Sau tháng Ngâu, chứng khoán Việt bật mạnh

Thị trường chứng khoán Việt Nam bất ngờ bật mạnh trở lại sau những phiên ảm đạm gần đây, bất chấp các chỉ số chứng khoán châu Á đang diễn biến không mấy tích cực. Yếu tố nào đã giúp thị trường có phiên phục hồi mạnh mẽ hôm nay?

Khối ngoại quay lại mua ròng mạnh mẽ

Mở cửa đầu ngày không mấy tích cực khi giảm gần 2 điểm, tuy nhiên chỉ số VN Index sau đó đã có giao dịch hứng khởi trở lại, và càng về cuối phiên chiều, lực mua càng trở nên thắng thế giúp điểm số tăng càng được mở rộng. Kết thúc phiên, chỉ số VN Index đóng cửa tại 985,06 điểm, tăng 14,72 điểm, tương đương 1,52%. Tương tự chỉ số HNX Index cũng tăng 0,74 điểm, tương đương 0,66% lên 111,43 điểm; chỉ số UpCom Index tăng 0,29 điểm, tương đương 0,57% và kết phiên ở 51,29 điểm.

Thanh khoản cải thiện là điểm sáng thứ hai trong phiên giao dịch hôm nay. Khối lượng khớp lệnh trên sàn HOSE đạt hơn 192,8 triệu cổ phiếu, tăng mạnh so với mức bình quân chỉ từ 140 – 160 triệu cổ phiếu/phiên trong tháng 8. Có vẻ như sau khi kết thúc tháng Ngâu, các nhà đầu tư đã quay trở lại thị trường với tâm lý hứng khởi và kỳ vọng tích cực, lạc quan hơn.

Trong phiên hôm nay, khối ngoại cũng bất ngờ quay trở lại mua ròng mạnh mẽ hơn 488 tỷ đồng trên sàn HOSE, tập trung tại các mã như VNM 172,8 tỷ, HPG 101,6 tỷ, VJC 57,5 tỷ, VCB 47,1 tỷ, GEX 36,6 tỷ, SSI 35,2 tỷ và DXG 24,7 tỷ. Ngược lại, ở chiều bán ròng là không đáng kể, với 2 mã bị bán nhiều nhất là VHM 16,5 tỷ và MSN 14,1 tỷ. Đây cũng là phiên mua ròng trở lại thứ 3 liên tiếp của khối ngoại trên sàn HOSE, với phiên cuối tuần 7/9 là gần 152 tỷ đồng và phiên hôm qua là 130,8 tỷ đồng. Như vậy, chỉ trong vòng 3 phiên gần nhất, khối ngoại đã mua ròng trở lại tổng cộng gần 780 tỷ đồng trên sàn HOSE.

Việt Nam vẫn tỏa sáng

Hôm nay, Hãng thông tấn quốc tế CNBC vừa có một bài phân tích về nền kinh tế Việt Nam. Theo đó, với tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh trong 6 tháng đầu năm 2018, Việt Nam vẫn tỏa sáng trong lúc các quốc gia Đông Nam Á đối mặt với triển vọng không chắc chắn từ rủi ro chiến tranh thương mại và đà tăng của đồng USD.

Chẳng những vậy, đối mặt với áp lực chi phí gia tăng từ các hàng rào thuế quan của Mỹ, các nhà sản xuất Trung Quốc đang bắt đầu chuyển hoạt động sản xuất sang các quốc gia châu Á có chi phí rẻ hơn, như Việt Nam và Bangladesh. Các công ty Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan đã đầu tư vào Việt Nam từ trước đó. Trong 8 tháng đầu năm 2018, Việt Nam nhận được 11,25 tỷ USD từ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước.

Chidu Narayanan, chuyên gia kinh tế tại Standard Chartered Bank cho rằng: “Việt Nam đã hưởng lợi từ việc tham gia vào các thỏa thuận thương mại khu vực. Một dân số trẻ và có học thức, một lực lượng lao động giá rẻ và ngày càng tăng cùng vị trí địa lý thuận lợi với Trung Quốc... có thể tiếp tục thu hút dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam trong vài năm tới”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong buổi trả lời phỏng vấn với Bloomberg Television cũng cho biết, Chính phủ Việt Nam sẽ sử dụng kết hợp các thỏa thuận thương mại và những biện pháp cải cách nền kinh tế nội địa để có thể vượt qua những tác động tiêu cực từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Nhiều dự báo tích cực

Trong khi đó, theo dự báo gần đây của của một số tổ chức cho rằng FTSE nhiều khả năng đưa chứng khoán Việt Nam vào danh mục theo dõi nâng hạng thị trường mới nổi ngay trong tháng 9. Hiện tại Việt Nam là quốc gia có tỷ trọng lớn nhất trong các chỉ số FTSE thị trường cận biên và đang có cơ hội được đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng ở kỳ này khi thỏa mãn hầu hết các điều kiện nâng hạng thị trường mới nổi sơ cấp. Và nếu được đưa vào danh sách theo dõi trong kỳ phân loại tháng tới sẽ có tác động tích cực đến thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trước đó vào cuối tuần qua, ngân hàng Thụy Sĩ UBS cũng đưa ra dự báo VN-Index sẽ tăng lên 1.070 điểm vào tháng 12/2018 và 1.360 điểm vào tháng 12/2019, tương đương mức tăng 36%, dựa trên tăng trưởng EPS và lợi suất trái phiếu.

Trên thị trường quốc tế, chứng khoán Mỹ đêm qua cũng đã đi lên trở lại sau 4 phiên giảm liên tiếp gần đây, nhờ sự phục hồi mạnh đến từ nhóm cổ phiếu công nghệ. Một thông tin tích cực khác vào cuối ngày hôm qua cho biết Nhà Trắng thông báo Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhận được yêu cầu từ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un về việc tổ chức cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2 sau cuộc gặp lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo tại Singapore vào hồi tháng 6 năm nay - một dấu hiệu cho thấy mối quan hệ của 2 nước tiếp tục được cải thiện và do đó cũng tác động tích cực đến các thị trường tài chính.

Với việc phục hồi mạnh trở lại trong phiên hôm nay, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng VN Index có thể sớm quay lại chinh phục mốc 1.000 điểm trong những phiên kế tiếp. Tuy nhiên, điều quan trọng là thanh khoản cần tiếp tục khởi sắc để thể hiện dòng tiền đang hào hứng tham gia thị trường trở lại, với sự lạc quan của nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài trước những đánh giá và dự báo tích cực của các tổ chức quốc tế về Việt Nam cho giai đoạn kế tiếp.

ĐỒNG AN

Diễn biến chứng khoán Việt Nam ngược dòng ở thị trường châu Á trong phiên hôm nay là đáng chú ý. Cụ thể, trên thị trường châu Á, chỉ số Hang Seng của Hồng Công đang giảm hơn 187 điểm, tương đương 0,71%; chỉ số Shanghai của sàn Thượng Hải giảm nhẹ 0,18%; chỉ số chứng khoán Singapore giảm 0,36% và chỉ số Sensex của Ấn Độ giảm 0,16%. Riêng chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 1,3%.

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/sau-thang-ngau-chung-khoan-viet-bat-manh-12268.html