Sau Vinaca ung thư Co3.2, còn bao nhiêu thực phẩm chức năng lừa dối người bệnh?

Thị trường thực phẩm chức năng (TPCN) ở Việt Nam đang phải đối diện với nhiều khó khăn. Vì lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp đã không ngần ngại công bố không đúng chất lượng, hoặc thổi phồng công dụng sản phẩm như là 'thần dược'.

Sản phẩm ung thư vinaca được quảng cáo hỗ trợ điều trị ung thư

Số vụ TPCN giả, thổi phồng công dụng được lực lượng chức năng phát hiện không phải ít. Cuối năm 2017, Công an Hà Nội bắt quả tang dược sĩ bán TPCN hỗ trợ điều trị ung thư giả. Sản phẩm TPCN mang nhãn hiệu Vidatox. Đây là sản phẩm từng tạo cơn sốt khi được thổi phồng điều trị ung thư. Nhiều người bệnh đã săn lùng sản phẩm này với mong muốn chữa được bệnh.

GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K đã phải lên tiếng: Tại Việt Nam đang lưu hành 2 dạng Vidatox, một là thuốc, hai là TPCN. Sản phẩm dạng thuốc mới được nghiên cứu lâm sàng tại Bệnh viện K và chưa được phép lưu hành. Sản phẩm dạng thuốc có tác dụng giảm đau, giảm nhẹ triệu chứng ở người bệnh ung thư chứ chưa có tác dụng điều trị ung thư.

Thời điểm này, cơ quan chức năng đang làm rõ khuất tất việc sản xuất các sản phẩm của Công ty THNN Vinaca. Cơ sở chuyên sản xuất thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị ung thư từ bột than tre mặc dù lọt vào tầm ngắm của công an quận Kiến An từ tháng 11.2017, nhưng phải đến tháng 1.2018, hoạt động phạm pháp này mới bị lật tẩy bởi phương thức thủ đoạn rất tinh vi.

Ngay sau khi hai cơ sở sản xuất của Công ty TNHH Vinaca bị đánh sập, các điểm chuyên bày bán các mặt hàng của công ty này tại địa bàn TP. Hải Phòng và Quảng Ninh đều đồng loạt đóng cửa. Một lượng lớn các sản phẩm của Vinaca được bày bán tại Hà Nội cũng đã bị Sở Y tế Hà Nội thu hồi.

Bệnh ung thư vốn là căn bệnh hiểm nghèo, bởi thế những phương thuốc hiện đại, đắt tiền thường được coi như những cơ hội cuối cùng của người bệnh. Thế nhưng, vẫn có những gian thương, lợi dụng tình trạng sức khỏe của người bệnh để kinh doanh những hộp thuốc điều trị ung thư giả nhằm trục lợi bất chính.

Hàng loạt các vụ TPCN giả, thổi phồng bị bắt giữ trong thời gian qua, dư luận có quyền đặt câu hỏi: Liệu còn bao nhiêu TPCN giả, thổi phồng còn tồn tại chưa bị phát hiện?

TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay sai phạm liên quan đến các sản phẩm TPCN hay gặp nhất là doanh nghiệp cố tình quảng cáo thổi phồng công dụng của sản phẩm. Đồng thời, quảng cáo nhưng nội dung không đúng với nội dung quảng cáo đã đăng kí, đã được Cục An toàn thực phẩm xác nhận, quảng cáo sai về đối tượng sử dụng, thành phần cấu tạo, sai về công dụng. Cũng có trường hợp quảng cáo sản phẩm có công dụng gần giống hoặc làm người dân dễ hiểu là thuốc chữa bệnh.

Trước tình hình ngày càng nhiều cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh TPCN, hoặc đánh đồng giữa thuốc với TPCN, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư 43/2014/TT-BYT quy định về quản lý TPCN. Tuy nhiên, trên thực tế, những vi phạm trong sản xuất, kinh doanh TPCN vẫn diễn ra.

LH

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/suc-khoe/sau-vinaca-ung-thu-co32-con-bao-nhieu-thuc-pham-chuc-nang-lua-doi-nguoi-benh-601114.ldo