Sau vụ truy tố Nguyễn Hữu Linh: Rà soát lại 'lỗ hổng' pháp luật

Hoan nghênh các cơ quan chức năng sớm vào cuộc và đưa vụ việc Nguyễn Hữu Linh có hành vi dâm ô trẻ em trong thang máy tại TP.HCM ra ánh sáng, một số đại biểu Quốc hội cho rằng cần rà soát, điều chỉnh liên quan đến tội danh 'dâm ô với trẻ em' thuộc Bộ luật hinh sự.

Vào cuộc vất vả do “lỗ hổng” pháp luật

Chia sẻ bên hành lang Quốc hội chiều 23/5 về việc ban hành cáo trạng truy tố Nguyễn Hữu Linh phạm tội “dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”, với khung hình phạt từ 6 tháng đến 3 năm tù, đại biểu Tạ Văn Hạ - Ủy viên thường trực UB Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội, bày tỏ sự hoan nghênh về sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng.

Theo ông, cơ quan điều tra đã làm hết trách nhiệm, tuy nhiên chính vì pháp luật quy định về hành vi dâm ô trẻ em còn nhiều “lỗ hổng” nên việc vào cuộc điều tra rất vất vả.

Camera ghi lại hình ảnh Nguyễn Hữu Linh có hành vi dâm ô với trẻ em, gây phẫn nộ dư luận

“Mong mỏi của nhân dân và dư luận là nếu hệ thống pháp luật hoàn chỉnh đối với tội danh như dâm ô, ấu dâm… thì các cơ quan chức năng sẽ còn triển khai nhanh hơn nữa mà không cần dư luận phải gây áp lực” – ông Hạ nhìn nhận.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận), đối với vụ việc trên, cơ quan điều tra sẽ căn cứ vào mức độ hành vi, nhân thân để đưa ra quy định về việc có nên bắt tạm giam hay cho tại ngoại đối tượng. Đây là quyết định của cơ quan điều tra. “Tôi nghĩ nên làm tốt công tác tuyên truyền đối tượng phụ nữ, trẻ em để có những cảnh giác. Ngoài ra, thời gian tới, việc đưa vụ việc liên quan đến ông Nguyễn Hữu Linh ra xét xử cũng có tác dụng tốt trong việc răn đe” – ông Cương cho hay.

Luật chưa cụ thể hóa tội “dâm ô trẻ em”

Vụ việc liên quan đến Nguyễn Hữu Linh, khiến nhiều đại biểu băn khoăn về những hạn chế đang tồn tại trong luật hiện nay. Theo ông Tạ Văn Hạ, Điều 146 Bộ luật Hình sự quy định về hành vi dâm ô còn mờ nhạt, không cụ thể, không đưa ra khái niệm cụ thể về việc như thế nào là dâm ô. Do đó việc xử phạt tương ứng đối với tội danh đó chưa được xác lập, đang ở mức nhẹ. Bản thân ông khi góp ý luật này tại nghị trường Quốc hội đã đề nghị xem xét đến việc làm rõ khái niệm “dâm ô”.

Đây cũng là điều khiến đại biểu Phạm Thị Minh Hiền - PGĐ Sở LĐTBXH tỉnh Phú Yên - băn khoăn, khi cho rằng hạn chế nhất của luật hiện nay là tội danh “dâm ô với trẻ em”, vì không quy định cụ thể thế nào là hành vi dâm ô. Các địa phương khi áp dụng luật vào đời sống vì thế gây cách hiểu khác nhau và thiệt thòi nhất vẫn là trẻ em.

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền bên hành lang QH chiều 23/5. Ảnh: D.H

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền bên hành lang QH chiều 23/5. Ảnh: D.H

Theo bà, cơ quan lập pháp cần có điều chỉnh sửa đổi liên quan đến tội danh này. “Cần phải làm rõ thế nào là hành vi dâm ô, hành vi tình dục khác. Có quá nhiều câu chuyện ở đời sống thực tiễn. Đơn cử như vụ ông Nguyễn Hữu Linh, dư luận đang hiểu dâm ô có nghĩa là nựng. Người hiểu luật sẽ biết lách luật thế nào. Và cuối cùng trẻ em là nạn nhân, việc đi tìm công lý rất khó khăn” - bà Minh Hiền chia sẻ.

Cũng theo đại biểu Hiền, song song với đó cần phải tăng nặng hình thức xử phạt bằng pháp luật. Hành vi dâm ô khó minh định vì có yếu tố về mặt bệnh lý. Ngoài việc xử phạt pháp luật thì phải có biện pháp tư pháp tăng cường như điều trị hoặc các biện pháp cứng rắn hơn khi đối tượng trở về cộng đồng.

“Ở nước ngoài, tội dâm ô trẻ em là loại tội phạm tận cùng, nằm dưới đáy xã hội. Nhưng đối với chúng ta, khi tôi có góp ý với luật hình sự sửa đổi về việc cụ thể hóa hành vi dâm ô thì cơ quan thẩm tra giải trình rằng nếu ta quy định cụ thể quá thì ảnh hưởng đến văn hóa của người Việt, như sự yêu thương bày tỏ của người thân đối với trẻ sẽ có khoảng cách. Nhưng ở mức trẻ đã bị các hành vi dâm ô đạt ở mức báo động rồi thì ta phải sử dụng pháp luật cứng rắn để chuyển đổi nhận thức, suy nghĩ của người thân với trẻ ở mức độ nào là yêu thương, mức độ nào là vi phạm thân thể của trẻ” – nữ đại biểu cho biết.

Đại biểu Phan Viết Lượng cũng đồng tình khi đề nghị cần làm rõ thế nào là dâm ô, phải xác định đối tượng đó đang vi phạm quy định gì của pháp luật. Phải đánh giá được tính chất mức độ ảnh hưởng của từng hành vi để áp với chế tài quy định. “Đó là điểm khó, mà nó khiến các cơ quan trong thi hành pháp luật tố tụng đang bị chậm trễ” – ông Lượng nhận định.

Ngày 22.5, Viện KSND Q.4 đã ban hành cáo trạng truy tố Nguyễn Hữu Linh (61 tuổi, nguyên Phó viện trưởng Viện KSND TP.Đà Nẵng, đang cư trú Q.2, TP.HCM) phạm tội “dâm ô đối với người dưới 16 tuổi” theo khoản 1 Điều 146 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), với khung hình phạt từ 6 tháng đến 3 năm tù.

Theo các cơ quan tố tụng tại Q.4, hành vi của Nguyễn Hữu Linh là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến nhân phẩm, danh dự của người dưới 16 tuổi, làm ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự xã hội tại địa phương.

Đồng thời, bản thân bị can là người từng làm việc trong cơ quan tư pháp nhưng vi phạm pháp luật tạo dư luận xấu, gây ảnh hưởng đến cơ quan tư pháp nên cần xử lý nghiêm để có tác dụng răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.

Nhật Lam

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/luat-doi/sau-vu-truy-to-nguyen-huu-linh-ra-soat-lai-lo-hong-phap-luat-post59694.html