Sau Tết, nông dân miền Bắc lo lấy nước gieo cấy 250.000 ha lúa Đông Xuân

Sau Tết, nông dân 11 tỉnh trung du và Đồng Bằng Bắc bộ phải lo lấy nước đợt 2 (bắt đầu từ ngày 5/2, tức ngày 12 tháng Giêng) để phục vụ cho khoàng 250.000 ha lúa Đông Xuân.

Còn khoảng 250 nghìn ha lúa Đông Xuân chờ các đợt xả nước sắp tới.

Còn khoảng 250 nghìn ha lúa Đông Xuân chờ các đợt xả nước sắp tới.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho biết, sau đợt nghỉ Tết, các địa phương miền Bắc sẽ tiếp tục lấy nước đợt thứ 2 phục vụ cho vụ Đông Xuân.

Đợt 2 lấy nước sẽ thực hiện trong 8 ngày (từ ngày 5/2 đến 12/2). Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ tăng cường phát điện trước khoảng 2-3 ngày. Đây là đợt lấy nước chính, dòng chảy duy trì ở mức cao nên các công trình thủy lợi sẽ có điều kiện thuận lợi để lấy nước.

Theo ông Tỉnh, dự kiến, kết thúc đợt 2, hầu hết các địa phương sẽ cơ bản hoàn thành kế hoạch lấy nước, trừ một số khu vực thuộc Hà Nội (các huyện Mê Linh, Phúc Thọ, Thạch Thất) và tỉnh Bắc Ninh (các huyện Tiên Du, Từ Sơn..).

Trường hợp tiến độ lấy nước vượt dự kiến, đợt 2 có thể được xem xét điều chỉnh linh hoạt để bảo đảm tiết kiệm nước từ các hồ chứa thủy điện, đồng thời bảo đảm các địa phương chưa hoàn thành kế hoạch tiếp tục lấy nước.

Trước đó, trong đợt 1, EVN đã tăng lượng để phục vụ các địa phương hạ du (từ ngày 20/1 đến 23/1). EVN đã xả từ ngày 18/1, trước thời gian lấy nước 2 ngày với tổng lượng xả từ các hồ Hòa Bình, Tuyên Quang và Thác Bà là 1,11 tỷ m3.

Theo Tổng cục Thủy lợi, để thích ứng với tình trạng dòng chảy bị thiếu hụt, các địa phương đã chủ động vận hành công trình lấy nước sớm và tăng cường lắp đặt trạm bơm dã chiến nên diện tích có nước trước đợt 1 lấy nước ở mức tương đối cao (trung bình 33,3%).

Kết thúc đợt xả đầu tiên, diện tích có nước là 286.100 ha, đạt gần 55% diện tích gieo cấy theo kế hoạch. Một số địa phương đạt tỷ lệ diện tích có nước lớn là: Hà Nam gần 85%, Nam Định gần 75%, Phú Thọ trên 70%, Ninh Bình trên 60%, Thái Bình 55%...

Tổng cục Thủy lợi cũng kiến nghị địa phương cần tiếp tục vận hành công trình để tăng cường lấy nước trong thời gian trước đợt 2 nếu điều kiện nguồn nước cho phép; tổ chức vận động, hướng dẫn người dân thực hiện sớm việc làm đất để giữ nước trên ruộng, tăng cường gia cố bờ vùng, bờ thửa, bảo đảm chống thất thoát nước cho các diện tích đã được cấp đủ nước.

Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đi kiểm tra tình hình lấy nước tại huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định

Với các địa phương đang có diện tích đủ nước thấp và nhiều diện tích khó cấp nước (Hà Nội, Bắc Ninh) cần rà soát các diện tích gieo cấy khả năng bị thiếu nước, lắp đặt các trạm bơm dã chiến và thực hiện các phương án bổ sung nguồn nước.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam có phương án xả nước để bảo đảm dâng mực nước sông Hồng tại Hà Nội lên +2m theo đúng yêu cầu trong đợt 2, tạo điều kiện nâng cao hiệu suất lấy nước của các công trình thủy lợi.

Theo Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, vụ Đông Xuân năm nay khó khăn rất lớn, do dung tích 3 hồ chứa lớn thủy điện Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang thiếu hụt 40- 60% so với trung bình nhiều năm.

Do vậy, tại các khu vực chân đất cao, khó khăn về nguồn nước, các địa phương cũng đã chủ động chuyển đổi hơn một vạn héc ta lúa sang cây trồng cạn như ở Hà Nội, Bắc Ninh, Phú Thọ…qua đó góp phần giảm chi phí sản xuất vụ Đông Xuân.

Bô trưởng Cường cũng lưu ý: “Phương châm là phải tích cực lấy nước để đảm bảo sản xuất nông nghiệp, nhưng cũng phải tích cực nhất để dự trữ nước cho phát điện vào tháng 2 - 3, là tháng đỉnh điểm của mùa hạn”.

Phạm Anh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/sau-tet-nong-dan-mien-bac-lo-lay-nuoc-gieo-cay-250000-ha-lua-dong-xuan-1512812.tpo