Saudi Arabia phát triển tiềm lực công nghiệp quốc phòng nội địa

Saudi Arabia đã gặt hái được kết quả tích cực trong quá trình thực hiện mục tiêu nội địa hóa trong ngành công nghiệp quốc phòng.

Trang mạng Breaking Defense mới đây dẫn lời ông Ahmad Al-Ohali, người đứng đầu Tổng cục công nghiệp quốc phòng Saudi Arabia (GAMI) cho biết, từ mức 3% vào năm 2016, tỷ lệ nội địa hóa của ngành công nghiệp quốc phòng nước này đã tăng lên 13,7% vào năm 2022. Trong khi ông Al-Ohali thông báo số liệu chính thức của năm 2023 sẽ được công bố vào tháng 4 tới, Tạp chí European Security & Defense cho biết, tính đến giữa năm 2023, tỷ lệ nội địa hóa của ngành công nghiệp quốc phòng Saudi Arabia là gần 15%.

Những thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh Saudi Arabia hiện đang tập trung thực hiện chiến lược "Tầm nhìn 2030" nhằm đa dạng hóa nền kinh tế, trong đó công nghiệp quốc phòng được xác định là một trụ cột. Theo trang mạng Arab News, Riyadh đặt mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ nội địa hóa trong ngành công nghiệp quốc phòng sẽ đạt ít nhất 50% và ngành này sẽ đóng góp trực tiếp khoảng 25 tỷ USD cho Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tạo thêm 100.000 cơ hội việc làm (cả trực tiếp và gián tiếp).

Vào thời điểm chiến lược "Tầm nhìn 2030" được công bố hồi năm 2016, Tạp chí European Security & Defense cho biết, Saudi Arabia có ngân sách quốc phòng lớn thứ 3 thế giới. Thế nhưng, điều đáng nói là chỉ có 3% vũ khí, trang bị kỹ thuật của quân đội Saudi Arabia do các công ty quốc phòng trong nước sản xuất, còn lại là nhập khẩu từ nước ngoài. Trong nhiều thập niên trước đó, Saudi Arabia "thiếu động lực" phát triển ngành công nghiệp quốc phòng nội địa. Thay vì quan tâm tới vấn đề nghiên cứu, phát triển và sản xuất, ngành công nghiệp quốc phòng của quốc gia vùng Vịnh lúc bấy giờ chủ yếu tập trung vào việc lắp ráp, bảo dưỡng sản phẩm. Nguyên nhân chủ yếu là vì Saudi Arabia có đủ năng lực tài chính để mua sắm các sản phẩm quốc phòng mới nhất trên thị trường toàn cầu. Thêm vào đó, Saudi Arabia có quan hệ đối tác chặt chẽ với phương Tây-vốn không ngần ngại cung cấp cho Riyadh số lượng lớn vũ khí, trang bị kỹ thuật.

Các đại biểu Saudi Arabia tham quan Triển lãm Quốc phòng thế giới lần thứ hai tại Riyadh, ngày 4-2-2024. Ảnh: Arab News

Vậy tại sao đến năm 2016, Saudi Arabia lại bắt đầu chú trọng phát triển ngành công nghiệp quốc phòng nội địa?

Theo Tạp chí European Security & Defense, có 3 lý do chính giải thích cho sự điều chỉnh của Riyadh. Thứ nhất, việc mua sắm quốc phòng theo mong muốn của Saudi Arabia bị suy giảm đáng kể do một số quốc gia phương Tây siết chặt chính sách xuất khẩu cùng với sự khác biệt quan điểm về tình hình an ninh khu vực. Phát triển tiềm lực công nghiệp quốc phòng nội địa giúp Saudi Arabia linh hoạt hơn trong một thế giới đầy biến động và khó lường, nhất là khi Riyadh "nỗ lực củng cố sự độc lập về chính trị". Thứ hai, Saudi Arabia ý thức được những biến động khó lường của thị trường dầu mỏ và muốn giảm phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ. Thứ ba, Saudi Arabia không muốn bị tụt lại phía sau trước xu thế nội địa hóa trong ngành công nghiệp quốc phòng tại vùng Vịnh. Phát triển ngành công nghiệp quốc phòng nội địa trở thành "một vấn đề uy tín" với Saudi Arabia.

Kênh truyền hình Al Arabiya cho biết, để thúc đẩy nội địa hóa trong ngành công nghiệp quốc phòng, cùng với những khoản đầu tư khổng lồ, Saudi Arabia còn tạo điều kiện cho hợp tác giữa các doanh nghiệp quốc phòng trong nước với các tập đoàn lớn của nước ngoài, trong đó ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và chuyển giao công nghệ. Tạp chí European Security & Defense đánh giá Saudi Arabia "có tiềm năng lớn" phát triển ngành công nghiệp quốc phòng nội địa. Trong khi đó, ông Al-Ohali tin tưởng đến năm 2030, "chúng tôi sẽ đạt tỷ lệ nội địa hóa 50%, thậm chí là hơn 50%".

"Nội địa hóa giúp quốc gia nâng cao năng lực phát triển và sản xuất các sản phẩm quốc phòng. Nội địa hóa giúp các doanh nghiệp nước ngoài như chúng tôi phát triển nhanh hơn, gia tăng sự hiện diện quốc tế mà chúng tôi đang cần. Như vậy là đôi bên cùng có lợi. Chúng tôi đang mở rộng sự hiện diện và tăng cường quan hệ đối tác tại Saudi Arabia", kênh truyền hình Al Arabiya dẫn lời ông Florent Duleux, Giám đốc xuất khẩu của MBDA-“gã khổng lồ” sản xuất tên lửa của châu Âu có trụ sở tại Pháp và là một liên doanh của các tập đoàn Airbus (Pháp), BAE Systems (Anh), Leonardo (Italy).

HOÀNG VŨ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/saudi-arabia-phat-trien-tiem-luc-cong-nghiep-quoc-phong-noi-dia-765492