Sau Sudan, nỗ lực tái sinh loài tê giác trắng châu Phi?

Sudan, con tê giác trắng đực cuối cùng trên thế giới đã chết. Song nỗ lực để cứu loài tê giác trắng và nhiều loài vật khác đang được nhen nhóm.

Tê giác trắng Sudan

Gần một thập kỷ qua, con tê giác trắng tên Sudan, sống ở khu bảo tồn rộng khoảng 2.800km2 tại Ol Pejeta, miền núi Kenya, châu Phi. Lính gác có vũ trang bảo vệ Sudan 24 giờ mỗi ngày trước sự rình rập của những kẻ săn trộm, vì nó thuộc về loài vật đang trên bờ vực tuyệt chủng.

Tê giác "cao tuổi”

Bất chấp các nỗ lực tuyên truyền của Liên hợp quốc, những kẻ săn trộm vẫn mờ mắt bởi những khoản lợi nhuận khổng lồ từ thị trường châu Á, nơi người ta tin rằng sừng tê giác có thể chữa trị nhiều bệnh, hoặc làm tăng cường khả năng đàn ông.

Vấn đề bảo tồn tê giác trắng trở nên ngày càng cấp thiết, do không còn cá thể nào thuộc loài này đang sống trong tự nhiên.

Sau 45 năm sống trên đời, Sudan thuộc nhóm tê giác “cao tuổi”. Con gái của Sudan là Najin, 28 tuổi, cháu gái Fatu, 15 tuổi, được coi là những con tê giác đang độ tuổi sinh nở.

Tê giác già gặp nhiều vấn đề do tuổi tác. Trong những năm cuối đời, Sudan không thể cặp đôi thành công với tê giác cái, do lượng tinh trùng thấp. Trong khi đó, Najin có thể thụ thai, song chân sau quá yếu khiến nó không thể giao phối với tê giác đực.

“Vài năm qua, người ta đã ghi nhận nhiều cuộc giao phối giữa các cặp tê giác khác nhau, song không cặp nào thụ thai”, George Paul, cán bộ thú y thuộc khu bảo tồn, cho biết. “Dựa trên những cuộc kiểm tra sức khỏe gần đây, các con tê giác đều có chu kỳ động dục giống nhau, song chưa trường hợp nào thụ thai thành công”. Nếu tê giác không thụ thai sớm, loài này sẽ bị tuyệt chủng.

Trong cuộc chạy đua với thời gian, các chuyên gia trên thế giới đang tìm cách ứng dụng khoa học để duy trì các loài vật có nguy cơ tuyệt chủng.

Khu bảo tồn Ol Pejeta cho biết họ đã thảo luận với các bác sỹ thú y và quan chức phụ trách bảo vệ động vật hoang dã để kết thúc cuộc sống của Sudan hôm 19/3, vì nó phải chịu quá nhiều đau đớn.

Các bác sỹ cho biết Sudan “gặp nhiều tổn thương nghiêm trọng” ở cơ, da, xương, do tuổi tác. Con tê giác này cũng có một vết thương sâu ở chân. “Sudan ra đi là một sự tiếc nuối lớn, nỗi đau với nhiều người. Song nó đã phải gồng mình chịu quá nhiều cơn đau thể xác mà không có hy vọng hồi phục”, Khu bảo tồn Ol Pejeta cho biết trong một thông cáo.

Tê giác trắng phương bắc không thể kết hợp với tê giác đen, song một con tê giác trắng phương bắc có thể làm được điều này với tê giác trắng phương nam, Paul cho biết. Thực tế là loài tê giác trắng phương nam không bị đe dọa, khu bảo tồn Ol Pejeta hiện có 19 con, song về mặt di truyền, đây là một nhánh khác của tê giác trắng phương bắc.

Nếu kết hợp thành công, tê giác non sinh ra sẽ không phải 100% là tê giác trắng phương bắc, nhưng còn tốt hơn là không có gì, các chuyên gia nêu ý kiến.

Thụ tinh ống nghiệm

Một ủy ban thuộc khu bảo tồn Ol Pejeta cho biết họ đang trông đợi hàng loạt biện pháp kỹ thuật sinh sản thay thế, bao gồm thụ tinh ống nghiệm.

“Ở các nước khác, có thể đạt được thành công nhờ việc chuyển phôi thai giữa các loài tê giác khác nhau, do đó về mặt kỹ thuật, đây được xem là biện pháp khả thi nhất”, Paul nói. Song chuyên gia thú y này cho biết ủy ban nói trên vẫn đang tìm kiếm các kỹ thuật khác để tái sinh tê giác trắng Kenya.

Các nhà nghiên cứu đã sẵn sàng thu thập nguyên liệu gen từ con tê giác Sudan đã chết, với hy vọng sau này thụ tinh ống nghiệm cho hai con tê giác cái còn lại, Elodie Sampere, đại diện khu bảo tồn Ol Pejeta, cho biết.

Họ cũng đã thu thập và lưu trữ trứng của các con tê giác trắng phương nam, giống cái, ở các vườn thú châu Âu, chăm nuôi chúng trong ống nghiệm. Trứng của hai con tê giác cái phương bắc Kenya cũng được các chuyên gia lưu trữ.

“Kế hoạch hiện tại là ‘cô lập’ những con tên giác cái trắng phương nam trước những con đực, đảm bảo chúng sẵn sàng tiếp nhận nguồn gen từ tê giác trắng phương bắc trong năm 2018”, Sampere cho biết.

Dù tình hình hiện tại là vô cùng khó khăn, Paul nói ông vẫn đang lạc quan. “Sự thực là chúng tôi đang xem xét việc những con thú này chết đi trong thập kỷ tới. Nhưng hy vọng với các phương pháp sinh sản nhân tạo, chúng ta có thể mang chúng trở lại trong tương lai. Biện pháp này sẽ được thực hiện khi những con thú hiện tại chết đi, và đó là điều khả thi”.

Khu bảo tồn Ol Pejeta đã mua hai tê giác trắng đực và hai con cái vào năm 2009, từ một vườn thú ở Cộng hòa Séc. Trong đó, Suni, một con tê giác trắng đực đã chết hồi năm ngoái. Hiện Ol Pejeta chỉ còn hai tê giác trắng cái là Najin và Fatu để tiếp tục nuôi hy vọng hồi sinh loài thú hiếm này.

"Sudan là đại sứ xuất sắc của tê giác trắng và sẽ được tưởng nhớ vì những gì nó đã làm để nâng cao nhận thức toàn cầu. Sudan không chỉ đại diện cho hoàn cảnh của những con tê giác mà còn của hàng nghìn loài vật khác đang bên bờ vực tuyệt chủng vì những hoạt động gây hại lâu dài của con người", Richard Vigne , giám đốc khu bảo tồn Ol Pejeta, cho biết.

VĂN VIỆT

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/sau-sudan-no-luc-tai-sinh-loai-te-giac-trang-chau-phi-post215192.html