Sau xin tăng phí, Bộ GTVT kiến nghị cứu BOT Đèo Cả

Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ xem xét bố trí 1.180 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ dự án hầm đường bộ Đèo Cả.

Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ liên quan đến phần vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án và trạm thu phí La Sơn - Túy Loan, hoàn vốn cho dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả.

Dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả gồm 4 công trình hầm xuyên núi trên QL1: Hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông và hầm Hải Vân. Ảnh: Tổng Cục đường bộ Việt Nam

Theo đó, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Chính phủ xem xét bố trí 1.180 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ dự án, trước mắt bố trí 50 tỷ đồng từ nguồn dự phòng chung và nguồn dự phòng 10%; phần vốn còn lại cân đối trong năm 2020, 2021 và kế hoạch đầu tư công trung hạn năm 2021 - 2025.

“Việc bố trí 1.180 tỷ đồng vốn nhà nước nhằm bảo đảm tổng vốn tham gia thực hiện dự án 5.048 tỷ đồng là phù hợp với các cam kết tại hợp đồng dự án, bảo đảm hiệu quả tài chính của dự án”, Bộ GTVT nêu rõ.

Trước đó, theo phương án tài chính đã được phê duyệt, dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả (gồm hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông và hầm Hải Vân) có tổng vốn 21.612 tỉ đồng. Trong đó, vốn BOT là 16.564 tỷ đồng, nhà đầu tư được sử dụng 7 trạm An Dân, Đèo Cả, Ninh Lộc, Cù Mông, Nam Hải Vân, La Sơn - Túy Loan và trạm Bắc Hải Vân để hoàn vốn, thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 27 năm 5 tháng.

Vốn nhà nước tham gia 5.048 tỷ đồng, sau khi thanh toán chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư..., còn lại 1.180 tỷ đồng Chính phủ đã trình Quốc hội bổ sung cho dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả để bảo đảm hiệu quả tài chính.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 439/2017, trong đó quyết định thu hồi 1.180 tỷ đồng. Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ, việc thu hồi vốn nhà nước đã cam kết hỗ trợ cho dự án đã ảnh hưởng đến phương án tài chính của dự án hầm đường bộ Đèo Cả.

Ước tính, trường hợp không được bổ sung 1.180 tỷ đồng, thời gian hoàn vốn của dự án từ 27 năm 5 tháng sẽ tăng lên khoảng 32 năm 2 tháng.

Đề xuất tiếp tục được thu phí

Trước đó, trạm La Sơn - Túy Loan cũng đã được đồng ý sử dụng để thu phí hoàn vốn cho dự án hầm đường bộ Đèo Cả. Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt phương án tài chính, ký kết hợp đồng với nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc sử dụng nguồn vốn từ trạm thu phí La Sơn - Túy Loan hiện đang vướng luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Theo tính toán của Bộ Giao thông vận tải, trường hợp giữ nguyên trạm thu phí La Sơn - Túy Loan để hoàn vốn cho dự án (với vốn nhà nước hỗ trợ 5.048 tỷ đồng) như hợp đồng đã ký kết, thời gian hoàn vốn khoảng 30 năm 3 tháng.

Trường hợp không thu phí tại trạm La Sơn - Túy Loan, phương tiện trên QL1 sẽ phân lưu sang tuyến La Sơn - Túy Loan (ước khoảng 51%), gây sụt giảm doanh thu tại trạm Bắc Hải Vân trên 1. Trong khi đó, nếu không bổ sung hỗ trợ nhà nước (khoảng 2.280 tỉ đồng theo kết luận kiểm toán nhà nước), thời gian hoàn vốn của dự án tăng đến khoảng 41 năm, phá vỡ phương án tài chính và hợp đồng tín dụng đã ký kết.

Bộ Giao thông vận tải cũng cho rằng, nếu tăng mức phí qua trạm lên tối đa, các phương tiện sẽ đi theo QL1 qua đèo để không mất phí, hiệu quả tài chính sẽ càng giảm.

Trên cơ sở ý kiến các Bộ KH-ĐT, Tài chính, Tư pháp và kết luận của Kiểm toán nhà nước, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Chính phủ cho phép tiếp tục thu phí trạm La Sơn - Túy Loan để hoàn vốn cho dự án theo chủ trương đã được chấp thuận và hợp đồng đã ký kết.

Bộ GTVT luôn sốt sắng cứu BOT?

Không chỉ với BOT Đèo Cả, Bộ GTVT cũng từng đề xuất tăng phí cứu các trạm BOT, điều này khiến dư luận đặt câu hỏi" Tại sao Bộ GTVT luôn lo lắng cho chuyện lời, lãi cục bộ của các doanh nghiệp riêng rẻ mà không lo cho sức khỏe kinh tế của toàn xà hội?

Cụ thể, Bộ GTVT thống kê có 58/60 dự án BOT doanh thu thực tế thấp hơn so với doanh thu dự báo trong phương án tài chính, trong đó 17 dự án doanh thu thực tế chưa đạt 50%.

Để “cứu” các doanh nghiệp BOT, Bộ GTVT đề xuất 2 phương án thu phí. Theo đó, phương án 1 cho phép tăng phí theo hợp đồng dự án, giao Bộ GTVT lựa chọn thời điểm phù hợp để hạn chế tối đa ảnh hưởng chi phí vận tải.

Phương án 2 giữ nguyên mức phí, chỉ tăng theo lộ trình đã ký trong hợp đồng dự án từ năm 2022. Song nhà nước phải bố trí khoảng 5.080 tỉ đồng hỗ trợ các dự án do chưa được tăng giá.

Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận phương án 1 do không phải bố trí ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, Bộ GTVT cũng kiến nghị Thủ tướng giao Bộ tính toán kinh phí nhà nước cần thiết để hỗ trợ các dự án có doanh thu thực tế giảm trên 50% so với phương án tài chính. Trường hợp cần thiết đề xuất nhà nước trưng mua lại toàn bộ dự án.

Tuy nhiên, đề xuất của Bộ GTVT lập tức gặp phải phản ứng mạnh mẽ từ các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội vận tải về việc này.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, thiệt hại mà các doanh nghiệp vận tải hứng chịu do dịch Covid-19 cũng rất lớn. Nhiều tháng nay, các doanh nghiệp vận tải đều hoạt động cầm chừng, chỉ đạt từ 30-50% so với trước đó. Việc tăng phí BOT thời điểm này sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải.

Còn đại diện các doanh nghiệp cho rằng, không thể vì khó khăn của một số nhà đầu tư BOT mà đẩy khó cho cộng đồng doanh nghiệp vận tải.

"Doanh nghiệp vận tải đang "sống dở chết dở", chưa nhận được một đồng hỗ trợ khó khăn giờ lại tăng phí không khác nào "đạp" thêm cái nữa cho doanh nghiệp chết hẳn", ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH Minh Thành Phát (nhà xe Sao Việt) nêu quan điểm.

Bộ GTVT muốn tăng phí 'cứu' BOT: Có bất thường không?

Trong khi đó ông Bùi Danh Liên - nguyên Chủ tịch hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội nói thẳng, đề xuất của Bộ GTVT đang cho thấy tư duy mạnh ai nấy làm. Bộ GTVT chỉ quan tâm tới sự thua thiệt của các doanh nghiệp BOT mà chưa nghĩ đầy đủ tới lợi ích chung.

"Tôi thấy hơi khó hiểu vì trong suốt thời gian này Bộ GTVT đề xuất làm rất nhiều dự án lớn, đường cao tốc hàng trăm, nghìn tỷ nhưng chưa bao giờ thấy đề cập tới chính sách phát triển vận tải.

Phải chăng, trong tư duy của Bộ GTVT chỉ có làm dự án, còn thu từ đâu, tạo ra nguồn thu từ đâu là việc của cơ quan khác lo?

Kiểu điều hành mạnh ai nấy làm đang đẩy các doanh nghiệp vận tải vào thế khó, khiến các doanh nghiệp rất chản nản.

Tôi tin sẽ không có một cơ quan, bộ ngành nào ủng hộ hay tán thành với đề xuất của Bộ GTVT", ông Liên thẳng thắn.

Thái An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/sau-xin-tang-phi-bo-gtvt-kien-nghi-cuu-bot-deo-ca-3413748/