Sau Tết, thực phẩm phong phú, giá cả ổn định

Những ngày sau Tết, hàng hóa tại các siêu thị và chợ truyền thống trên địa bàn TP Hồ Chí Minh khá phong phú, đa dạng. Năm nay, giá cả hầu hết các mặt hàng đều rất ổn định…

Mồng 6 tháng Giêng, tại các chợ truyền thống như Bến Thành (quận 1), Tân Ðịnh (quận 1), Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), Nguyễn Văn Trỗi (quận Phú Nhuận)…, các quầy hàng đều đã khai trương, đầy ắp các loại rau củ quả, trái cây, thịt cá… Giá cả các mặt hàng đều bình ổn so với trước Tết. Ðơn cử như rau xà lách 35.000 đồng/ký, rau muống 20.000 đồng/ký, bắp cải 10.000 đồng/bắp, bưởi da xanh 100.000 đồng/ký, thịt heo từ 100.000 đến 120.000 đồng/ký, tôm tươi 400.000 đồng/ký… Dạo quanh chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10), chị Lê Thị Thu, ngụ đường Thành Thái, quận 10, vui vẻ cho biết: "Cứ tưởng sau Tết đi chợ thì giá cả sẽ rất đắt. Không ngờ hàng hóa rất nhiều, giá cả lại phải chăng, không có chuyện sốt hàng, đắt giá như nhiều tin đồn trước Tết".

Theo đại diện Hợp tác xã Nông nghiệp sản xuất, thương mại, dịch vụ Phước Bình (huyện Bình Chánh), lượng hàng hóa cung cấp cho thị trường ngày mồng 6 tháng Giêng khoảng năm tấn, từ ngày mồng 7 trở đi sẽ cung ứng bình thường từ 6 đến 8 tấn/ngày. Do nguồn hàng dồi dào cho nên giá cả các mặt hàng rau, quả ổn định. Riêng khổ qua (mướp đắng), dưa leo giá thấp hơn 70% so với năm trước.

Tại các siêu thị, hàng hóa đầy ắp trên các quầy kệ, giá vẫn đang áp dụng các chương trình khuyến mãi trước Tết, giảm từ 10 đến 15% cho nên sức mua tăng mạnh. Một nhân viên siêu thị Co.op Mart cho biết: "Siêu thị mở cửa từ mồng 2 Tết. Các mặt hàng tươi sống luôn được siêu thị chủ động nguồn hàng, không để xảy ra việc khan hàng, đứt hàng, tăng giá… Do đó, khách mua hàng đến siêu thị lựa chọn thực phẩm khá đông". Các siêu thị Lotte Mart, BigC cũng đã có kế hoạch chuẩn bị vì vậy chủ động được nguồn và lượng hàng, giá cả luôn giữ ổn định.

Theo Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, trong những ngày Tết Mậu Tuất 2018, hàng hóa được cung ứng dồi dào, phong phú, giá cả tương đối ổn định, không có tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá góp phần nâng sức mua, giúp gia tăng mãi lực. Dịp Tết Nguyên đán 2018, trung bình mỗi ngày thành phố tiêu thụ từ 16.000 đến 18.000 con heo (ngày thường khoảng 8.000 đến 10.000 con), khoảng 18.000 tấn bánh kẹo các loại…

Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) đánh giá, giá cả các mặt hàng thiết yếu không có biến động lớn do lượng cung hàng hóa dồi dào và ổn định đã được chuẩn bị kỹ càng từ trước. Thời tiết trong các ngày Tết năm nay cũng thuận lợi cho nên các mặt hàng rau xanh của các địa phương cũng dồi dào, không bị khan hiếm…

Tết năm nay, người tiêu dùng thành phố tiếp tục có xu hướng thay "ăn Tết" bằng "vui Tết", "chơi Tết"; chuyển từ kênh mua sắm truyền thống sang kênh mua sắm hiện đại, mua sắm trên mạng in-tơ-nét và giảm bớt thói quen mua dự trữ hàng hóa.

Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh Phạm Thành Kiên cho rằng, do có sự chuẩn bị từ rất sớm công tác dự báo tình hình thị trường, tổ chức sản xuất, dự trữ hàng hóa, bảo đảm cân đối cung cầu và ổn định giá cả hàng hóa, việc kiểm tra sát sao giúp cho thị trường Tết năm nay diễn ra theo như dự báo và đúng kế hoạch chuẩn bị của thành phố. "Ðơn vị đã đưa lên trang web của sở bảng giá các mặt hàng thiết yếu để người dân theo dõi. Qua công tác kiểm tra, các nhà máy sản xuất, đơn vị nhập khẩu bảo đảm số lượng này và cam kết không tăng giá dịp Tết. Ngoài ra, thời điểm trong và sau Tết Nguyên đán, sở và các đơn vị cũng thường xuyên tăng cường kiểm tra thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đẩy giá, hàng gian, hàng giả, không bảo đảm chất lượng đưa vào thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu…", ông Phạm Thành Kiên cho biết thêm.

Bài và ảnh: Phương Vy

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/35620102-sau-tet-thuc-pham-phong-phu-gia-ca-on-dinh.html