Sau Tết Nguyên Đán, đào thế khủng tấp nập trở lại vườn

Sau Tết, trên con đường dẫn vào các vườn đào Nhật Tân (Hà Nội), tấp nập xe chở gốc đào từ nhỏ đến lớn từ khắp nơi đổ về vườn để chờ Xuân sau.

Sau Tết Nguyên Đán Tân Sửu, người trồng đào ở làng Nhật Tân, quất Tứ Liên (quận Tây Hồ, Hà Nội) lại tất bật quay lại vườn, chăm sóc những gốc đào, quất cũ để kịp có sản phẩm phục vụ người dân vào mùa Tết năm sau. Theo các nông dân trồng đào, năm nay, Tết nắng ấm, đào nhanh tàn, nên họ bắt đầu vụ mới sớm hơn mọi năm.

Sau Tết Nguyên Đán Tân Sửu, người trồng đào ở làng Nhật Tân, quất Tứ Liên (quận Tây Hồ, Hà Nội) lại tất bật quay lại vườn, chăm sóc những gốc đào, quất cũ để kịp có sản phẩm phục vụ người dân vào mùa Tết năm sau. Theo các nông dân trồng đào, năm nay, Tết nắng ấm, đào nhanh tàn, nên họ bắt đầu vụ mới sớm hơn mọi năm.

Những ngày này, không khí tại làng đào tất bật không kém những ngày giáp Tết khi lần lượt các gốc đào thế khủng lần lượt kéo nhau "hồi hương".

Ông Lực (Nhật Tân, Hà Nội) cho biết: "Khi trồng lại cây đào, giai đoạn đầu là khó nhất, phải mất 4-5 tháng cây mới ổn định. Vào thời điểm tháng 4, cây hay bị chết cành nên phải chăm sóc rất kỹ”.

Chủ vườn đào Thủy Thủy chia sẻ, những gốc đào thế mất công chăm sóc kỹ lưỡng nên chỉ cho thuê chứ không bán đứt gốc. Trung bình, một gốc đào đẹp có giá thuê khoảng 15-20 triệu cho 20 ngày chơi Tết.

Một hộ trồng đào khác cho hay, năm nay, người dân chủ yếu chơi đào cành một phần vì kinh tế khó khăn, phần vì hạn chế tiếp xúc do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Phần lớn đây đều là những gốc đào to, đẹp đã được các nhà vườn nuôi dưỡng lâu năm phục vụ nhu cầu cho thuê đào chơi Tết của người dân Thủ đô. Nhiều nhà vườn chia sẻ, công việc này bắt đầu từ sớm hay muộn tùy theo thời tiết của từng năm, nhưng bận rộn nhất là khoảng thời gian từ mùng 10 tháng Giêng trở đi.

Ngay sau khi trở lại vườn, các gốc đào sẽ được cắt tỉa cành dăm rồi trồng lại trong các luống đã chuẩn bị từ trước đó. Đất trồng phải là đất mới, chủ yếu là đất sét pha đất thịt thì cây mới có thể sinh trưởng tốt.

Sau một vài ngày cây trồng xuống, cần tưới nước và theo dõi cây hằng ngày, khi có dấu hiệu nảy mầm thì tiến hành ghép mắt. Sang tháng 4-5 sẽ tạo dáng cho cây rồi trông chờ vào dịp Tết Nguyên đán năm sau.

Nhiều năm gần đây bên cạnh việc trồng đào theo lối truyền thống để cắt cành bán dịp Tết, người Nhật Tân đã tự biết nâng giá trị của cây đào, không chỉ phục vụ nhu cầu người chơi mà còn tăng thêm nguồn lợi cho mình. Nhiều dáng đào, thế đào được người Nhật Tân nghiên cứu, kỳ công tạo nên, tôn thêm vẻ đẹp cho loài hoa này, khiến người chơi thích thú.

Bên cạnh đó, một công việc quan trọng khác đó là phải phun nước vôi trong để phòng trừ sâu bệnh rệp.

Việc thu gom, “hồi hương” đào Nhật Tân cũng tạo việc làm cho nhiều người lao động quanh vùng. Trong vòng nửa tháng, họ cần mẫn mang vác, chuyên chở và có thể kiếm được hàng chục triệu đồng mỗi vụ đào Tết. Trung bình mỗi ngày những người này đi được khoảng từ 4-6 chuyến, mỗi chuyến được chủ vườn trả từ 200.000 đồng – 400.000 đồng (tùy vào quãng đường).

Ở Nhật Tân, các chủ vườn đào không thu mua lại những cây đào bỏ đi hoặc đào không có nguồn gốc, nên người chở chỉ cần liên lạc cho những khách đã mua trước đó để hẹn ngày nhận đào.

Khánh Huy

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/sau-tet-nguyen-dan-dao-the-khung-tap-nap-tro-lai-vuon-229118.html