Sau thượng đỉnh Helsinki, báo Nga hết lời khen Tổng thống

Sau cuộc đàm phán giữa nhà lãnh đạo Nga và Mỹ tại Helsinki, truyền thông Nga đã đồng loạt ca ngợi đây là một chiến thắng cho Tổng thống Vladimir Putin khi phá vỡ quyết tâm của phương Tây trong việc cô lập nước Nga.

Hợp tác Nga-Mỹ giúp giảm chiến tranh và khủng bố toàn cầu.

Dù khác biệt trong một số vấn đề nhưng sự hợp tác Mỹ-Nga là cách tốt nhất để có thể giảm thiểu khả năng nổ ra một số cuộc đối đầu quân sự trên toàn cầu, các nhà phân tích nói với Sputnik, bình luận về thành công của hội nghị thượng đỉnh Helsinki.

Tại cuộc họp báo sau hội nghị hôm 16/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết sau cuộc hội đàm với lãnh đạo Mỹ Donald Trump rằng, Moscow cùng với Mỹ đã đạt được một số đề xuất hợp tác chung về việc không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Nga cũng đề nghị Moscow và Washington tái lập một nhóm làm việc chống khủng bố, gợi ý rằng Nga và Mỹ có thể có những vai trò hàng đầu trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Syria.

Giảm rủi ro

Nhà Sử học Todd Pierce nhận định rằng, những đề xuất mới có thể làm giảm nguy cơ chiến tranh toàn cầu nếu Washington từ bỏ khuynh hướng lật đổ các Chính phủ mà họ không thích.

"Bất kỳ sự hợp tác nào giữa hai quốc gia hạt nhân này đều sẽ có lợi cho thế giới, thông qua việc giảm khả năng gây ra chiến tranh đến từ giới quân sự Mỹ", Pierce nói với Sputnik. "Đầu tiên, các nhóm chống khủng bố của Mỹ nên cam kết từ bỏ các mục tiêu lật đổ chế độ như một chính sách đối ngoại ưu tiên của mình".

Nhà sử học này giải thích, hai chính quyền Mỹ trước đây tăng cường các cuộc chiến chống khủng bố mà kết quả cuối cùng đều là sự xâm lược quân sự.

"Nga chỉ cần kìm hãm các cuộc chiến của Mỹ là khủng bố tự nhiên sẽ ít đi. Không cần phải tìm đâu xa, đó sẽ là một sáng kiến chống khủng bố hiệu quả mà nước Mỹ mong chờ”, ông nói.

Mặc dù Tổng thống Trump đang cho thấy sự đồng điệu trong các cuộc đàm phán với người đồng cấp Putin, ông lại được ghi nhận là có những động thái làm thúc đẩy sự căng thẳng toàn cầu, bao gồm cả việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.

"Tổng thống Trump với người bạn thân của mình - Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu không mang đến nhiều hy vọng hơn về việc giảm đi quyết tâm chống lại Iran", Todd Pierce cho hay.

Tuy nhiên, triển vọng của mối quan hệ được cải thiện và ngày càng tăng, sự hòa hợp mới giữa Mỹ và Nga có thể đóng vai trò như một ảnh hưởng hạn chế đối với các xung đột quân sự của Washington, do đó làm giảm động lực chính thúc đẩy sự phát triển của khủng bố quốc tế.

Lý do lạc quan

Sĩ quan quân đội Mỹ đã nghỉ hưu Đại tá Doug Macgregor nói với Sputnik rằng cuộc họp Helsinki là một bước tiến quan trọng và mang tính xây dựng.

"Bất chấp sự phản đối từ giới bảo thủ Washington, cuộc họp của Tổng thống Trump với Tổng thống Putin mang đến những lý do có thể lạc quan", ông nói.

Trên khắp các mặt báo nước Nga đều nói về thành công của hội nghị thượng đỉnh Helsinki.

Cả hai nhà lãnh đạo đều bày tỏ sự sẵn sàng hợp tác trong một số lĩnh vực quan trọng, đặc biệt là Syria và hạt nhân, cựu sĩ quan này cho biết.

Ông cũng cho rằng, cả Tổng thống Trump và Tổng thống Putin đều nhận định cuộc đàm phán là "thành công", "hiệu quả" và rất cần thiết để cải thiện mối quan hệ giữa các quốc gia. Không những vậy, nhà lãnh đạo Nga còn nói rằng đó mới chỉ là bước đi đầu tiên của cả hai.

Truyền thông Nga ca ngợi

Sau cuộc đàm phán giữa nhà lãnh đạo Nga và Mỹ tại Helsinki, truyền thông Nga đã đồng loạt ca ngợi đây là một chiến thắng cho Tổng thống Vladimir Putin khi phá vỡ quyết tâm của phương Tây trong việc cô lập nước Nga.

"Những nỗ lực của phương Tây để cô lập Nga đã thất bại" là tiêu đề bài viết trên trang đầu của báo Rossiyskaya Gazeta.

Lời khen ngợi của giới chính trị Nga về màn trình diễn của ông Putin tại hội nghị là một sự tương phản hoàn toàn so với Washington, nơi đảng Cộng hòa của Tổng thống Donald Trump đã chỉ trích ông tỏ ra lép vế trước người đồng cấp.

Tại Moscow, đã có một sự công nhận rằng hội nghị thượng đỉnh không tạo ra bất kỳ đột phá nào về các vấn đề như Syria, Ukraine hoặc kiểm soát vũ khí. Thay vào đó, trọng tâm mà truyền thông Nga ca ngợi là hình ảnh mang đầy tính biểu tượng về nhà lãnh đạo của siêu cường lớn nhất thế giới phải ngồi xuống đàm phán trực tiếp với ông Putin sau bốn năm Moscow bị cô lập.

“Thật buồn cười khi nhớ lại những điều vô nghĩa từ Obama và cộng sự của ông ta khi nói Nga là một 'cường quốc khu vực' yếu kém”, Alexey Pushkov, một thành viên của thượng viện Nga, nhắc đến cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama.

"Sự chú ý của toàn thế giới hôm nay tập trung vào Helsinki và đó là thông điệp rõ ràng cho tất cả mọi người: số phận của thế giới đang được quyết định bởi Mỹ và Nga, nhà lãnh đạo của hai cường quốc lớn của hành tinh chúng ta đang gặp nhau", ông Pushkov nói trong một bài đăng trên Twitter hôm 16/7.

Nguồn Người Đưa Tin: http://nguoiduatin.vn/sau-thuong-dinh-trump-putin-my-se-tu-bo-thon-tinh-nuoc-khac-a378504.html