Sau tai nạn ô tô khiến 1 cầu thủ thiệt mạng, các tài xế chú ý gì khi xe đổ đèo?

Chuyên gia đã đưa ra lời khuyên cho các tài xế khi di chuyển trên những tuyến đường mới, đổ đèo để đảm bảo an toàn giao thông.

Trưa qua (25/6), ô tô chở đội bóng đá trẻ Quảng Nam đang lưu thông trên đèo Vi Ô Lắc thuộc địa phận huyện Kon Plông (Kon Tum) thì bất ngờ gặp tai nạn khiến 1 cầu thủ thiệt mạng, 5 cầu thủ và 1 CĐV bị thương.

Được biết, xe chở các cầu thủ bị tai nạn khi trên đường trở về sau thi đấu lượt đi giải bóng đá hạng Nhì Quốc gia 2023 trên sân vận động tỉnh Kon Tum.

Hiện trường vụ tai nạn (Ảnh: Báo Lao động)

Sáng 26/6, theo thông tin từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, chiếc xe chở đoàn cầu thủ trẻ có biển số 92B-002.72T, được đăng ký lần đầu ngày 28/5/2012.

Xe được sản xuất tại Việt Nam, nhãn hiệu Thaco, số loại Hyundai HB90ETS, lần đăng kiểm gần nhất vào ngày 22/5/2023, chu kỳ đăng kiểm tiếp theo vào ngày 21/11/2023.

Trao đổi với PV VietNamNet về các tình huống tai nạn trên đèo, TS. Nguyễn Minh Hiếu (Trường Đại học GTVT) cho biết, nhiều tài xế di chuyển trên các tuyến đường mới, chưa có kinh nghiệm, dễ bị bất ngờ trước các tình huống phát sinh trên đường.

"Vấn đề an toàn kỹ thuật phương tiện cũng cần phải nhắc đến bởi không phải tất cả các xe hợp đồng đều được bảo dưỡng kịp thời ", TS. Hiếu lưu ý.

Vị chuyên gia này kiến nghị, các doanh nghiệp du lịch hay vận tải hợp đồng cần bố trí lái xe phù hợp. Những tài xế có kinh nghiệm cần được đưa vào hoạt động trên các tuyến đường khó, đèo dốc; hạn chế sắp xếp lái xe làm việc liên tục với quãng nghỉ ngắn. Thông tin về thời gian làm việc của lái xe cần phải được theo dõi, thống kê sát sao để đảm bảo an toàn giao thông.

Một chuyên gia giao thông khác phán đoán xe mất phanh thường do 2 nguyên nhân: hệ thống an toàn kỹ thuật phương tiện hoặc kỹ năng của lái xe. Trong đó, kỹ năng điều khiển phương tiện, phán đoán tình huống trên các cung đường đèo dốc rất quan trọng.

Theo đó, xe mất phanh khi đổ đèo, lái xe áp vào vách núi một cách từ từ, không được đánh lái quá gấp vì rất dễ gây lật xe.

Cố gắng dựa hông xe vào vách núi để lực ma sát làm giảm tốc độ chiếc xe tới khi xe dừng hẳn. Nếu đường đèo có rãnh nằm bên vách núi thì cố gắng đưa 2 bánh xe xuống rãnh để xe trượt nghiêng và hông xe dựa vào vách núi, giảm tốc cho tới khi dừng hẳn.

Đặc biệt, nên kiểm tra xe trước khi đổ đèo để chắc chắn xe ở trạng thái tốt nhất, an toàn nhất.

Hãy bảo dưỡng xe đúng thời hạn để có thể kiểm soát được chất lượng hệ thống má phanh hay lốp xe; sửa chữa và thay thế kịp thời những nơi hỏng hóc. Kiểm tra áp suất lốp, độ mòn của lốp, nước làm mát, hệ thống đèn… trước khi lên đường.

Hãy cài dây an toàn dù ở vị trí ngồi nào trong xe, để nếu không may xảy ra tai nạn, các chức năng an toàn của xe hoạt động tốt nhất và thương vong sẽ thấp nhất.

Trước đó, nhiều vụ tai nạn xe khách khi qua đèo đã xảy ra. Đó là vụ tai nạn thương tâm xảy ra vào ngày 28/1 làm 4 người tử vong, nhiều người bị thương tại xã Co Mạ (Thuận Châu, Sơn La). Khi đang xuống dốc vào khúc cua xe đi chậm, nhưng cua được một nửa thì bất ngờ xe thay số tăng tốc đi nhanh hơn rồi bị trôi xuống lật nhiều vòng.

Ngay sau đó 1 ngày, chiều 29/1, xe hợp đồng chở 53 người di chuyển qua địa phận Đèo Cón (Thu Cúc, Tân Sơn, Phú Thọ) cũng bất ngờ mất phanh, bị lật khiến 10 người bị thương.

N. Huyền

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tai-nan-giao-thong-tren-deo-vi-o-lac-1-cau-thu-doi-quang-nam-tu-vong-2158407.html