Sau vụ học sinh bị bỏ quên trên ô tô, ai cần học kỹ năng sống?

Sau vụ một học sinh được cho là bị bỏ quên trên ô tô và đã tử vong, một câu hỏi vẫn tiếp tục được đặt ra là kỹ năng sống không chỉ cần thiết cho trẻ nhỏ mà cả những người quản lý trẻ nhỏ. Kỹ năng sống là điều cần thiết cho bất cứ ai.

Trước thềm năm học mới, câu chuyện trẻ bị bỏ quên trên ô tô thêm một lần nữa đề cao tầm quan trọng của giáo dục kỹ năng. Và có một câu hỏi phải tìm cách trả lời: “Chúng ta nên làm gì để thế giới này trở nên an toàn hơn cho trẻ em?”.

Phụ huynh luôn mong muốn con em mình được trang bị những kỹ năng mềm bên cạnh kiến thức. Nhưng vụ 3 trẻ mầm non bị bỏng nặng khi tham gia học kỹ năng phòng chống cháy nổ ở Hà Nam khiến tôi cứ băn khoăn với suy nghĩ: Trẻ học kỹ năng bao nhiêu là đủ?

Một đứa trẻ 3-5 tuổi “vắt mũi chưa sạch”, còn phụ thuộc cha mẹ trong việc ăn uống, vệ sinh thì dạy cứu hỏa để làm gì? Rõ ràng, giáo viên dạy sai phương pháp, ngô nghê, mơ hồ cả về mục đích lẫn yêu cầu.

Trước đây, không ít người từng lên tiếng cảnh báo nội dung dạy trẻ thoát hiểm bằng bình cứu hỏa. Có một nguyên tắc là tuyệt đối giữ an toàn cho trẻ trong quá trình giảng dạy. Vì thế, việc dạy trẻ trong các sự cố, tai nạn thường là dạy thoát hiểm, trẻ không nên tự cứu hỏa khi chính bản thân chưa hết nguy hiểm. Và một điều quan trọng, ngay chính người lớn phải được đào tạo bài bản trước khi dạy cho trẻ. Ở nước ngoài, giáo viên đều được dạy thoát hiểm từ nhỏ và có kỹ năng cứu hỏa khi lớn lên. Vì thế, khi dạy trẻ, họ có thể xử lý được mọi việc đơn giản.

Nhìn lại, trẻ con thời nay không có nhiều thời gian để vun đắp các mối quan hệ cũng như trang bị những kỹ năng thiết yếu. Đáng nói, sau sự cố nào đó, phụ huynh sẽ đi tìm các khóa học cấp tốc với hy vọng con sẽ đủ bản lĩnh để vượt qua hiểm nguy. Thậm chí, nhiều người còn “cực đoan hóa” vai trò của kỹ năng sống trong khi để trẻ tự tin và trưởng thành, vài buổi tại khóa học cấp tốc chẳng khác nào “muối bỏ bể”.

Ba trẻ mầm non bị bỏng khiến tôi nhớ lại chuyện dạy trẻ kỹ năng sống bằng cách đi qua thủy tinh từng ồn ào trước đây. Kỹ năng sống ở Việt Nam được hiểu méo mó. Bên cạnh kiến thức, trẻ em cần kỹ năng - nhưng triết lý này chưa được áp dụng đúng trong thực tế.

Còn nhớ cách đây 3 năm, một em bé 7 tuổi người Nhật bị bỏ rơi trong rừng nhưng vẫn sống sót cho tới khi có đội cứu hộ tới. Khi tìm được căn nhà nhỏ, cậu biết uống nước để cầm hơi, biết giữ ấm cơ thể. Đó là một minh chứng cho thấy khi có kỹ năng, các em có thể hóa giải được hiểm nguy.

Tại một hội nghị mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu "năm học mới 2019-2020 phải tạo chuyển biến căn bản trong đạo đức, lối sống, kể cả kỹ năng sống trong học sinh, sinh viên".

Nhưng đâu đó, chúng ta vẫn nhìn thấy trẻ em “quên” đội mũ bảo hiểm... “Nước xa không cứu được lửa gần”, bảo vệ trẻ em nghĩa là phải phòng ngừa các nguy cơ có thể xảy đến từ xa chứ không phải chạy theo giải quyết hậu quả.

Tuy nhiên, những rủi ro trẻ vẫn gặp phải như bị xâm hại tình dục, bị đánh hội đồng… người ta đòi hỏi cải cách lại hệ thống giáo dục và một giải pháp công nghệ mới cho việc nuôi dạy trẻ. Nhưng dù môi trường sống có hiện đại đến đâu cũng không thay thế được vai trò và trách nhiệm của người lớn. Chẳng có một khóa học nào tốt bằng việc trẻ được tự do giao tiếp với xã hội, với thiên nhiên và được lớn lên từ cuộc sống. Bản năng sinh tồn vốn sẵn có trong mỗi con người nhưng kỹ năng này thường được tăng lên nhờ rèn luyện chứ không phải kiểu “mất trộm mới lo rào vườn”.

Krishnamurti - nhà triết học người Ấn Độ cho rằng, sứ mệnh của giáo dục không phải là để tạo ra những kĩ sư, những nhà khoa học, ý nghĩa sau cùng của giáo dục là khiến cho con người biết trân trọng sự sống...

Trẻ em như những mầm non được lớn lên dưới ánh sáng, được chăm bón, tưới tắm hằng ngày mới thành những cây vững chãi. Nhưng không ít phụ huynh lại cho rằng, việc học của trẻ giống như ăn uống, con học nhiều thứ thì “không bổ ngang sẽ bổ dọc”. Cứ như vậy, người lớn vô tình tách con trẻ ra khỏi cuộc sống, rồi lại bỏ tiền để mua những khóa học đắt tiền và bắt chúng vào vai những diễn viên ngờ nghệch, nên không?

Nguyệt Hương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/sau-vu-hoc-sinh-bi-bo-quen-tren-o-to-ai-can-hoc-ky-nang-song-99421.html