Saudi, UAE biến OPEC thành công cụ của Mỹ chống Iran

Iran tố cáo các quốc gia thù địch như Saudi Arabia và UAE đã biến Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) thành công cụ của Mỹ chống Iran.

Iran khó khăn trước lệnh trừng phạt Mỹ

Đại diện của Iran trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (Organization of Petroleum Exporting Countries - OPEC) đã cáo buộc Saudi Arabia và Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) đang chiếm lĩnh thị phần xuất khẩu dầu mỏ của Iran.

"Saudi Arabia và UAE đang biến OPEC thành một công cụ cho Mỹ và do đó tổ chức này đã không còn nhiều sự tín nhiệm", đại diện tại OPEC của Iran là ông Hossein Kazempour Ardebili nói với hãng tin Shana của Iran hôm 16/9.

Vào hồi tháng 5 vừa qua, Mỹ đã đơn phương rút khỏi Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA), hay còn gọi là Thỏa thuận Hạt nhân Iran 2015 (Iran Nuclear Deal 2015 - IND), có chữ ký của Nga, Mỹ, Trung Quốc, Iran và một số Các quốc gia châu Âu như: Anh, Pháp, Đức.

Bất chấp sự phản đối của Iran và phần còn lại của “nhóm P5+1” và nỗ lực của các nước này nhằm duy trì thỏa thuận Hạt nhân Iran 2015, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Tehran đã được người tiền nhiệm Barack Obama dỡ bỏ trước đó.

Hàng loạt biện pháp trừng phạt mới đối với Iran trong giai đoạn 1 được áp đặt đối với hàng loạt lĩnh vực chủ chốt của Iran, có phạm vi trên toàn cầu, nhằm mục đích phong tỏa khả năng mua lại dollars Mỹ của Iran, ngăn chặn giao dịch vàng và kim loại quý và lĩnh vực ô tô của Iran.

Trong giai đoạn 2, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tìm cách cắt giảm xuất khẩu dầu của Tehran về mức “0”, khiến kinh tế nước này sụp đổ và phải chấp thuận ngồi vào bàn đàm phán về một thỏa thuận hạt nhân mới theo ý chí áp đặt của Mỹ.

Để bù đắp nguồn cung dầu mỏ của Iran trên thị trường thế giới, Mỹ đã kêu gọi các nhà sản xuất dầu mỏ khác như Saudi Arabia, Nga và các nước OPEC khác bơm thêm dầu để giữ nguồn cung ổn định.

Tehran tuyên bố Mỹ sẽ không thể đánh sập xuất khẩu dầu mỏ của Iran

Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ John Bolton cho biết, Hoa Kỳ sẽ gây "áp lực tối đa để “thay đổi hành vi” của Iran. "Thay đổi chế độ ở Iran không phải là chính sách của Mỹ, nhưng điều chúng tôi muốn là thay đổi lớn trong hành vi của chính quyền Tehran" - Bolton nói thêm.

Các lệnh cấm vận dầu và ngân hàng trung ương của Iran được dự kiến sẽ có hiệu lực vào ngày 4 tháng 11. Washington chuẩn bị sử dụng các biện pháp trừng phạt bổ sung để quyết tâm thúc đẩy xuất khẩu dầu của Iran bằng không.

Sau khi Washington công bố nhiều biện pháp trừng phạt chống lại Tehran, những người mua dầu mỏ chính của Iran như Trung Quốc và Ấn Độ cũng gặp nhiều khó khăn từ lệnh trừng phạt của Mỹ, khiến sản lượng dầu của Iran xuống mức thấp nhất kể từ năm 2016, theo số liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế.

Sự mất mát dự đoán của dầu mỏ Iran, kết hợp với nguồn cung đang suy giảm từ các nước OPEC và Venezuela, đã đẩy giá dầu lên rất cao, hồi đầu tuần này đã đạt 80 USD/ thùng, mức giá cao nhất kể từ tháng 5.

Âm mưu chiếm thị phàn dầu mỏ Iran

Đầu tháng trước, Iran đã chuyển cáo tới OPEC rằng, không quốc gia thành viên nào được phép lấy đi phần hàng xuất khẩu của người khác [chỉ Iran], sau khi Saudi Arabia đề nghị cung cấp thêm dầu để bù đắp cho việc cắt giảm doanh số bán dầu của Iran tại Mỹ.

Vào tháng 6, OPEC đã đồng ý tăng sản lượng dầu khoảng 1 triệu thùng/ngày, bất chấp những động thái phản đối mạnh mẽ của Iran.

Trong một cuộc phỏng vấn cho Shana, ông Ardebili cáo buộc Saudi Arabia và Nga (một quốc gia không phải là một thành viên OPEC) đã biến thị trường dầu mỏ "làm con tin" bằng cách tăng sản lượng dầu.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/saudi-uae-bien-opec-thanh-cong-cu-cua-my-chong-iran-3365660/