Sau thất bại ở ASIAD, bóng đá Thái Lan cần cải tổ toàn diện

Tờ Bangkok Post bình luận Liên đoàn Bóng đá Thái Lan (FAT) cần cải tổ nền bóng đá sau thất bại ê chề của tuyển Olympic Thái Lan ở ASIAD 2018.

Những ai chịu trách nhiệm cho thất bại của Olympic Thái Lan trên đất Indonesia đã phải trả giá. HLV Worrawoot Srimaka và Giám đốc kỹ thuật Witthaya Laohakul lần lượt bị sa thải. Song, người hâm mộ ở quốc gia rất cuồng nhiệt với bóng đá vẫn chưa cảm thấy an tâm.

Người Thái lo sợ bị Việt Nam vượt mặt. Thực tế ở ASIAD 2018, tuyển Olympic Việt Nam đã làm rạng danh Đông Nam Á khi trở thành quốc gia duy nhất thuộc "vùng trũng" tiến đến bán kết. Nhìn đối thủ thi đấu thăng hoa, những cổ động viên ở xứ sở chùa vàng có quyền giận dữ.

HLV Worrawoot Srimaka của tuyển U23 Thái Lan vừa bị sa thải.

Theo Bangkok Post, bóng đá Thái Lan vẫn đang loay hoay trong việc định hướng chiến lược. Ở ASIAD 2018 tại Indnesia, không quan chức nào thuộc FAT đề cập đến mục tiêu của đội nhà tại giải. Họ chỉ hy vọng tuyển Olympic Thái Lan nỗ lực tốt nhất có thể.

Tuyển Olympic Thái Lan đơn giản muốn hòa Olympic Qatar, đánh bại Olympic Bangladesh và đá hết mình khi chạm trán Olympic Uzbekistan. Cuối cùng, "Voi chiến" (biệt danh tuyển Thái Lan) chỉ có được hai trận hòa và bị loại từ vòng bảng của ASIAD 2018.

Thứ bóng đá mà đại diện Đông Nam Á thể hiện tại giải mới là điều đáng thất vọng. Họ chơi kém sắc, không để lại bất kỳ dấu ấn nào đáng kể.

HLV Worrawoot bị sa thải vì điều đó. Vị chiến lược gia này thất bại trong việc định hình xây dựng lối chơi cho đội nhà. Năm ngoái, tuyển U22 nước này dưới sự dẫn dắt của cựu thành viên tuyển Thái Lan từng giành huy chương vàng SEA Games, song lối chơi lại quá tẻ nhạt và vấp phải nhiều chỉ trích.

Dù vậy, đổ hết mọi trách nhiệm cho HLV Worrawoot hơi bất công. Ngay cả khi đưa một Kiatisak "Zico" Senamuang huyền thoại ngồi ghế chỉ đạo Olympic Thái Lan, sự khởi sắc cũng chưa chắc xuất hiện.

Theo báo chí Thái Lan, bóng đá nước này cần cải tổ.

Bởi tuyển Thái Lan của "Zico Thái" vào bán kết ASIAD 2014 hoàn toàn khác xa so với hiện tại. Bốn năm trước tại Hàn Quốc, "Voi chiến" tập hợp nhiều tên tuổi như Kawin Thamsatchanan, Chanathip Songkrasin, Charyl Chappuis hay Sarach Yooyen... Đó toàn cầu thủ tài năng.

Còn ở Indonesia, tuyển Olympic Thái Lan chỉ có vài gương mặt tiềm năng như Chenrop Samphaodi, Tanasith Siripala and Supachai Chaided.

Tờ báo Thái Lan phân tích cách làm của FAT khi cứ tìm "một người chịu trách nhiệm, rồi sa thải" sau thất bại của nước nhà sẽ chẳng đi tới đâu. Còn nhớ hồi đầu năm, HLV Zoran Jankovic bị đẩy ra đường sau thành tích bết bát của tuyển U23 Thái Lan ở giải U23 châu Á 2018.

Trong khi đó, những gì bóng đá Thái Lan cần là một chiến lược cụ thể, kế hoạch dài lâu cho cầu thủ trẻ. Đó chưa kể thất bại ở các cấp độ U23 trở xuống cho thấy giải vô địch quốc gia ở xứ sở chùa vàng đang gặp vấn đề. Họ không đào tạo ra những đôi chân tài năng như lứa Kawin, Chanathip...

Tuyển Olympic Thái Lan chơi tệ ở ASIAD 2018.

Lúc này, các đội bóng ở Thái Lan chỉ chú trọng đến thành tích chung, làm sao để thu về nguồn lợi nhuận cao nhất, chứ không quan tâm đến tương lai đội tuyển quốc gia. Điều này khiến các đội trẻ Thái Lan phải nhận những thành tích rất bết bát từ sau SEA Games 2017.

Mới đây, Chủ tịch Somyot của FAT lên tiếng trấn an người hâm mộ, tiết lộ đang xây dựng kế hoạch lâu dài giúp tuyển Thái Lan dự World Cup 2026. Niềm hy vọng của "Voi chiến" được đặt lên vai lứa cầu thủ U16 đang ăn tập ở Tây Ban Nha. Song, những CĐV muốn thấy thành quả hiện tại.

Bóng đá Thái Lan cần cuộc cải tổ toàn diện. Có như vậy, người hâm mộ mới không còn lo âu. Từ đây tới cuối năm vẫn còn sân chơi AFF Cup 2018, giải đấu trở thành chiếc phao cứu rỗi tạm thời cho "Voi chiến". Nhưng ngay cả khi vô địch đi nữa, cách làm của FAT vẫn để lại nhiều hoài nghi.

Nguyên Trí

Ảnh: Getty Images.

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/sau-that-bai-o-asiad-bong-da-thai-lan-can-cai-to-toan-dien-post873646.html