Saudi phủ nhận cáo buộc tên lửa 'gãi ngứa' tàu dầu Iran

Saudi Arabia vừa chính thức lên tiếng phủ nhận toàn bộ thông tin nước này dùng tên lửa chống hạm tấn công tàu dầu Iran hôm 11/10.

Ngày 13/10, Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir nói với các phóng viên ở Riyadh trong một cuộc họp báo khi được hỏi về nghi vấn nước này đứng sau vụ tấn công tàu dầu Iran ở Biển Đỏ.

"Chúng tôi không tham gia vào hành vi nào như vậy. Đây chắc chắn không phải và cũng chưa từng là cách hành xử của chúng tôi. Hãy bình tĩnh và tìm hiểu kĩ những gì đã xảy ra trước khi chúng ta đi đến một kết luận", Ngoại trưởng Adel al-Jubeir nói.

Tàu chở dầu Iran bị cháy.

Tàu chở dầu Iran bị cháy.

Tuyên bố trên được Saudi đưa ra gần như ngay sau khi truyền thông Nga khẳng định, vụ tấn công tàu dầu Iran do máy bay không người lái của Saudi mang theo tên lửa chống hạm do Mỹ sản xuất thực hiện. Nhưng vũ khí chống hạm không thể đánh chìm chiếc tàu dân sự không hề có hệ thống phòng thủ.

Dù chỉ đích danh Saudi và vũ khí Mỹ sản xuất thực hiện vụ tấn công nhưng nguồn tin này không tiết lộ loại tên lửa chống hạm nào thực hiện vụ tấn công. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, căn cứ vào sự yếu đuối từ pha tấn công, nhiều khả năng Harpoon chính là thủ phạm.

Sức mạnh không thực sự ấn tượng của dòng tên lửa chống hạm do Mỹ sản xuất này đã bị nói đến nhiều sau cuộc tập trận RIMPAC 2016 ở ngoài khơi Hawaii. Mục tiêu bị tấn công là một chiếc tàu cũ bị loại biên.

Đầu tiên, mục tiêu đã bị trúng 1 quả tên lửa Harpoon từ tàu ngầm của Hàn Quốc, sau đó là 1 tên lửa Harpoon nữa từ khu trục hạm HMAS Ballarat cùng 1 quả Hellfire từ trực thăng SH-60S của Hải quân Australia.

Trong đợt tấn công tiếp theo, một tàu tuần tra của Mỹ bắn thêm 1 tên lửa Harpoon và 1 tên lửa Maverick; tàu tuần dương USS Princeton còn tiếp tục phóng 1 tên lửa Harpoon, trong khi một trực thăng SH-60S khác bồi thêm một số tên lửa Hellfire nữa...

Theo thống kê, lực lượng tham gia diễn tập đã dùng đến hơn 10 loại vũ khí cực mạnh để đánh chìm chiếc tàu cũ, gồm 4 tên lửa diệt hạm Harpoon. Điều đáng nói ở đây là sau khi hứng chịu số lượng bom đạn khổng lồ như vậy, con tàu vẫn trụ vững tới 12 giờ đồng hồ rồi mới chịu thúc thủ.

Đặc biệt, trong hầu hết những vũ khí dùng trong tập trận đều được Mỹ quảng bá rằng chỉ cần 1 quả cũng đủ sức đánh chìm chiến hạm lớn hơn cả chiếc tàu sử dụng làm mục tiêu. Tuy nhiên, tuyên bố của nhà sản xuất đã trái ngược hoàn toàn so với thực tế trong tập trận. Nếu thông tin Saudi Arabia dùng tên lửa Harpoon tấn công tàu dầu Iran được xác nhận thì việc vũ khí này không thể đánh chìm con tàu này không phải là chuyện lạ.

Phản ứng sau vụ tấn công, Công ty vận tải dầu nhà nước Iran (NITC) cho biết tàu chở dầu Sabiti của nước này hôm 11/10 đã bị hư hại sau khi hứng chịu vụ tấn công từ 2 quả tên lửa chống hạm ở mạn tàu trong lúc di chuyển trên Biển Đỏ cách bờ biển Saudi Arabia khoảng 100km. Iran khẳng định, vụ tấn công là hành động của những kẻ khủng bố.

Đan Nguyên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/saudi-phu-nhan-cao-buoc-ten-lua-gai-ngua-tau-dau-iran-3389420/