Sau Trung Quốc, chứng khoán Mỹ đang 'ngấm đòn'?

Chứng khoán Mỹ đóng cửa giảm mạnh hôm thứ Năm, trước những lo ngại về tăng trưởng toàn cầu và khi các nhà đầu tư tiếp tục soi xét biên bản cuộc họp tháng 9 của Cục Dự trữ Liên bang (FED), vốn được coi là ngày càng có quan điểm 'diều hâu'.

Sự lao dốc mạnh của thị trường chứng khoán Trung Quốc càng tô đậm những bất an về những rủi ro tiềm tàng mà các thị trường mới nổi phải đối mặt. Bất ổn có khả năng lan rộng sang các khu vực khác, cũng như ảnh hưởng của căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đến nền kinh tế toàn cầu.

Nỗi lo ngại từ Trung Quốc lan sang Mỹ

Chỉ số công nghiệp Dow Jones rớt mạnh 327,23 điểm, tương đương 1,3%, kết thúc tại 25.379,45 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 40,43 điểm, tương đương 1,4%, đóng cửa tại 2.768,78 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 157,56 điểm, tương đương 2,1% xuống 7.485,14 điểm.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã rớt xuống mức thấp nhất trong bốn năm qua, kết hợp với một Fed dường như đang rất hăm hở đẩy nhanh lộ trình tăng lãi suất càng làm xói mòn tâm lý của các nhà đầu tư.

Biên bản cuộc họp tháng 9 của FED, được công bố hôm thứ Tư, cho thấy các nhà hoạch định chính sách đang chuẩn bị sẵn sàng tiến lên phía trước với các đợt tăng lãi suất nhiều hơn, mà lần gần nhất khả năng sẽ diễn ra vào đầu tháng 12 như mong đợi. Dù chính sách thắt chặt không có gì ngạc nhiên nhưng nó làm tăng mối lo ngại về việc chi phí đi vay sẽ tăng lên theo và tác động rủi ro đến giá cổ phiếu.

Đợt bán tháo trên thị trường cố phiếu trong tuần trước được cho một phần là do lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ vọt tăng, điều này khiến dòng tiền từ cổ phiếu bị rút ra và có thể rót vào trái phiếu với rủi ro bằng 0. Việc tăng lãi suất dự kiến của FED cũng sẽ góp phần đẩy lợi suất trái phiếu lên cao hơn.

Sự lo ngại về diễn biến của các thị trường châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, cũng có thể gây áp lực lên tâm lý các nhà đầu tư. Chỉ số tổng hợp Shanghai trên sàn Thượng Hải giảm 2,9% và Shenzhen của sàn Thâm Quyến giảm 2,7% vào hôm qua. Sự sụt giảm mạnh của thị trường Trung Quốc diễn ra sau khi đồng nhân dân tệ của nước này rớt xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1/2017.

Chứng khoán Trung Quốc đã rớt xuống mức thấp nhất trong nhiều năm

Trong báo cáo tiền tệ vừa được công bố vào cuối ngày thứ Tư, Mỹ đã hạn chế dán nhãn thao túng tiền tệ cho Trung Quốc, tuy nhiên điều này lại làm dấy lên những lo ngại Bắc Kinh có thể tận dụng điều đó để tiếp tục phá giá đồng nhân dân tệ nhiều hơn, và do đó giới đầu tư đã sớm bán tháo đồng tiền này.

Trong khi đó, xung đột thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt, do đó tiếp tục đe dọa làm hạn chế tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, các dữ liệu kinh tế công bố của Mỹ vẫn cho thấy sự lạc quan.

Số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu giảm 5.000 đơn trong tuần trước, theo đó trong tuần kết thúc ngày 13/10 chỉ còn 210.000 Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu, theo dữ liệu công bố từ Bộ Lao Động Mỹ. Con số này đúng như dự báo của các nhà kinh tế, và cũng đang ở mức thấp nhất trong 49 năm qua.

Chỉ số sản xuất do ngân hàng dự trữ tại Philadelphia công bố giảm nhẹ so với tháng trước, từ mức 22,9 trong tháng 9 xuống 22,2 trong tháng 10. Tuy nhiên, dữ liệu trên vượt dự báo và cho thấy hoạt động trong các nhà máy vẫn đang tích cực.

Thị trường có thể tiếp tục suy yếu

Bruce Bittles, chiến lược gia đầu tư chính tại Baird, cho rằng thị trường hiện đang ở giữa tháng 10, một tháng nổi tiếng về sự biến động mạnh, khi tình trạng quá mua và hàng loạt tin tức về lợi nhuận của các doanh nghiệp đã góp phần vào sự yếu kém của thị trường.

Ông chia sẻ: "Về mặt kỹ thuật, chúng ta có thể thấy thị trường đang rất dễ bị tổn thương khi mà nhóm cổ phiếu dẫn dắt đang đao động trong biên độ rất hẹp tại vùng đỉnh, với những người đang sở hữu các cổ phiếu trong nhóm FAANG đều đang muốn bán đứt thông qua các quỹ ETFS hoặc các quỹ tương hỗ. Do đó, sự suy yếu là bình thường và diễn biến đến nay cho thấy khả năng một sự điều chỉnh có thể tiếp tục, để lấy lại sự cân bằng chuẩn bị cho khả năng phục hồi vào cuối năm nay”. FAANG là từ viết tắt của các cổ phiếu công nghệ phổ biến được tạo thành từ Facebook, Apple, Amazon, Netflix và công ty mẹ của Google là Alphabet.

Tom Essaye, chủ tịch của Sevens Report, chỉ ra dữ liệu xuất khẩu yếu kếm của Nhật Bản và sự điều chỉnh mạnh của thị trường chứng khoán Trung Quốc là lý do cho thấy các giao dịch sẽ tiếp tục suy yếu.

Ông nói: “Có sự kiện tiêu cực nào đang diễn ra đối với chứng khoán Mỹ không? Có lẽ là không, nhưng chúng ta cần một số tin tốt để thị trường có thể bật lên cao hơn”. Essaye dự đoán rằng khi mùa thu nhập nóng lên vào tuần tới, tin tốt lành sẽ diễn ra. “Nhưng từ giờ cho đến khi chúng ta có được con số tăng trưởng lợi nhuận và dữ liệu vĩ mô rõ ràng, thì cổ phiếu sẽ tiếp tục đi ngang, nếu không giảm”.

Jay Hatfield, Giám đốc điều hành và quản lý danh mục đầu tư tại Infrastructure Capital Management, lý giải sự suy yếu gần đây của cổ phiếu là do “hành vi bình thường của thị trường chứng khoán tháng 10”, đó là kết quả của các lệnh bán khống ngắn hạn tăng lên trong khi hành vi mua lại sụt giảm, điều này thường xuất hiện trong giai đoạn đầu mùa công bố thu nhập. Ông nói: "Thị trường sẽ tiếp tục bị trói buộc trong những yếu tố trên cho đến tuần tới hoặc tiếp tục như vậy cho đến khi tìm thấy đáy”.

ĐỒNG AN

Chứng khoán châu Á đỏ lửa vào hôm qua, với chỉ số chứng khoán trên thị trường Trung Quốc rớt xuống mức thấp nhất trong nhiều năm, trong khi chứng khoán châu Âu cũng đi xuống theo diễn biến thoái lui chung của toàn cầu.

Giá dầu thô giảm mạnh, trong khi giá vàng leo lên cao hơn và chỉ số USD Index không có nhiều biến động.

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/sau-trung-quoc-chung-khoan-my-dang-ngam-don-15495.html