Saudi đổ quân sang Syria, Mỹ âm mưu chia cắt Syria

Một đơn vị đầu tiên cùng các chuyên gia của Công ty Dầu khí Quốc gia Aramco của Saudi Arabia đã đổ bộ xuống mỏ dầu lớn nhất Syria là al-Omar

Mỏ dầu ở phía đông tỉnh Deir ez-Zor. Tiếp theo sự hiện diện của Saudi có thể là UAE. Cùng với lực lượng quân sự của Pháp, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ đã hiện diện từ trước ở phía bắc-đông bắc đất nước này, Mỹ đang đẩy mạnh âm mưu chia cắt lâu dài đất nước Syria.

Lực lượng quân sự Saudi Arabia vào Syria

Các nguồn tin quân sự của hãng thông tấn Israel DEBKAfile vừa thông báo một sự kiện quan trọng mới xảy ra vào cuối tuần qua, khi một đội quân của Saudi Arabia đã lần đầu tiên đổ bộ xuống các mỏ dầu của Syria ở khu vực miền đông Syria, nằm ở phía đông tỉnh Deir ez-Zor (thuộc phần phía đông sông Euphrates).

Quân đội Saudi đã chiếm các vị trí xung quanh mỏ dầu Omar, mỏ dầu lớn nhất của Syria. Nhiệm vụ chính của họ là bảo vệ các kỹ sư và kỹ thuật viên của Công ty Dầu khí quốc gia Aramco của Saudi Arabia, những người đến để sửa chữa các thiết bị bơm dầu bị vô hiệu hóa trong những năm chiến tranh.

Hoạt động khai thác dầu mỏ của Saudi và lực lượng quân sự của họ tại mỏ dầu Omar đang được phối hợp chặt chẽ với các nhóm quân mặt đất nhỏ của Mỹ và không quân Mỹ, cùng với Các Lực lượng Dân chủ Syria (SDF, nòng cốt là Các Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd Syria - YPG).

Bài viết trên trang web của DEBKAfile bình luận, mặc dù lực lượng quân sự của Saudi Arabia ở Syria là không lớn, nhưng việc quân đội nước này hiện diện trên lãnh thổ Syria là một sự kiện lịch sử, bởi đây là lực lượng quân sự đầu tiên của các quốc gia Ả rập đặt chân đến mảnh đất này.

Nó sẽ mở đường cho sự hiện diện của những đồng minh Ả rập khác của Mỹ trong công cuộc xây dựng các cơ sở kinh tế ở những khu vực đối lập với chính quyền Damascus, chia cắt đất nước Syria.

Việc tiếp quản mỏ dầu lớn nhất Syria của một lực lượng quân đội Saudi Arabia (có thể là sẽ thêm một vài nước khác) dưới chiếc ô bảo trợ của Mỹ có thể là một công cụ thay đổi cuộc chơi trong khu vực, giúp Mỹ và đồng minh có lợi thế chống lại Nga, Iran và Syria.

Hoạt động này dường như nằm trong một chiến lược lâu dài của Mỹ, đã được hoạch định từ trước đây rất lâu. Gần đây nhất là ngay từ năm 2018, ông Donald Trump đã chuẩn bị cho kịch bản này, với việc thúc đẩy Pháp triển khai 5 căn cứ ở Aleppo, Raqqa và al-Hasakah, đồng thời dọn đường cho Saudi Arabia tiến quân vào Syria.

Ông Trump trao “trọng trách lớn” ở Syria cho đồng minh

Ngay từ đầu năm 2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không giấu giếm ý định rút quân khỏi Syria, nhưng ông vẫn muốn Mỹ giữ được vị thế ở đây và các khu vực nằm dưới sự kiểm soát của người Kurd ở đông bắc Syria vẫn sẽ nhận được sự hỗ trợ lớn nhất.

Do đó, người đứng đầu Nhà Trắng đã tuyên bố sẽ sớm chuyển trọng trách sang vai “một đồng minh lớn”, để cùng nhau ổn định tình hình ở Syria. Giới truyền thông cho rằng, Saudi Arabia và Pháp sẽ là người thay thế vai trò của Mỹ, còn các nước khác như Qatar, UAE cũng có thể sẽ tham gia nhưng với vai trò thấp hơn. Và quả nhiên những dự đoán đang trở thành hiện thực.

Tháng 3/2018, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa tin rằng, Pháp đã xây dựng 5 căn cứ và cứ điểm quân sự ở miền Bắc Syria, trong khu vực được SDF kiểm soát ở Aleppo và Raqqa, sau đó mở rộng sang al-Hasakah.

Đặc biệt là việc Pháp mời phái đoàn của PYD và YPG sang thăm hôm 29/3/2018 và được Tổng thống Macron tiếp đón trọng thị, một dấu hiệu cho thấy Paris đã sẵn sàng hỗ trợ Mỹ trong giai đoạn sau khi cuộc chiến chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo kết thúc.

Bên cạnh đó, Washington cũng đã có những động thái thúc giục Riyadh cùng san sẻ gánh nặng ở Syria. Trong chuyến thăm Mỹ của Thái tử Saudi Arabia Muhamed bin Salman (MbS) ngày 20/3/2018, những cuộc hội đàm với ông Trump đã cho vị Thái Tử này thấy rằng, việc Saudi phải đưa quân sang Syria là điều không thể tránh khỏi.

Ở Washington, ông Trump đã nói với MbS rằng: "Hãy cho tôi 4 tỷ dollars để trang trải các chi phí giúp chính quyền mới được thành lập ở Bắc Syria trụ vững và khôi phục khu vực này hậu chiến tranh”, nếu không Mỹ sẽ không đảm bảo sự hiện diện quân sự ở Bắc Syria. Ý của ông Trump là Mỹ đã làm đủ những gì cần làm và đã đến lúc các quốc gia khác phải bước vào Syria và tự chăm lo lợi ích an ninh của mình.

Nhận được thông điệp từ Washington, chính quyền Ryiadh lo ngại rằng, sự ra đi của các lực lượng Hoa Kỳ ở các căn cứ phía đông sông Euphrates sẽ khiến Đông Syria lập tức bị đe dọa bởi các lực lượng thân Tehran, điều này đe dọa trực tiếp đến an ninh của Jordan và Israel, gián tiếp gây nguy hại cho Saudi.

Sau nhiều nỗ lực, bất chấp sự không đồng thuận của Lầu Năm Góc, cuối cùng ông Trump cũng đã cơ bản thực hiện được lời hứa của mình là rút một phần lực lượng khỏi Syria. Và giờ là lúc các đồng minh như Pháp, Saudi Arabia hay UAE đóng vai trò của “kẻ thay thế” Mỹ, bảo kê cho người Kurd tiếp tục chiếm giữ một phần lãnh thổ phía đông-đông bắc, chia cắt đất nước Syria.

Mỹ cố gằng thực hiện âm mưu chia cắt Syria

Suốt 3 thập kỷ qua, Mỹ chưa bao giờ từ bỏ âm mưu thay đổi chế độ hiện đang chống lại định hướng của Mỹ ở Syria. Để thực hiện âm mưu này, một kế hoạch xuyên suốt mang tên “Phân rã Syria” đã được Washington và đồng minh chủ chốt ở Trung Đông là Saudi Arabia âm thầm vạch ra và được Lầu Năm Góc, cùng với CIA tiến hành từ hàng chục năm qua.

Kế hoạch với 3 giai đoạn “Phân rã đất nước; lật đổ chính quyền thân Nga; dựng chính quyền thân Mỹ ở Syria” được Jeffrey D. Feltman - cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Trung Đông (hiện là Đại sứ Mỹ tại Israel) vạch ra, với sự cố vấn của cựu Đại sứ Saudi Arabia tại Washington - Hoàng tử Bandar bin Sultan. Do đó, nó còn được gọi là “Kế hoạch Feltman-Bandar” và bắt đầu được triển khai ngay từ năm 2008.

Kế hoạch này được chia làm 3 phần, phần 1 là khởi động cuộc nội chiến ở Syria, khiến thực lực đất nước suy yếu, đánh bại quân chính phủ; phần 2 là mở rộng can thiệp, lật đổ chính quyền Assad và phần 3 là dựng lên một chính quyền mới từ các nhóm đối lập thân Mỹ.

Mỹ muốn Syria hậu Assad sẽ có cơ chế nhà nước kiểu liên bang, chia tách thành các thực thể chính quyền địa phương được quy hoạch theo khu vực sinh sống của các nhóm dân tộc và giáo phái khác nhau, đặc biệt là Alawite, người Sunni, người Shiite, người Kurd và tín đồ Thiên Chúa giáo.

Trước tháng 9/2015, phần 1 của kế hoạch này đã gần hoàn thành, nhưng sự can thiệp quân sự của Nga vào Syria đã khiến Mỹ không thể thực hiện tiếp phần 2. Do đó Mỹ buộc phải mở rộng sự can thiệp và chuyển sang thực hiện “Kế hoạch B”. Kế hoạch B bao gồm 2 biện pháp chính; trong đó biện pháp chủ yếu là lập liên minh để “can thiệp quân sự trực tiếp dưới danh nghĩa chống khủng bố” ở Syria.

Liên minh này bao gồm cả Anh, Pháp và các quốc gia Trung Đông như: Saudi Arabia, UAE, Qatar, Jordan và đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ. Liên minh này sẽ tung quân vào Syria, lấy danh nghĩa chống khủng bố để tránh đối đầu với Nga và quân đội của Assad, chỉ tập trung đánh IS và al-Qaeda.

Do đó, đến tháng 10/2015, Mỹ đã thành lập Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF) làm nòng cốt cho chiến dịch chống IS trên mặt đất ở Syria (Mỹ đã không kích IS ở Syria từ năm 2014); hậu thuẫn cho người Kurd chiếm một khu vực rộng lớn ở Syria từ tay IS.

Đến năm 2016, Thổ Nhĩ Kỳ cũng tung quân sang Syria với danh nghĩa chống khủng bố để chiếm những vùng đất khác ở Syria. Trên danh nghĩa, Washington và Ankara không ưa nhau và hành động độc lập với nhau; Thổ Nhĩ Kỳ với người Kurd có thù oán với nhau; nhưng trên thực tế, tất cả những hành động này đều phục vụ âm mưu xé nát Syria.

Đến thời điểm hiện nay, Mỹ và đồng minh đã thiết lập hàng loạt các khu vực do nước ngoài và phe đối lập kiểm soát, thành lập các chính quyền quản lý độc lập với chính phủ của ông Bashar al-Assad ở Damascus, về cơ bản là đã thực hiện xong phần 1 của Kế hoạch “Phân rã Syria”.

Có thể nhận định rằng, con đường giải phóng đất nước, bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của người Syria vẫn còn rất nhiều chông gai.

Nguyễn Ngọc

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/saudi-do-quan-sang-syria-my-am-muu-chia-cat-syria-3394005/