phó lừa vì chúng bị khóa trên mục tiêu nhờ hệ thống "hình ảnh".

PORSAV di động có thể được tích hợp trên các phương tiện trên bộ, trên không và trên biển. Nó có thể phát hiện, theo dõi và tấn công các mục tiêu 360 độ từ các phương tiện di chuyển. Hướng phát triển cao hơn - dự kiến trong tương lai gần, SUNGUR sẽ được tích hợp với các nền tảng trên bộ, trên không và trên biển của các Lực lượng Vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ.

(theo Army Recognition)

Hương Giang

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/sau-s-400-tho-nhi-ky-se-tiep-tuc-gay-choang-vang-voi-ten-lua-phong-khong-sungur-118902.html