Sau Tết, cẩn thận với nhiều bệnh nguy hiểm ở trẻ

Giao thương, đi lại nhiều trong dịp Tết kết hợp với thời tiết chuyển mùa sẽ tạo điều kiện cho nhiều loại bệnh truyền nhiễm ở trẻ lây lan. Bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần tăng cường giải pháp bảo vệ sức khỏe tránh nguy cơ nhiễm bệnh cho con trẻ.

Trung tâm Y tế Dự phòng, TP.HCM cho hay: tính đến hết tuần 5 của năm 2019, bệnh truyền nhiễm trên địa bàn đang có những biến động với sự giảm nhẹ của sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi so với trung bình tháng trước, tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm 2018, bệnh đang ở mức cao.

Các bệnh truyền nhiễm luôn tiềm ẩn nguy cơ đe dọa sức khỏe của con trẻ

Các bệnh truyền nhiễm luôn tiềm ẩn nguy cơ đe dọa sức khỏe của con trẻ

Sởi là bệnh đang ở mức cảnh báo nguy hiểm với 757 ca được ghi nhận chỉ trong hơn 1 tháng qua, trong khi tháng đầu năm trước, thành phố không có ca bệnh sởi. Hiện, bệnh sởi vẫn đang lưu hành ở tất cả 24 quận huyện trên địa bàn, nguy cơ bệnh tiếp tục lây lan trên diện rộng.

Để chủ động bảo vệ sức khỏe cho con trẻ, Trung tâm Y tế Dự phòng khuyến cáo phụ huynh cần đưa trẻ đi chích ngừa đầy đủ 2 mũi sởi (mũi 1 lúc trẻ 9 tháng tuổi, mũi 2 lúc trẻ 18 tháng tuổi). Những trẻ dưới 5 tuổi chưa được chích ngừa đầy đủ hoặc không nhớ đã chích sởi hay chưa, phụ huynh cần đưa bé đến trạm y tế để được tư vấn, tiêm bổ sung.

Phụ huynh cần chủ động tăng cường các biện pháp bảo vệ sức khỏe cho bé tránh nguy cơ nhiêm bệnh

Sốt xuất huyết cũng duy trì ở mức cao với 5.633 trường hợp (tăng 257% so với năm 2018 là 1.580 ca). Dù sốt xuất huyết đang có xu hướng giảm nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, cộng đồng cần chủ động thực hiện các biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng, ngủ mùng để hạn chế nguy cơ bị muỗi truyền bệnh tấn công.

Cùng với những loại bệnh trên, BS Nguyễn Đình Qui, khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 cảnh báo thời điểm chuyển mùa sang nắng nóng kết hợp với giao lưu đi lại, ăn uống không đảm bảo trong dịp Tết Nguyên Đán có thể sẽ là tác nhân gia tăng nhiều loại bệnh ở trẻ.

Hô hấp là bệnh thường gặp trong thời điểm giao mùa

Cảm cúm là bệnh thường gặp khi thời tiết chuyển sang mùa nóng cùng sự chênh lệch nhiệt độ khá lớn giữa ngày và đêm. Biểu hiện phổ biến nhất của tác nhân do vi rút cảm cúm gây ra là tình trạng viêm mũi họng khiến trẻ bị sốt từ 1 đến 2 ngày đầu kèm theo ho, sổ mũi kéo dài 5 đến 7 ngày. Trẻ lớn có thể than đau nhức tay chân, đau đầu, đau họng, đôi khi sốt rất cao (39 – 400C).

Cúm nhẹ theo mùa thường có thể điều trị ở nhà và tự khỏi bệnh. Tuy nhiên, những trường hợp bệnh diễn tiến nặng nguy cơ dẫn tới tử vong. Khi thấy trẻ có biểu hiện cảm cúm, phụ huynh cần thực hiện các biện pháp hạ sốt, uống thuốc ho, rửa mũi với nước muối sinh lý và cho trẻ nghỉ ngơi. Trường hợp trẻ có biểu hiện nặng, sốt cao liên tục cần đưa đến bệnh viện để được thăm khám, điều trị, tránh biến chứng nguy hiểm.

Cần phát hiện sớm diễn tiến nguy hiểm, đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời

Ngộ độc do thức ăn cũng là nhóm bệnh nguy hiểm sau ở trẻ sau Tết. Theo thói quen, phụ huynh thường tích trữ nhiều thực phẩm để sử dụng cho những ngày Tết. Hiện nay, dù có tủ lạnh để bảo quản, tuy nhiên thực phẩm vẫn có nguy cơ bị ôi thiu, biến chất do bảo quản không đúng cách. Việc sử dụng thực phẩm tồn lưu sau Tết, không còn đảm bảo chất lượng chế biến thức ăn có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của cả gia đình, trong đó trẻ em là đối tượng bị tác động nặng nề nhất.

Thức ăn biến chất, nhiễm vi sinh thường khiến trẻ bị ngộ độc với các biểu hiện nôn ói, đau bụng, đi cầu phân lỏng, có nhày, đôi khi có cả máu kèm sốt hoặc không. Những trường hợp bị nhẹ có thể chỉ gặp tình trạng rỗi loạn tiêu hóa, trẻ bị nặng nguy cơ nhiễm trùng đường ruột, nguy hiểm tính mạng.

Chích ngừa là giải pháp hiệu quả để phòng nhiều loại bệnh truyền nhiễm cho trẻ

Bên cạnh đó, bác sĩ cảnh báo đây là thời điểm gia tăng của bệnh thủy đậu với những biểu hiện sốt nhẹ 1 tới 2 ngày. Cơ thể bệnh nhi sẽ nổi bóng nước, lan toàn thân trong vòng 1 đến 2 ngày tiếp theo, kèm ho, sổ mũi nhẹ. Diễn tiến bệnh kéo dài 7 đến 10 ngày, những trẻ bị bệnh nguy cơ lây lan cho trẻ khác ở mức cao nên cần chủ động cách li, điều trị cho đến khi hết bệnh.

Quai bị cũng là bệnh cần lưu tâm ở thời điểm mùa Đông – Xuân ở nhóm trẻ từ 6 đến 10 tuổi chưa được tiêm phòng. Khi thấy trẻ có biểu hiện sưng đau góc hàm ở 1 bên hoặc cả 2 bên hàm có thể kèm theo sốt hoặc không, chảy nước bọt, đau đầu, nôn ói phụ huynh cần lưu tâm chăm sóc hoặc đưa trẻ đến bác sĩ để được theo dói, điều trị.

Quai bị là bệnh không gây nhiều nguy hiểm tuy nhiên nếu không được chăm sóc, hỗ trợ điều trị đúng cách trẻ có thể phải đối mặt với những biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, viêm tinh hoàn.

Theo Dân trí

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/tin-tuc/sau-tet-can-than-voi-nhieu-benh-nguy-hiem-o-tre/20190212084122791