Sâu sát, hòa đồng, tạo động lực phấn đấu, cống hiến

Trong khi nhiều đơn vị vẫn trăn trở về phương pháp quản lý tư tưởng (QLTT) đối với chiến sĩ người dân tộc thiểu số (DTTS) thì ở Sư đoàn 9 đã có cách làm rất sáng tạo, hiệu quả, được Tổng cục Chính trị và Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân đoàn 4 ghi nhận, đánh giá cao.

Đơn vị, địa phương và gia đình quân nhân cùng vào cuộc

Khi chúng tôi đặt vấn đề muốn được tìm hiểu kinh nghiệm QLTT chiến sĩ người DTTS ở đơn vị, Đại tá Nguyễn Văn Lộc, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Sư đoàn 9, vui vẻ nói: "Mời các đồng chí về với cơ sở, đến với bộ đội để tận mắt chứng kiến và thấu hiểu cách làm của sư đoàn chúng tôi”.

Và quả đúng vậy, đến với bộ đội, chúng tôi được gặp, được tìm hiểu nhiều trường hợp cụ thể. Tại Đại đội 1, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 2, ngay sau khi đón nhận chiến sĩ mới (tháng 3-2018), Trung úy Nguyễn Văn Tre, Chính trị viên Đại đội 1 nhận thấy chiến sĩ Kiên Sa Rây, dân tộc Khmer, quê xã Đôn Châu (Duyên Hải, Trà Vinh) có biểu hiện buồn chán, chấp hành chế độ ngủ nghỉ chưa nghiêm. Nắm bắt tình hình qua đội ngũ cán bộ tiểu đội và chiến sĩ cùng quê với Kiên Sa Rây, Chính trị viên Đại đội 1 biết được: Trước khi nhập ngũ, Kiên Sa Rây là lao động chính trong gia đình, cha mẹ thường xuyên đau ốm. Vì thế, khi về đơn vị, Kiên Sa Rây luôn có những biểu hiện buồn chán, lo âu. Trước thực tế đó, Trung úy Nguyễn Văn Tre chủ động gọi điện về gia đình Kiên Sa Rây và gặp riêng chiến sĩ. Chỉ huy Đại đội 1 còn phối hợp với chính quyền xã Đôn Châu cử cán bộ địa phương đến thăm hỏi, động viên không chỉ gia đình Kiên Sa Rây mà cả các gia đình có chiến sĩ ở đơn vị. Nhờ đó, Kiên Sa Rây vui vẻ, hòa đồng trở lại và luôn nỗ lực phấn đấu đạt thành tích cao trong huấn luyện, chấp hành kỷ luật.

Chúng tôi còn được chứng kiến một số câu chuyện giải quyết tư tưởng hiệu quả ở Đại đội 2 (Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 3) và Đại đội 3, Tiểu đoàn 14 thuộc Sư đoàn 9. Ở những đơn vị này, người chỉ huy chủ động liên hệ, phối hợp với địa phương, gia đình và dựa vào các mối quan hệ của chiến sĩ để nắm tình hình tư tưởng, kỷ luật của bộ đội. Đối với những chiến sĩ người DTTS có biểu hiện chấp hành nền nếp chế độ chưa nghiêm, lãnh đạo, chỉ huy các cấp gặp gỡ, động viên, định hướng tư tưởng, hướng dẫn hành động; phân công cán bộ, đảng viên, chiến sĩ tốt giúp đỡ, kèm cặp để họ nỗ lực phấn đấu vươn lên.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Lộc: Từ năm 2013 đến nay, sư đoàn tiếp nhận và huấn luyện gần 1.300 chiến sĩ người dân tộc Khmer, S'tiêng, Chơ Ro, Nùng, Hoa… thuộc các tỉnh: Trà Vinh, Bến Tre, Đồng Nai, Bình Phước, Bình Thuận... Gia đình các chiến sĩ đa phần kinh tế còn nhiều khó khăn. Trong khi đó, những mặt trái của kinh tế thị trường, tệ nạn xã hội, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tác động rất lớn đến tư tưởng bộ đội. Từ thực tế này, để quản lý tốt tư tưởng chiến sĩ người DTTS, tạo cơ hội, động lực để bộ đội rèn luyện, trưởng thành, Đảng ủy, chỉ huy sư đoàn đã đề cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ các cấp trong bám nắm tư tưởng; chủ động quan tâm, sâu sát đến cuộc sống, tâm tư, nguyện vọng của chiến sĩ người DTTS. Đảng ủy sư đoàn yêu cầu mỗi cán bộ phải như người anh, người chị, người bạn của chiến sĩ nói chung, chiến sĩ người DTTS nói riêng, để họ tin tưởng, thổ lộ và chia sẻ khó khăn trong cuộc sống, công việc.

Cán bộ Đại đội 1, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 2, Sư đoàn 9 trò chuyện thân mật với chiến sĩ trong ngày nghỉ.

Tin tưởng giao nhiệm vụ kết hợp với dìu dắt, giúp đỡ

Trước khi Đại đội 1, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 2 hành quân dã ngoại làm công tác dân vận tại xã An Phú, huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) giúp dân xây dựng nông thôn mới, chỉ huy đại đội tiến hành nắm lại quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ các trung đội. Trung úy Nguyễn Minh Nhất, Trung đội trưởng Trung đội 1 đề nghị chỉ huy đại đội giao chiến sĩ Diệp Chanh Đà Là, dân tộc Khmer, thuộc Tiểu đội 1, Trung đội 1 (nhập ngũ tháng 3-2018) phụ trách nhóm khảo sát lượng bùn cần nạo vét ở đoạn mương dẫn nước tưới tiêu của xã An Phú. Dưới sự chỉ huy của Diệp Chanh Đà Là, nhóm chiến sĩ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được đại đội biểu dương.

Sở dĩ chiến sĩ Diệp Chanh Đà Là được cán bộ tín nhiệm bởi anh rất hăng hái, nhiệt tình trong công việc. Trước đây, khi mới nhập ngũ, Diệp Chanh Đà Là ngại tham gia hoạt động tập thể vì tính tình nhút nhát. Sau khi tiếp xúc, trao đổi, trò chuyện, Trung đội trưởng Nguyễn Minh Nhất nhận thấy Diệp Chanh Đà Là có tư duy logic, tính toán nhanh nên đã giao phụ trách tổ, nhóm luyện tập Điều lệnh Đội ngũ, luyện tập kỹ thuật chiến đấu bộ binh, thể thao, tăng gia... của trung đội.

Từ ví dụ nêu trên, Đại tá Nguyễn Văn Lộc cho biết: “Trên cơ sở chỉ đạo của Đảng ủy, chỉ huy sư đoàn, hướng dẫn của cơ quan chính trị sư đoàn, công tác QLTT chiến sĩ người DTTS được cấp ủy, chỉ huy các đơn vị bám sát từng đối tượng cụ thể, đặc điểm nhiệm vụ từng giai đoạn...”. Theo Đại tá Nguyễn Văn Lộc, để QLTT chiến sĩ người DTTS được hiệu quả, sư đoàn giải quyết tốt hai vấn đề có mối quan hệ khăng khít, đó là: Nắm tư tưởng để đưa chiến sĩ vào hoạt động thực tiễn; đồng thời từ hoạt động thực tiễn để nắm diễn biến tư tưởng của chiến sĩ, có hướng giải quyết kịp thời, thỏa đáng. Bên cạnh đó, công tác QLTT chiến sĩ người DTTS còn được sư đoàn gắn kết chặt chẽ với công tác giảng dạy chính trị, giáo dục truyền thống; giáo dục pháp luật, kỷ luật, đạo đức, lối sống. Đồng thời, phát huy tốt vai trò của các tổ chức trong nắm, giải quyết tư tưởng chiến sĩ người DTTS; phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa ở cơ sở, tạo môi trường văn hóa quân sự trong sạch, lành mạnh để chiến sĩ sinh hoạt, tham quan, giải trí, nhất là trong các ngày lễ, tết, giờ nghỉ, ngày nghỉ.

Với cách thức QLTT chiến sĩ người DTTS mềm dẻo, khoa học và chặt chẽ, 5 năm qua, Sư đoàn 9 không có hiện tượng chiến sĩ người DTTS thoái thác nhiệm vụ, đào bỏ ngũ. Sư đoàn có 47 đoàn viên ưu tú người DTTS được kết nạp Đảng, gần 300 chiến sĩ người DTTS được khen thưởng, hơn 400 chiến sĩ người DTTS khi xuất ngũ trở thành cán bộ nòng cốt trong cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương vùng đồng bào DTTS. Quản lý tốt tư tưởng chiến sĩ người DTTS góp phần xứng đáng để tình hình tư tưởng trong Sư đoàn 9 luôn ổn định, đơn vị có bầu không khí dân chủ, đoàn kết, thống nhất, không xảy ra các vụ việc vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, các vụ việc thông thường hằng năm đều giảm. Sư đoàn 9 luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhiều nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc, được Bộ tư lệnh Quân đoàn 4 tặng cờ thi đua (năm 2016), Bộ Quốc phòng tặng cờ thi đua (năm 2017) và nhiều bằng khen, giấy khen của Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị.

Bài và ảnh: QUANG THẮNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/sau-sat-hoa-dong-tao-dong-luc-phan-dau-cong-hien-555795